Bộ Nội vụ nói về đề xuất TP.HCM trả lương 150 triệu đồng để thu hút người tài
Đại diện Bộ Nội vụ cho rằng Nghị quyết 27 của Đảng về chính sách tiền lương có nhiều cơ chế mở để thu hút nhân tài và theo quy định TP.HCM phải báo cáo, đề xuất với HĐND để xem xét.
Chiều 4-8, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đã chủ trì cuộc họp sau khi bế mạc Hội nghị Những người đứng đầu các nền công vụ ASEAN và ASEAN+3, các nước đối tác đối thoại và Diễn đàn về Quản trị đất nước tốt.
Để thu hút nhân tài, phải cải cách chính sách tiền lương
Tại cuộc họp báo, phóng viên đặt vấn đề tại hội nghị và diễn đàn "Quản trị đất nước tốt", nhiều ý kiến các nước thành viên ASEAN đề cập đến việc cần xây dựng hệ thống lương, thưởng hấp dẫn để thu hút nhân tài.
“Vừa qua, có ý kiến đề xuất TP.HCM nên quy định mức lương trần 120 - 150 triệu đồng để thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước về làm việc đóng góp cho sự phát triển của TP. Bộ Nội vụ có quan điểm thế nào về đề xuất này như thế nào? Hiện nay các chính sách thu hút nhân tài của Việt Nam đã đủ để người tài hào hứng tham gia vào nền công vụ của nước nhà?”- phóng viên hỏi.
Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) Vũ Tuấn Ninh
“Đây là vấn đề chúng tôi rất trăn trở”- ông Vũ Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ Công chức, Viên chức (Bộ Nội vụ), trả lời.
Ông Ninh cho hay Vụ Công chức, viên chức đang tham mưu cho lãnh đạo Bộ xây dựng Đề án về Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài. “Về cơ bản, chúng ta đang đi đến những khâu cuối cùng để hoàn thiện, trình lãnh đạo Bộ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. Có thể tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo, một lần nữa xin ý kiến các bộ, ngành, chuyên gia trước khi trình Thủ tướng”- ông Ninh nói.
Theo ông Ninh, quan điểm, chủ trương về thu hút, trọng dụng nhân tài đã được thể hiện xuyên suốt trong các văn kiện, nghị quyết, văn bản của Đảng, nhà nước...
Việt Nam đứng thứ 82/134 quốc gia trong bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu, Việt Nam cũng là 1 trong 10 quốc gia dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu trong nhóm 36 quốc gia có thu nhập trung bình thấp của thế giới.
Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức dẫn lại dẫn định của Diễn đàn kinh tế thế giới 2015, khẳng định nhân tài, chứ không phải vốn, sẽ là yếu tố chính liên kết sự đổi mới, khả năng cạnh tranh và tăng trưởng trong thế kỷ 21...
Theo ông Ninh, thời gian qua, Đảng và nhà nước ta đã có nhiều chính sách đãi ngộ đối với nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học- công nghệ...
Một số tỉnh, thành phố đã thực hiện chính sách thu hút nhân tài, như TP.HCM đã làm. Tuy nhiên, kết quả cũng chưa đạt được như mong muốn.
“Tại diễn đàn hôm 3-8, ông Chủ tịch Uỷ ban Công vụ của Singapore đã có ý kiến nói rằng đây là vấn đề rất khó. Bản thân Singapore thực hiện nội dung này cũng chưa đạt được như mong muốn”- ông Ninh cho hay và thừa nhận “rất khó” khi bắt tay vào xây dựng Đề án nói trên.
Lãnh đạo Vụ Công chức, viên chức cho biết cơ quan tham mưu dự kiến đề xuất 7 giải pháp lớn, trong mỗi giải pháp lại có những nhiệm vụ rất cụ thể để triển khai thực hiện. “Chúng tôi thấy chỉ khi chúng ta thực hiện đồng bộ các giải pháp đó thì việc thu hút nhân tài mới có thể thành công được”- vẫn lời ông Ninh.
Ông Ninh cho hay Nghị quyết ĐH XII của Đảng xác định phải có cơ chế, chính sách đặc biệt thu hút nhân tài của đất nước. Vì vậy, khi xây dựng chiến lược này, Vụ Công chức, viên chức đã mạnh dạn đề ra một số giải pháp mang tính đột phá để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Ngoài ra, ông Ninh nhấn mạnh: “Phải cải cách được chính sách tiền lương, để làm sao chính sách tiền lương giữa khu vực công và tư phải tương đồng theo đúng tinh thần Nghị quyết 27 của Đảng. Khi đó, việc thu hút và trọng dụng nhân tài của chúng ta mới đạt kết quả”.
Theo ông, kết quả phân tích các cuộc khảo sát, nghiên cứu cho thấy để thu hút nhân tài làm việc, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước, ngoài các điều kiện về môi trường sống, môi trường làm việc thì ưu đãi, đãi ngộ về tiền lương, thu nhập là nhân tố quan trọng, đặc biệt quan trọng để thu hút, giữ chân nhân tài.
Về đề xuất TP.HCM có cơ chế trả lương vượt trội, ông Ninh cho rằng nghị quyết 27 của Đảng về chính sách tiền lương có rất nhiều cơ chế mở để tạo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội, thu hút nhân tài. “Theo quy định, TP.HCM phải báo cáo, đề xuất với HĐND để xem xét”- ông Ninh nói thêm.
Khó biệt phái cán bộ từ khu vực công sang tư
Phóng viên cũng đặt vấn đề, tại Diễn đàn về quản trị đất nước tốt ngày hôm qua, đại diện Trường Công vụ Singapore đã nêu lên một kinh nghiệm rất hay về việc luân chuyển cán bộ linh hoạt trong hệ thống công chức.
Cụ thể, cán bộ của bộ này có thể đi thực hiện chương trình, dự án ngắn hạn của bộ kia. Hay để duy trì nhân tài, Singapore có giải pháp cho cán bộ đi biệt phái ở các hãng hàng không, ngân hàng hai năm để họ học được những kỹ năng trong giới doanh nghiệp, sau đó có thể quay về cơ quan công quyền làm việc.
“Mô hình này có được tính toán áp dụng ở Việt Nam và nếu áp dụng chúng ta gặp khó khăn gì?”- phóng viên hỏi.
Trả lời, ông Vũ Tuấn Ninh cho hay do cách dùng từ của mỗi quốc gia khác nhau nên có thể dùng từ “luân chuyển” hay “biệt phái”. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ thực hiện việc luân chuyển trong Đảng và trong hệ thống chính trị.
Về “biệt phái”, chúng ta đang thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ công chức, viên chức. Theo đó, biệt phái công chức được quy định là cơ quan, tổ chức, đơn vị khi quản lý công chức biệt phái công chức đến làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ, thời hạn biệt phái không quá 3 năm ngoại trừ một số ngành, lĩnh vực Chính phủ quy định...
Theo ông Ninh, thực tế chúng ta mới đang thực hiện biệt phái trong bộ máy cơ quan hành chính nhà nước, chưa đưa ra ngoài khu vực công được nhiều.
Lý giải về khó khăn, vướng mắc, ông Ninh cho rằng ở các nước bạn như Singapore, Úc, sự liên thông giữa công và tư khá rõ ràng, họ làm rất tốt. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, việc liên thông giữa công và tư còn gặp rất nhiều khó khăn.
Khó khăn thứ nhất là vấn đề chế độ chính sách, đặc biệt là tiền lương. Ở nước bạn, tiền lương của cán bộ công chức, viên chức và tiền lương của những người làm việc ở khu vực tư khá tương đồng. Do vậy, khi biệt phái về lĩnh vực tư, như ngân hàng chẳng hạn, thì rõ ràng không có khó khăn.
“Khi ta, cử đi biệt phái thì cơ quan cử đi biệt phái là cơ quan phải trả lương, chế độ chính sách. Khi cán bộ công chức được cử đi biệt phái ở khu vực tư thì lương vẫn do cơ quan nhà nước trả. Vì vậy chưa tương đồng với sức lao động khi họ ra khu vực tư làm. Đó là khó khăn rất lớn”- ông Ninh cho hay.
Lãnh đạo Vụ Công chức, viên chức cho biết Vụ này đang giúp Bộ trưởng rà soát các quy định của Chính phủ về cán bộ công chức, viên chức. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt, theo ông, là phải triển khai được việc cải cách chính sách tiền lương.
Hiện Bộ Nội vụ đang tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương khoá XII nhưng cũng có những khó khăn về kinh tế, nhất là sau đại dịch COVID- 19. Vì vậy, vừa qua, Bộ đã trình Chính phủ để trình Hội nghị Trung ương, đề xuất lùi thời gian thực hiện vào một thời điểm thích hợp.
“Nếu chúng ta triển khai được theo đúng tinh thần Nghị quyết 27 thì vấn đề đổi mới quản lý cán bộ công chức, viên chức, cũng như vấn đề liên thông giữa công và tư, chúng ta thực hiện sẽ thuận lợi hơn”- ông Ninh khẳng định.
Nguồn: [Link nguồn]
Trước đây, TP.HCM thu hút chuyên gia nước ngoài bằng mức lương đến 150 triệu đồng/tháng, nay chỉ còn khoảng 13 triệu đồng/tháng.