Bố mất 4 năm, con ra đời: Không được mang họ bố

Hai đứa trẻ vừa được sinh ra sau 4 năm người cha qua đời sẽ không được mang họ cha.

Trả lời tại cuộc họp báo quý IV của Bộ Tư pháp sáng nay (31/12), ông Nguyễn Văn Toàn (Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực) cho biết, 2 đứa trẻ vừa được sinh ra sau 4 năm cha mất sẽ không được mang họ cha. Vì vậy 2 đứa bé hiện nay chỉ có thể mang họ mẹ.

Như đã đưa tin, ngày 9/12 vừa qua, cặp song sinh hy hữu Hồ Sỹ Hoàng Đức và Hồ Sỹ Hoàng Hải đã chào đời tại Hà Nội sau 4 năm người bố mất vì tai nạn giao thông.

Bốn năm trước, sau khi anh Hồ Sỹ Ngọc qua đời, chị Hoàng Thị Kim Dung (vợ anh) thống nhất với gia đình quyết định sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Khi người xấu số mới tắt thở ít tiếng đồng hồ, các chuyên gia đã trích lấy tinh trùng bảo quản, rồi thụ thai cho người vợ.

Bố mất 4 năm, con ra đời: Không được mang họ bố - 1

TS Lê Vương Văn Vệ thăm mẹ con chị Dung mặc áo trắng) sau khi sinh. Ảnh: Gia đình & Xã hội

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, hiện nay chưa có cơ sở pháp lý để xác định "người cha", cũng như dân tộc, quốc tịch, họ theo cha cho 2 đứa trẻ này. Việc xác định ADN hay các xét nghiệm y tế khác mới chỉ là cơ sở nhân chủng học chứ không phải là cơ sở pháp lý.

"Luật pháp hiện hành vẫn chưa có quy định cụ thể đối với trường hợp này." – Ông Toàn nói.

Ông Toàn cho hay, luật hộ tịch mới chỉ cho phép xác định "người cha" trong giấy khai sinh trong trường hợp bố mẹ có hôn thú. Luật Hôn nhân và gia đình và Luật Dân sự cũng chưa có quy định này.

Ông Toàn dẫn nội dung Nghị định 12 từ năm 2003. Nghị định này có quy định với những cặp vợ chồng vô sinh, sinh con theo phương pháp khoa học, phụ nữ sống độc thân muốn sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Vậy trường hợp sinh con khi chồng đã chết 4 năm chỉ được coi là người phụ nữ độc thân sinh con.

Trong giấy khai sinh, có phần xác định người cha của đứa trẻ và quốc tịch, dân tộc. Theo ông Toàn, với trường hợp trên, thông tin các phần đó được xác định theo người mẹ. Cơ quan làm thủ tục khai sinh sẽ coi đây là trường hợp sinh con ngoài giá thú.

“Thực tiễn bao giờ cũng đi trước pháp luật. Với thực tế trên, chắc chắn các cơ quan ban ngành sẽ có nghiên cứu và bổ sung vào quy định pháp luật.” – Ông Toàn lý giải.

Theo vị Phó Cục trưởng, trước mắt, trong giấy khai sinh của 2 đứa bé sẽ để trống phần thông tin người cha. Sau này, khi có cơ sở pháp lý, các cơ quan hộ tịch sẽ ghi chú và bổ sung trong đó có việc đổi họ cho chúng theo người cha.

"Chưa có cơ sở pháp lý, làm sao mà cho tên cha vào được?!" - Ông Toàn nói.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, luật sẽ sửa đổi, bổ sung vấn đề này vào trong một vài năm tới.

Điều 21. Nghị định 70/2001/NĐ-CP quy định, con chung của vợ chồng là:

1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 63 của Luật Hôn nhân và gia đình được xác định là con chung của vợ chồng. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ chồng.

2. Con sinh ra trong vòng 300 ngày, kể từ ngày người chồng chết hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án xử cho vợ chồng ly hôn có hiệu lực pháp luật, thì được xác định là con chung của hai người.

3. Trong trường hợp vợ hoặc chồng không nhận đứa trẻ là con chung của hai người quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, thì phải có chứng cứ và phải được Toà án xác định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN