Bộ Ngoại giao giải đáp "nóng" về biển Đông

Sự kiện: Thời sự

Trả lời ý kiến cử tri về tình hình biển Đông, Bộ Ngoại giao nêu rõ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ luôn là vấn đề thiêng liêng đối với đất nước và Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ

Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vừa có báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.

Bác bỏ mọi yêu sách phi lý của Trung Quốc

Báo cáo cho biết cử tri Bình Thuận, Đồng Nai, Nghệ An, Hải Phòng, Phú Thọ... lo lắng trước việc thời gian qua, Trung Quốc gia tăng các hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông.

Theo đó, cử tri tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai đề nghị Đảng, Nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác đối ngoại; có giải pháp hiệu quả nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; chỉ đạo tuyên truyền, kịp thời đưa thông tin về biển Đông về các chính sách đối ngoại của Việt Nam...

Trả lời kiến nghị cử tri bằng văn bản, Bộ Ngoại giao nêu rõ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ luôn là vấn đề thiêng liêng đối với đất nước. Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù họp với luật pháp quốc tế trước bất cứ hành vi vi phạm nào đối với vùng biển, thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Đối với Trung Quốc, Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam tăng cường tiếp xúc, đối thoại, trao đổi, trao công hàm, giao thiệp phản đối thông qua các dịp tiếp xúc, chuyến thăm cấp cao, hội đàm song phương, trao đổi bên lề các hội nghị quốc tế và diễn đàn đa phương hoặc trong khuôn khổ các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc. "Việt Nam kiên quyết bác bỏ các yêu sách phi lý và hoạt động vi phạm của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này, không tiếp diễn các hành động làm phức tạp tình hình, xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, đặc biệt là hoạt động quân sự hóa, cản trở các hoạt động phát triển kinh tế biển của Việt Nam; tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích của Việt Nam" - Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Việt Nam cũng nỗ lực thúc đẩy hợp tác, xử lý các vấn đề tồn đọng trên biển với các nước. Chúng ta đang tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm như: nghiên cứu khoa học biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản trong vịnh Bắc Bộ, tìm kiếm cứu nạn; đàm phán phân định ở khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, hợp tác biển với Philippines, Malaysia; đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế... Ngoài ra, chúng ta cũng mở rộng việc tham vấn, trao đổi các vấn đề cùng quan tâm trên biển với các nước Ấn Độ, Úc, Anh, New Zealand...

Tàu tên lửa tiến công nhanh của Lữ đoàn 167 Vùng 2 Hải quân thực thi nhiệm vụ trên biển. Ảnh: Mai Thắng

Tàu tên lửa tiến công nhanh của Lữ đoàn 167 Vùng 2 Hải quân thực thi nhiệm vụ trên biển. Ảnh: Mai Thắng

Nhất quán đường lối đấu tranh hòa bình

Cùng với cử tri tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, cử tri tỉnh Nghệ An đề nghị Đảng, Nhà nước cần có các quyết sách rõ ràng, mạnh mẽ, thể hiện thái độ kiên quyết trong bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Giải đáp mong mỏi này, Bộ Ngoại giao cho biết thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán chủ trương kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; đấu tranh trên thực địa trước các hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam.

Cụ thể là kiên trì chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế; thúc đẩy thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế. Đồng thời, nêu vấn đề biển Đông một cách phù hợp tại các hội nghị của Liên Hiệp Quốc, ASEAN và nhiều diễn đàn quốc tế và khu vực khác.

Cử tri tỉnh Phú Thọ bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 với sự hộ tống của nhiều tàu hải cảnh và tàu "dân binh" vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Về việc này, Bộ Ngoại giao thông tin từ đầu tháng 7-2019 đến cuối tháng 10-2019, nhóm tàu khảo sát trên của Trung Quốc "dưới danh nghĩa khảo sát khoa học" đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Trước tình hình trên, Bộ Ngoại giao chủ động tham mưu, đề xuất các kiến nghị; tích cực, kịp thời cung cấp thông tin chính xác cho báo chí đưa tin, viết bài về những sự việc, diễn biến trên biển, phù hợp với chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Ngoại giao dẫn chứng ngày 28-10-2019, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình biển Đông. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã báo cáo về vấn đề biển Đông tại Hội nghị Trung ương tháng 10-2019; đồng thời trao đổi trực tiếp với 800 báo cáo viên ngày 30-8-2019 để cung cấp thông tin định hướng chính xác nhất về các vấn đề trên biển. 

Bảo vệ các đảo, đá, ngư dân và tàu cá

Bộ Ngoại giao cho rằng vấn đề biển Đông tác động trực tiếp đến tâm tư tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam. Đối với kiến nghị của cử tri TP Hải Phòng về việc thực hiện các biện pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền trước các hành động sai trái trên biển Đông của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao khẳng định các lực lượng chức năng Việt Nam đấu tranh trên thực địa trước các hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam; thường xuyên nâng cao cảnh giác, không để bị động, bất ngờ; kiên quyết, kiên trì giữ vững thực địa. Đồng thời kiên trì thực thi quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ các đảo, đá, công trình, khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta, bảo vệ ngư dân và tàu cá.

Nguồn: [Link nguồn]

Biển Đông: Học giả Mỹ lên tiếng về Công hàm Phạm Văn Đồng

Các học giả đều cho rằng Trung Quốc suy diễn nội dung Công hàm Phạm Văn Đồng không theo tinh thần luật pháp quốc tế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế Dũng ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN