Bổ nhiệm GĐ sở 30 tuổi: "Không thể giữ mãi kiểu sống lâu lên lão làng"

Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - xung quanh câu chuyện đang được nhiều người quan tâm: Đó là việc ông Lê Phước Hoài Bảo, người mới 30 tuổi, vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Quảng Nam.

Bổ nhiệm GĐ sở 30 tuổi: "Không thể giữ mãi kiểu sống lâu lên lão làng" - 1

Ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Nhìn vào quá trình công tác của ông Lê Phước Hoài Bảo, người vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Quảng Nam, nhiều người cho rằng việc ông thăng tiến quá nhanh là không bình thường?

- Đúng rồi, có thể coi đó là một sự đốt cháy giai đoạn. Nhưng đối với người có tài, có năng lực thật cần phải sớm giao nhiệm vụ cho họ, người trẻ càng tốt. Ngày trước các cụ hoạt động cách mạng làm lãnh đạo Đảng cũng chỉ 24-25 tuổi. Không thể giữ mãi kiểu "sống lâu lên lão làng".

Chúng ta phải ủng hộ việc trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo. Tất nhiên về việc bổ nhiệm này có vi phạm một số quy định về mặt tiêu chuẩn như chưa phải chuyên viên chính, số năm công tác cũng chưa đủ...

Thưa ông, nếu như việc ông Lê Phước Hoài Bảo thi tuyển trúng chức danh Giám đốc sở thì việc ông ấy 30 tuổi hay có bố từng làm Bí thư Tỉnh ủy liệu có trở thành tâm điểm của dư luận những ngày qua?

- Việc thi tuyển vào những chức danh lãnh đạo hiện nay Nhà nước ta mới đang thử nghiệm chứ chưa áp dụng một cách phổ biến. Hình thức thi tuyển sẽ phá vỡ những quy định, tiêu chuẩn cũ. Tiêu chuẩn cùng với các quy định pháp luật khác là thước đo để điều tiết xã hội nói chung, nhưng cũng phải nhìn nhận những quy định đó có khi lại trở thành lạc hậu so với thực tiễn, so với một việc cụ thể nào đó. Thông thường những cái mới, cái đột phá lại xuất phát từ một việc cụ thể nào chứ không phải từ bàn giấy.

Hiện nay một số địa phương như Đà Nẵng đã tổ chức thi chức danh lãnh đạo. Nhưng việc làm đó mới dừng ở mức thí điểm, chưa trở thành một quyết định chung, thể chế chung. Cần phải có thực tiễn mới có cái để tổng kết, điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Qua sự việc trên, theo ông nên nhìn nhận vấn đề thế nào để công tác cán bộ của chúng ta được khách quan, công bằng, nhưng cũng vẫn thu hút được nhân tài?

- Từ sự việc cụ thể này, chúng ta nên nhìn theo hướng tích cực hơn, nghĩa là khi chúng ta giao nhiệm vụ mới cho cán bộ mà anh ta thi hành chức trách đó tốt, hiệu quả, nếu thấy cần thiết có thể tổng kết để điều chỉnh quy định cho phù hợp với thực tiễn. Bởi tất cả các quy định đều là kẻ thù của sự đổi mới, của sự sáng tạo, của thực tiễn. Không nên chỉ vì trái ngược quy định một chút là kêu ầm lên.

Tôi cũng nhấn mạnh lại là trong lịch sử cha ông chúng ta, cũng nhiều người làm nên sự nghiệp lớn từ khi còn rất trẻ, chính vì họ được tổ chức tin tưởng giao trọng trách cho. Tóm lại giờ chúng ta phải chờ xem việc ông Hoài Bảo, sau khi được bổ nhiệm làm giám đốc sở, sẽ giải quyết, xử lý công việc như thế nào. Nếu ông ý làm tốt thì chúng ta hoan nghênh, còn ông làm không tốt thì đó cũng là bài học để rút kinh nghiệm chung.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lương Kết (thực hiện) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN