Bố lủi thủi ở nhà vẫn khuyên con không nên về quê ăn Tết để tránh dịch
Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 - “Tết Covid”, mọi lịch trình, thói quen đều bị thay đổi, người dân vùng dịch vẫn động viên nhau “hết dịch hãy về".
Cận Tết, nhiều nơi tại Hải Dương bị phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19, một số gia đình có quê bị phong toả phải đón Tết nơi "đất khách quê người"
Cả nhà đón giao thừa qua Facebook
Ngay sau khi Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Hải Dương ra quyết định phong tỏa, cách ly y tế đối với toàn bộ huyện Cẩm Giàng từ 5/1, anh Nguyễn Văn Cường (quê xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Giàng) cùng vợ con buộc lòng phải ở lại Hà Nội đón Tết.
“Gần 40 tuổi, đây là lần đầu tiên tôi phải đón Tết xa quê, chì vì dịch bệnh. Nhà neo người, tôi lại là con trai duy nhất, ông bà ở quê cũng nhớ các cháu nhưng tình hình dịch bệnh đang căng thẳng, nhiều người F1 phải đi cách ly tập trung và F2 phải cách ly tại nhà nên ai ở đâu cứ ở yên đó cho lành…”, anh Cường nói và chia sẻ: “Chỉ biết gửi tiền về biếu ông bà nội nhưng dịch dã như thế này, ăn Tết ở quê cũng đơn giản hơn…”.
Tương tự chị Lê Thị Kim Duyện có quê tại xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, Hải Dương, cũng bị phong tỏa.
Thuê nhà trọ cùng em gái tại huyện Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Duyên cho hay: “Nhà có 3 chị em gái, chị cả đang du học bên Úc, mẹ lại mất rồi nên chỉ mình bố ở nhà. Chính vì thế, ngay từ dầu tháng chạp, chúng em đã đếm từng ngày để được về quê ăn Tết. Thế nhưng đùng một cái có dịch, quê bị phong tỏa, bố em gọi điện khuyên nhủ không nên về, tránh gây khó khăn cho việc phòng dịch; Hơn nữa biết đâu mình đi xa về lại mang mầm bệnh hoặc bị nhiễm bệnh sẽ phải cách ly, ảnh hưởng tới công việc, học hành... Vậy nên cả nhà em xác định năm nay sẽ đón giao thừa qua Facebook”.
Phòng trọ chật chội, không đủ chỗ cắm đào quất nhưng hai chị em Duyên cũng đã mua sắm đủ nguyên liệu làm món ăn Tết truyền thống để vơi đi nỗi nhớ nhà. “Chỉ thương bố lủi thủi ở nhà. Dù trong lòng mong ngóng nhưng bố vẫn động viên các con không về được dịp này thì về lúc khác, ở nhà Tết này cũng đón Tết tối giản…”, ngậm ngùi một chút, đoạn giọng cô gái trẻ mạnh mẽ hơn: “Tinh thần người dân quê em xác định hết dịch thì mới là ăn Tết. Khi đó, niềm vui nhân đôi, chắc chắn còn vui hơn cả Tết”.
Đón Tết đầu tiên xa nhà, dù ở Hà Nội cũng có họ hàng song chị em Duyên quyết định chỉ ở trong phòng trọ, không đi đâu chúc Tết. “Em gái em học ở ĐH FPT, nơi có sinh viên nhiễm Covid-19 nên cũng phải tự cách ly ở yên một chỗ, tránh gây áy náy cho mọi người”, cô gái trẻ mỉm cười nói.
“Tết Covid” tối giản
Không giống như mọi năm, người dân ở lại Hà Nội đón "Tết Covid" một cách tối giản
Dù không phải người có quê nằm trong vùng bị phong tỏa, nhưng vợ chồng chị Nguyễn Thị Hương (Mễ Trì Thượng, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng quyết định không về Thái Bình đón Tết như mọi năm.
“Ngày cận Tết, cô em chồng gọi điện bảo anh chị ở lại, đừng về quê lúc này vì hàng xóm họ nghe tin Nam Từ Liêm có dịch nên cũng không vui vẻ gì, nhà mình cũng mất vui lại phải mất công đi giải thích. Vậy nên vợ chồng tôi quyết định ở lại Hà Nội, trước hết giữ sức khỏe cho gia đình, sau là giữ hòa thuận với hàng xóm láng giềng”, chị Hương tâm sự.
Không giống những cái Tết thường, năm nay, chị Hương quyết định ăn Tết một cách tối giản. “Dịch dã căng thẳng, ra ngoài đường giờ không biết ai là F0, F1 nên vợ chồng cũng không đi ngắm chợ hoa, mua đào quất như mọi năm. Tôi chỉ mua lễ sắp đủ lên ban thờ còn chuyện ăn uống vẫn giản đơn như ngày thường, coi như kỳ nghỉ dài ngày tại nhà. Chờ xem tình hình liệu có yên ổn thì mùng 3 hoặc mùng 5 về quê hóa vàng cho các cụ. Nếu về cũng chỉ về trong ngày rồi đi luôn chứ không ở lại”, chị Hương cho hay.
Sở Y tế Hưng Yên vừa có văn bản hỏa tốc thông báo tìm người qua các địa điểm liên quan bệnh nhân COVID-19.
Nguồn: [Link nguồn]