Bố mẹ bất lực nhìn con trai bị lũ cuốn

Sự kiện: Nhịp sống 24h
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Quảng Bình - Thấy con trai bị lũ cuốn trong lúc hỗ trợ dân làng tránh trú, ông Lê Văn Hế ném dây thừng nhưng không kịp, người mẹ hét lên vô vọng trong mưa.

"Cứu con tôi với, có ai không", bà Trần Thị Chát, 49 tuổi, trú thôn Thanh Sơn, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy vẫn ám ảnh bởi câu nói của chính mình 4 ngày trước, khi chứng kiến con bị lũ cuốn. Ngồi kế bên, ông Hế, 51 tuổi, vừa khóc vừa nói "con còn nhiều dự định, bỏ bố mẹ đi sớm vậy?".

Cơn mưa lớn từ sáng đến trưa 27/10 khiến toàn xã Thái Thủy bị cô lập, đường sá ngập 20-30 cm, cách một tiếng nước lại dâng lên 3-5 cm. Nhiều người hốt hoảng, gọi điện cho chính quyền nhờ hỗ trợ. Nằm trong tổ xung kích phòng chống thiên tai thôn Thanh Sơn, anh Lê Ngọc Hơn, 22 tuổi, tham gia giúp đỡ hàng xóm đi tránh trú, kê đồ đạc lên cao.

Vợ chồng bà Cát và ông Hế thất thần khi kể lại khoảnh khắc bất lực nhìn con trai bị lũ cuốn. Ảnh: Đức Hùng

Vợ chồng bà Cát và ông Hế thất thần khi kể lại khoảnh khắc bất lực nhìn con trai bị lũ cuốn. Ảnh: Đức Hùng

Buổi sáng, anh Hơn giúp được hàng chục gia đình đi tránh lũ tại nhà người thân, hàng xóm, nhà văn hóa thôn, trường học. Chiều cùng ngày, nhận tin nhiều người kêu cứu ở thôn bên cạnh, sát hạ lưu đập thủy lợi Thanh Sơn, anh Hơn cùng hai thanh niên trong tổ xung kích lên kế hoạch hỗ trợ.

Ba thanh niên mang áo phao, cùng lội qua đoạn đường ngập hơn nửa mét để đến khu dân cư đang có người kêu cứu. Bất ngờ dòng lũ từ thượng nguồn ập tới, cuốn ba người về xuôi, cách vị trí ban đầu khoảng 5 m. Hai thanh niên cố vùng vẫy, bơi vào bờ an toàn, còn anh Hơn chới với giữa dòng lũ.

Nhà anh Hơn nhìn ra con đường ngập, cách chừng 20 m. Bà Chát đang đứng giữa sân, thấy con vẫy tay kêu cứu đã hét lớn "cứu cứu...", gọi hàng xóm xung quanh hỗ trợ. Ông Hế vội lao vào nhà dân cách hiện trường 10 m lấy sợi dây thừng dài, ý định ném xuống dòng lũ để con bám lấy.

"Nhưng trời chẳng thương gia đình tôi", ông Hế nói. Lấy được sợi dây, ông tiếp tục chạy ra sông, vấp ngã giữa đường ngập, chân trái bị mảnh vỡ thủy tinh cứa sâu. Nén đau, ông đứng dậy cố gắng tiếp cận con trai, song ra đến nơi thì không thấy con đâu, chỉ còn dòng nước đục ngầu.

Di ảnh của anh Hơn đặt trên bàn thờ. Ảnh: Đức Hùng

Di ảnh của anh Hơn đặt trên bàn thờ. Ảnh: Đức Hùng

Bà Chát thấy chồng đứng thẫn thờ thì khuỵu gối giữa đường, òa khóc dưới mưa. Chiều hôm đó, cả gia đình động viên nhau chờ tin tốt từ lực lượng cứu hộ, nhưng điều kỳ diệu không xảy ra. 7h ngày 28/10, thi thể anh Hơn được tìm thấy, cách hiện trường khoảng 200 m.

"Hôm trước Hơn bảo sắp trở rét, để mua tặng mẹ chiếc khăn quàng cổ giữ sức khỏe. Nhưng thật bi kịch khi chiếc khăn ấm lại thay bằng khăn tang", bà Chát kể, tay run run rót nước mời khách đến thắp hương cho con.

Vợ chồng bà Chát sinh được ba người con, Hơn là cả, sau còn em trai 20 tuổi và em gái 10 tuổi. Học hết lớp 12, Hơn đi nghĩa vụ quân sự. Năm 2024, anh ra quân, về quê đăng ký học bằng lái ôtô tải với ý định tìm nghề nghiệp ổn định để tích góp lo cho tương lai, hỗ trợ bố mẹ nuôi em gái ăn học.

Theo bà Chát, Hơn chăm chỉ, hiền lành, vào vụ đồng áng làm quần quật cả ngày, không cho bố mẹ làm việc nhiều vì sợ mệt, huyết áp tăng ảnh hưởng sức khỏe. Hết mùa màng, Hơn đi bóc gỗ keo tràm thuê hoặc phụ hồ.

"Trước lũ Hơn đã đi lái thử được hai chuyến xe tải, bảo thấy nghề phù hợp với mình, sẽ cố gắng để xin vào công ty chuyển phát nhanh", bà Chát kể.

Nhà dân ở huyện Lệ Thủy ngập trong lũ, chiều 30/10. Ảnh: Đức Hùng

Nhà dân ở huyện Lệ Thủy ngập trong lũ, chiều 30/10. Ảnh: Đức Hùng

Hay tin anh trai gặp nạn, em trai 20 tuổi đang xuất khẩu lao động ở Nhật liên tục gọi điện đòi về quê gặp anh lần cuối. Bà Chát dù rất đau buồn, vẫn cố tỏ ra mạnh mẽ, động viên con thứ hai không về vì sẽ ảnh hưởng đến công việc, tốn kém.

Ông Trần Khánh Cường, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Quảng Bình, nói anh Hơn là tấm gương sáng về sự tương thân, tương ái, giúp đỡ người dân trong lúc hoạn nạn. Đơn vị đã làm đề xuất gửi Trung ương Đoàn truy tặng danh hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho anh.

Ảnh hưởng của bão Trà Mi và không khí lạnh, từ ngày 25/10 đến 29/10, Quảng Bình liên tục mưa to. Tổng lượng mưa ở hồ Sông Thai đã lên 1.210 mm, hồ An Mã 870 mm. Rạng sáng 29/10, lũ sông Kiến Giang rạng tại Lệ Thủy đã lên cao nhất 4,14 m, vượt báo động ba 1,38 m, gây ngập diện rộng.

Nước lũ bủa vây vùng rốn lũ Lệ Thủy, ngày 30/10. Video: Võ Thạnh

Ngày 30/10, lũ rút chậm, diện ngập vẫn rất lớn với 32.880 hộ dân (Lệ Thủy 19.700, Quảng Ninh 12.000 và TP Đồng Hới 1.000 hộ), mức ngập 0,5-1,5 m.

Đây là trận lũ lớn thứ hai trong 4 năm qua ở Quảng Bình, sau trận lũ tháng 10/2020. Năm đó toàn bộ vùng đồng bằng huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy bị ngập 2-4 m, kéo dài hơn 10 ngày, làm 25 người chết, thiệt hại kinh tế 3.500 tỷ đồng.

Tính đến 16 giờ ngày 27-10, huyện Lệ Thủy đã di dời 73 hộ, 201 khẩu tại các xã Kim Thủy, Lâm Thủy, Thái Thủy và Kim Thủy

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Hùng ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN