Bộ Nông nghiệp chỉ đạo hướng xử lý cặp rắn “khủng” ở An Giang

Sự kiện: Tin nóng An Giang

Qua nắm tình hình từ Tổng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT đã có chỉ đạo về hướng xử lý cặp rắn này.

Clip cận cảnh rắn hổ mang chúa “khủng” ở An Giang. (Nguồn: Tổng hợp)

Ngày 20/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có công văn gửi UBND tỉnh An Giang, chỉ đạo xử lý vụ việc cặp rắn “khủng” bị bắt ở núi Cấm (thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang).

Trong công văn, Bộ NN&PTNT cho biết, theo các phương tiện thông tin đại chúng và nắm tình hình từ Tổng Cục Lâm nghiệp, các cá thể rắn được xác định là rắn hổ mang chúa (Ophiophagus Hannah). Đây là sinh vật thuộc nhóm I danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP.

Bộ Nông nghiệp chỉ đạo hướng xử lý cặp rắn “khủng” ở An Giang - 1

Rắn hổ mang chúa hay còn gọi là hổ mây vừa bị bắt ở An Giang.

Do đó, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh An Giang khẩn trương xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ của các cá thể rắn hổ mang chúa. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).

“Trên cơ sở xác định được nơi cư trú, sinh cảnh của các cá thể rắn này, cần thả chúng lại môi trường tự nhiên, đảm bảo an toàn cho người và động vật. Đồng thời bảo tồn, phát triển sinh cảnh phù hợp với đặc tính sinh học và khả năng tồn tại của chúng”, Bộ NN&PTNT nêu rõ trong công văn.

Trước đó, báo chí đã đưa tin về việc Công ty Sao Mai nuôi nhốt 2 cá thể rắn “khủng” ở khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp (xã An Tức, huyện Tri Tôn). Doanh nghiệp này cho biết, trong quá trình thi công hệ thống điện mặt trời dưới chân núi Cấm, các công nhân đã phát hiện rắn khổng lồ nên bắt về.

Bộ Nông nghiệp chỉ đạo hướng xử lý cặp rắn “khủng” ở An Giang - 2

Mỗi con rắn chỉ dài khoảng 4m và nặng 18kg chứ không phải 7m và 30kg như thông tin ban đầu.

Trong khi thông tin ban đầu từ ban truyền thông của Công ty Sao Mai cho biết tổng trọng lượng của 2 cá thể rắn lên tới 60kg (40kg và 20kg), có con dài hơn 7m; thì qua xác minh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cho biết mỗi cá thể rắn này chỉ nặng khoảng 18kg và chiều dài vào khoảng 4m.

Cặp rắn nói trên là rắn hổ mang chúa hay còn được người dân gọi là rắn hổ mây. Hiện, cặp rắn này vẫn đang được nuôi nhốt tạm tại khu du lịch Đối Tức Dụp trong khi chờ cơ quan chức năng có hướng xử lý.

Rắn hổ mây hay còn gọi là rắn hổ mang chúa. Loại rắn này có tên khoa học Ophiophagus Hannah, thuộc họ Elapidae (họ rắn hổ). Rắn hổ mây phân bố chủ yếu trong các vùng rừng nhiệt đới trải dài từ Ấn Độ đến Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều rắn hổ mây sinh sống.

Rắn hổ mây có tốc độ di chuyển thuộc nhóm nhanh nhất trong họ nhà rắn. Khả năng săn mồi cũng cực nhanh và hầu như chúng thường ăn con mồi ngay tức khắc, khiến con mồi ít có cơ hội tẩu thoát.

Theo các chuyên gia, rắn hổ mây có khả năng giết chết nạn nhân chỉ thông qua một vết cắn (có chứa từ 200 - 500mg nọc độc). Một số trường hợp, nó có thể phun ra tới 7ml nọc độc. Đây là lượng nọc độc có thể giết chết một con voi châu Phi trong vài giờ và làm cho 20 người đàn ông trưởng thành thiệt mạng.

Nọc độc của rắn hổ mây chủ yếu thuộc nhóm neurotoxin (độc tố thần kinh), như haditoxin và một vài hợp chất khác. Đó đều là là những chất có thể gây tổn hại mô thần kinh và làm vô hiệu các tế bào.

Thông tin bất ngờ vụ bắt được cặp rắn hổ mây ”khủng” dưới chân núi Cấm

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cho rằng trường hợp người dân phát hiện loại rắn hổ mây nằm trong diện tích...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN