Bổ nhiệm con làm lãnh đạo: Ông Vũ Huy Hoàng nói gì?
Ông Hoàng khẳng định, việc bổ nhiệm con trai (ông Vũ Quang Hải) và thư ký (ông Võ Thanh Hà) không phải ông đề xuất mà là do Sabeco có công văn thiết tha xin đích danh và Đảng ủy cơ quan bộ đã xem xét theo đúng quy trình.
Ông Vũ Huy Hoàng (giữa) lúc còn làm Bộ trưởng (ảnh lớn) và con trai Vũ Quang Hải, cùng quyết định bổ nhiệm (ảnh nhỏ). Ảnh: Hồng Vĩnh.
Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, đang điều trị ở nhà (bị chảy máu dạ dày-PV) nhưng đã đọc thông tin đăng trên Tiền Phong. Ông Hoàng khẳng định, việc bổ nhiệm con trai (ông Vũ Quang Hải) và thư ký (ông Võ Thanh Hà) không phải ông đề xuất mà là do Sabeco có công văn thiết tha xin đích danh và Đảng ủy cơ quan bộ đã xem xét theo đúng quy trình.
Do Sabeco tha thiết xin người?
Văn bản của VAFI cho rằng, có nhiều vấn đề trong việc bổ nhiệm con trai là ông Vũ Quang Hải khi đó mới 25 tuổi làm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư tài chính công đoàn dầu khí Việt Nam (PVFI). Sau đó ở vị trí này, ông Hải để xảy ra thua lỗ trong 2 năm liên tiếp nhưng lại được đưa về làm Phó giám đốc trung tâm hỗ trợ xuất khẩu của Cục Xúc tiến thương mại rồi nhanh chóng tiếp tục được bổ nhiệm thành viên HĐQT đồng thời kiêm chức Phó tổng giám đốc của Sabeco khi mới 28 tuổi. Ông có ý kiến gì về việc này?
Khi bổ nhiệm Vũ Quang Hải làm tổng giám đốc PVFI, trong kinh doanh của công ty này đã phát sinh lỗ từ trước, với số tiền hơn 200 tỷ đồng. Khi Hải nhận nhiệm vụ do PVN bổ nhiệm, công ty cũng có ký biên bản chốt số lỗ giữa tổng giám đốc mới và người tiền nhiệm. Việc kinh doanh lỗ trước đó không thuộc trách nhiệm của Hải.
Thực tế, qua hai năm Hải làm ở PVFI đã chặn được, không lỗ tiếp nữa. Và hai năm 2012 - 2013, tôi nhớ không chính xác, công ty đã có một chút lãi. Nhưng do trong hạch toán, người ta vẫn phải lấy phần lỗ của các năm trước để bù vào nên trên sổ sách vẫn còn lỗ. Còn số liệu chính xác tôi chắc Bộ sẽ cung cấp vì tôi nghỉ hưu rồi. Tập đoàn Dầu khí cũng sẽ cung cấp con số này cho những ai quan tâm.
Chuyện thứ hai mà nhiều người quan tâm là việc Hải về Sabeco, thì vào thời điểm cuối năm 2014, HĐQT của Sabeco mà trực tiếp là Chủ tịch HĐQT (ông Phan Đăng Tuất-PV) có công văn gửi lãnh đạo và ban cán sự Bộ Công Thương nói rằng, tình hình kinh doanh của đơn vị hoạt động bình thường nhưng bộ máy chưa được kiện toàn.
Trong khi nguồn tại chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu nên tổng công ty đề nghị Bộ cho phép xin đích danh Vũ Quang Hải cùng với một người tại chỗ nữa để kiện toàn bộ máy. Thẩm quyền bổ nhiệm và đề bạt là của tổng công ty. Hải lúc đó là phó phòng, về mặt quản lý cán bộ, Bộ phải đồng ý thì mới đi được. Căn cứ đề nghị của Sabeco và tính đến các tiêu chuẩn, Bộ đồng ý cho Hải vào trong đó để Sabeco làm quy trình bổ nhiệm.
Cũng phải nói Hải không phải là người đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco vì theo luật lúc đó tôi vẫn là thủ trưởng cơ quan Bộ. Đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco lúc đó là Chủ tịch (ông Phan Đăng Tuất), tổng giám đốc và hai ủy viên HĐQT. Người cùng được đề bạt với Hải về Sabeco cũng không phải là đại diện phần vốn nhà nước.
Đến nay, khi tôi nghỉ hưu vài tháng rồi, Hải cũng không phải là người đại diện vốn nhà nước. Tôi cũng làm rất cẩn thận vì có đề xuất của Sabeco và thực hiện đúng quy định hiện hành và chủ trương của Đảng, Nhà nước về luân chuyển cán bộ. Việc luân chuyển là thực hiện đúng, còn việc lựa chọn người như thế nào thì là chuyện những người có trách nhiệm phải đảm bảo.
Về cổ phần hóa Sabeco, kể cả Habeco, thực tế, từ năm 2012-2013, Bộ liên tục có đề án gửi Chính phủ, xin được thoái vốn nhà nước tại hai tổng công ty này. Nhưng do bia là lĩnh vực nhạy cảm, giá trị cổ phần tương đối lớn, thu hút sự quan tâm của công chúng và Chính phủ có chỉ đạo không được để mất vốn, phải giữ được hai thương hiệu quốc gia này.
Vì có những câu chuyện phải xử lý như thế nên đến giờ phút này vẫn phải chờ chỉ đạo của Chính phủ. Không thể nói tổng công ty không làm hay bộ không làm. Tất cả văn bản giấy tờ có hết. Chính bộ rất muốn thoái vốn nhanh và có phương án đề xuất là thoái hết vì bia là lĩnh vực nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối, thậm chí không cần nắm cổ phần.
Vậy còn việc bổ nhiệm ông Võ Thanh Hà, thư ký của ông, làm Chủ tịch Sabeco thì sao?
Khoảng giữa năm 2015, anh Phan Đăng Tuất (người được Bộ Công Thương cử giữ chức Chủ tịch Sabeco được 3 năm) có đơn gửi lãnh đạo Bộ và ban cán sự bộ nói rằng, do hoàn cảnh gia đình (giờ tôi mới biết là mẹ anh Tuất ốm rất nặng) nên xin được thôi không làm đại diện vốn tại Sabeco. Trong đơn cũng nói nếu được, anh Tuất cũng xin nghỉ sớm. Ban cán sự cũng đưa ra bàn có thuyết phục anh Tuất cứ ra Hà Nội và tiếp tục làm giúp cho Bộ trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp.
Còn về nguồn tại chỗ lúc đó chị Hạnh là tổng giám đốc cũng gần đến tuổi nghỉ hưu nên có để chị Hạnh kiêm nhiệm một thời gian. Sau đó tổng công ty cũng không giới thiệu được người tại chỗ đủ điều kiện buộc ngoài này phải giao Vụ tổ chức cán bộ nghiên cứu và có hỏi một lãnh đạo Vụ Công nghiệp nhẹ xem có thể nhận nhiệm vụ tại Sabeco.
Đồng chí này sau đó xin từ chối vì lý do gia đình. Vụ Tổ chức cũng hỏi một vài trường hợp khác và thấy anh Hà đã từng đi công tác tại thương vụ, có quan hệ với các doanh nghiệp, có uy tín nên Bộ làm quy trình, có trao đổi với Đảng ủy, và bổ nhiệm.
Thời gian qua tôi cũng nghe có ý kiến này kia về việc điều hành của anh Hà chưa được tốt nhưng nhìn vào kết quả kinh doanh tại đại hội cổ đông Sabeco tháng 5 vừa qua thì hiệu quả kinh doanh rất tốt.
Cũng cần nói lại anh Hà hay người nhà tôi (Vũ Quang Hải) không phải tôi đề xuất. Đây là Sabeco có công văn thiết tha xin đích danh và Đảng ủy đã xem xét.
Vũ Quang Hải (bên trái) tại lễ công bố quyết định bổ nhiệm giữ chức vụ tổng giám đốc PVFI ngày 27/1/2011.
