Bộ Nội vụ đề xuất mỗi cán bộ có 1 mã định danh số
Theo đề xuất, mỗi cán bộ, viên chức sẽ có một mã định danh số duy nhất, được kết xuất từ cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ trong các cơ quan nhà nước và được in trên thẻ cán bộ.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định mẫu thẻ và việc quản lý, sử dụng thẻ đối với cán bộ, công chức, viên chức (gọi tắt là cán bộ).
Khuyến khích sử dụng App mobile thẻ cán bộ
Theo dự thảo, thông tin trên thẻ cán bộ phải có các trường thông tin theo quy định. Cụ thể, tên cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý và sử dụng cán bộ; ảnh, họ và tên, chức vụ hoặc chức danh công việc, vị trí việc làm; mã định danh; mã QR Code; vạch màu nhận biết đối tượng lãnh đạo, quản lý với đối tượng khác.
Mỗi cán bộ có một mã định danh số duy nhất, được kết xuất từ cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ trong các cơ quan nhà nước; được in trên thẻ cán bộ
Căn cứ vào nhu cầu quản lý, sử dụng và mức độ hiện đại hóa công sở, quá trình chuyển đổi số, cơ quan, đơn vị, tổ chức có thẩm quyền quản lý lựa chọn, quy định sử dụng loại thẻ phù hợp.
Có hai loại thẻ gồm thẻ nhựa không gắn chip (thẻ nhựa, thẻ nhựa có từ); Thẻ nhựa gắn chip (thẻ điện tử). “Khuyến khích sử dụng App mobile thẻ cán bộ” – dự thảo nêu.
Bộ Nội vụ là cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu quản lý thẻ cán bộ và triển khai thống nhất toàn quốc.
Thẻ cán bộ sẽ bao gồm các thông tin liên quan như họ tên, cơ quan công tác, chức vụ, mã định danh số... Ảnh: HOÀNG GIANG
Cho mượn thẻ không đúng quy định sẽ bị thu hồi
Dự thảo của Bộ Nội vụ cũng nêu rõ điều kiện để cấp, cấp đổi thẻ là cán bộ có đủ thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ trong các cơ quan Nhà nước do Bộ Nội vụ quản lý.
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức quy định quy trình, phân cấp trong việc thực hiện cấp, cấp đổi, thay đổi thông tin, thu hồi thẻ cán bộ phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, tổ chức
“Cán bộ phải đeo thẻ khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ” – dự thảo nêu rõ và nhấn mạnh trường hợp cán bộ chấp hành các biện pháp bảo đảm an ninh theo quy định riêng thì không phải thực hiện chế độ đeo thẻ.
Cán bộ có trách nhiệm quản lý, sử dụng thẻ, tuyệt đối không được cho mượn thẻ, sử dụng thẻ không đúng mục đích dưới bất kỳ hình thức nào. Cán bộ làm mất hoặc làm hư hỏng thẻ phải báo cáo và giải trình với cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý thẻ; đồng thời đề nghị được cấp lại hoặc đổi thẻ mới….
Đặc biệt, cán bộ khi nghỉ hưu được giữ thẻ của mình sau khi cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý thẻ đã cắt góc hoặc đột lỗ trên thẻ.
Dự thảo thông tư cũng quy định ba trường hợp phải thu hồi thẻ của cán bộ. Cụ thể, cho mượn thẻ, thẻ được cấp không đúng quy định. Thôi việc hoặc vi phạm kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc. Thay đổi cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác, vị trí chức danh công việc hoặc chức vụ công tác.
“Cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp thẻ có trách nhiệm thu hồi thẻ, cắt góc hoặc đột lỗ trên thẻ để không đưa thẻ vào sử dụng; cập nhật thông tin trạng thái thu hồi, khóa thẻ vào cơ sở dữ liệu thẻ cán bộ do Bộ Nội vụ quản lý” – dự thảo nêu.
Cấp, quản lý thẻ công chức điện tử ở quy mô quốc gia
Nêu lý do về sự cần thiết phải có thông tư này, Bộ Nội vụ cho hay thẻ cán bộ sẽ được sử dụng làm công cụ nhận biết và xác định vị trí, chức danh của từng cán bộ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Mặc dù các cơ quan, đơn vị đã rất quan tâm, triển khai các chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nội vụ, tuy nhiên trong thực tế việc triển khai vẫn còn một số hạn chế, bất cập.
Chẳng hạn, cán bộ các đơn vị còn chưa hiểu hết được mục đích, ý nghĩa của việc đeo thẻ; vẫn còn một số nơi, một số cán bộ chưa thực hiện nghiêm túc việc đeo thẻ khi thi hành công vụ.
Cạnh đó, thẻ công chức hiện nay mới chỉ có giá trị trong phạm vi nội bộ cơ quan, đơn vị, trong ngành; các quy định về mẫu thẻ trước đây không còn phù hợp với thực tiễn…
Do vậy, để khắc phục những bất cập nêu trên, Bộ Nội vụ cho rằng phải thực hiện cấp và quản lý thẻ công chức điện tử ở quy mô quốc gia. Đồng thời, thẻ công chức điện tử cần đáp ứng được các tiêu chí theo quy định như thiết kế hiện đại, thể hiện rõ thứ bậc hành chính, dễ nhận biết; chíp của thẻ cũng cần lưu trữ được các thông tin cơ bản của công chức, thông tin sinh trắc học và các thông tin mở rộng để có thể liên kết với các nền tảng cơ sở dữ liệu khác.
Không cập nhật dữ liệu sẽ không được cấp thẻ cán bộ Dự thảo thông tư gồm 4 chương, 20 điều và 1 phụ lục, quy định những vấn đề về thể thức, hình thức, kích thước thẻ, các yếu tố kỹ thuật, bảo mật, bảo an, chống làm giả của thẻ cán bộ điện tử. Các quy định kỹ thuật theo định hướng mở để thẻ có thể tích hợp các tiện ích, đa năng, ứng dụng thông minh; phù hợp với chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh trong tương lai. Thông tin dữ liệu để in, cá thể hóa thẻ được trích xuất từ cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ trong các cơ quan nhà nước - góp phần đẩy nhanh việc cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia cán bộ theo nguyên tắc “đúng, đủ, sống, sạch”. Cán bộ nào không cập nhật dữ liệu thì sẽ không được cấp thẻ cán bộ. |
Ngày 11/12, theo Công an TP Hà Nội, kết quả thực hiện Đề án 06 từ ngày 1/10 đến 7/12, đơn vị đã thu nhận 3.680 hồ sơ và nhận 3.997 thẻ từ Cục Cảnh sát Quản lý hành chính...
Nguồn: [Link nguồn]