Bố bổ nhiệm con: Phải rút kinh nghiệm
Nhiều ý kiến cho rằng, vì anh Vũ Quang Hải có bố đang là lãnh đạo Bộ Công Thương nên mới được ưu ái bổ nhiệm làm lãnh đạo PVFI khi mới chỉ 25 tuổi và sau đó là lãnh đạo tại Sabeco?
Cái đó thì người ta có quyền bình luận và là khía cạnh mình cũng phải rút kinh nghiệm. Nhưng ở đây có câu chuyện cụ thể. Lúc Hải làm ở dầu khí là do PVN quyết định, tôi không có ý kiến gì. Người ta cũng không hỏi tôi.
Vậy sau đó ông có khuyên can anh Hải gì không khi được làm tổng giám đốc doanh nghiệp lớn?
Hải có nói với tôi là tập đoàn và tổng công ty có đề nghị như vậy. Con thấy có khó khăn nhưng cũng rất muốn được thử thách vì đúng chuyên môn tài chính ngân hàng. Anh có thể hỏi bên dầu khí là biết ngay. Tôi không hề có bất cứ ý kiến gì cả.
Trong văn bản của VAFI có nói ông nên khuyên anh Hải từ chức tại Sabeco để tránh mang tiếng. Ông có ý kiến gì?
Đến giờ phút này tôi không hề nhận được bất cứ tài liệu nào do VAFI gửi. Tôi không phải là người làm cái gì liên quan cá nhân, trách nhiệm của mình mà lại từ chối việc trả lời hay trao đổi. Nếu tôi thấy tôi làm sai thì tôi nhận. Phải nhận được thông tin chính thức, được trao đổi nhưng không có.
Dư luận cũng cho rằng, việc ông Vũ Hùng Sơn, chưa phải là công chức nhà nước nhưng vẫn được bổ nhiệm làm Phụ trách văn phòng Bộ Công Thương với hàm phó vụ trưởng là sai luật?
Nói đúng hay không đúng phải có hồ sơ giấy tờ. Bộ và Vụ Tổ chức cán bộ sẽ trả lời. Nhưng khẳng định là đến giờ anh Sơn mới chỉ là hàm phó vụ trưởng. Bộ cũng làm rất thận trọng, cũng biết điều kiện cần có để làm Vụ trưởng hoặc Chánh văn phòng. Cái này rất là dài. Bản thân tôi với tư cách Bộ trưởng, Bí thư Đảng ủy, trước hết phải làm hết sức nghiêm túc các quy trình, điều kiện.
Cảm ơn ông
Con trai nguyên Bộ trưởng Hoàng thu nhập tiền tỷ tại Sabeco Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông đã được đại hội đồng cổ đông thông qua, tổng quỹ tiền lương và thù lao năm 2015 của HĐQT và Ban kiểm soát Sabeco là 4,678 tỷ đồng. Với 9 thành viên thuộc HĐQT và Ban kiểm soát, trung bình mỗi người sẽ nhận được mức lương khoảng 520 triệu đồng/năm. Với vị trí thành viên HĐQT Sabeco, ông Vũ Quang Hải sẽ nhận được mức lương khoảng 520 triệu đồng trong năm 2015. Còn theo kế hoạch năm 2016, với 10 người quản lý, Sabeco sẽ dành 9,99 tỷ đồng để chi trả tiền lương, tương đương mỗi người sẽ nhận được bình quân 999 triệu đồng/năm. Với 4 người quản lý kiêm nhiệm, Sabeco cũng quyết định sẽ chi trả thêm 783 triệu đồng thù lao kiêm nhiệm/4 người trong năm 2016, tương đương mỗi người sẽ nhận được gần 196 triệu đồng/năm. Ngoài ra, doanh nghiệp này sẽ trích ra 2,498 tỷ đồng để khen thưởng người quản lý tổng công ty (gồm 10 người), tương đương mỗi người sẽ nhận được gần 250 triệu đồng trong năm 2016. Thục Quyên |