Bỏ "lễ hội dã man" là bắn vào quá khứ?

Lễ hội truyền thống luôn được trân trọng, giữ gìn. Nhưng, trước những hình ảnh bạo lực tại một số lễ hội, một câu hỏi đã được đặt ra: Có nên gìn giữ những lễ hội này?

Chỉ sau một ngày khảo sát với câu hỏi “Theo bạn, có nên bỏ những lễ hội chém lợn, đâm trâu như thế này?”, tòa soạn đã nhận được gần 9.000 lượt bình chọn của độc giả.

Dù cho rằng việc gìn giữ văn hóa truyền thống là rất quan trọng, song theo đại đa số ý kiến, không nên tiếp tục tổ chức “lễ hội dã man”. Theo những độc giả này, những hình ảnh bạo lực không còn phù hợp trong xã hội hiện đại. Song, bên cạnh đó, không ít người cho rằng không nên xóa bỏ những tập tục đã có từ lâu đời. Độc giả Hoàng Trung còn mạnh mẽ lên tiếng: “Dẹp bỏ lễ hội là tự bắn vào quá khứ của chính mình”.

Bỏ "lễ hội dã man" là bắn vào quá khứ? - 1

Kết quả khảo sát

Cấm thì dễ, khôi phục mới khó

Nhiều độc giả cho rằng lễ hội là một nét văn hóa tín ngưỡng đã có từ hàng ngàn năm nay. Lễ hội thể hiện phong tục tập quán của từng địa phương, từng dân tộc. Bởi vậy, chúng ta phải biết trân trọng và bảo tồn các lễ hội này. “Đó là tục lệ của dân làng thì làm sao mà phải bỏ được?” – độc giả tên Minh (nbaminh…@gmail.com) phản đối ý tưởng “xóa bỏ lễ hội dã man”.

Trước những hình ảnh có tính bạo lực tại một số lễ hội, độc giả Hoàng Trung (manhtrung…@gmail.com) cho rằng loài người là động vật bậc cao, do vậy họ thống trị động vật bậc thấp là một lẽ đương nhiên. Độc giả này viết: “Mong các thế hệ trẻ về sau không bị giáo dục bởi những tư tưởng yếu đuối, hèn nhát, không dám nhìn vào sự thật. Dẹp bỏ lễ hội là tự bắn vào quá khứ của chính mình.”

Bỏ "lễ hội dã man" là bắn vào quá khứ? - 2

Chú lợn sắp bị chặt làm đôi (Ảnh: Tiền Phong)

Nói về “lễ hội dã man”, độc giả Nguyễn Bá Quyền (quyend5…@gmail.com) đưa ra một ví dụ: “Ở Tây Ban Nha người ta vẫn có lễ hội đấu bò tót mà được cả thế giới công nhận. Hình ảnh các đấu sĩ vẫn đâm từng nhát kiếm vào con bò khiến nó chết một cách từ từ, xét ở một góc độ nào đấy còn dã man hơn nhiều”.

Đó là văn hóa - Bản sắc dân tộc

Tôi là người con của núi rừng Tây Nguyên, từ nhỏ đã theo cha vào rừng săn con thú, theo mẹ lên rẫy bẻ ngô. Cuộc sống của dân làng chúng tôi gắn bó với thiên nhiên, gắn bó với những cuộc đấu tranh sinh tồn. Chúng tôi săn bắt các loài thú dữ để ăn thịt và bảo vệ buôn làng chỉ bằng những dụng cụ đơn cầm tay đơn sơ. Nếu không có lòng quả cảm, chúng tôi không thể tồn tại được.

Lễ hội đâm trâu của người bản xứ Tây Nguyên cũng bắt nguồn từ đó. Dù không biết đâu là nét văn hóa đẹp nhưng tôi luôn đặt vị trí của mình vào người khác khi đánh giá văn hóa của họ!

thanhtu…@gmail.com

Hãy gìn giữ “lễ hội dã man” nhưng “nên cấm những người chưa đủ 18 tuổi tham dự” là ý kiến của độc giả có email baonhietdoi…@yahoo.com. Theo độc giả này, Nhà nước đã tốn rất nhiều tiền của, công sức để khôi phục những phong tục cổ nhưng chưa thực sự hiệu quả. Đồng quan điểm đó, độc giả duonghieu…@gmail.com e sợ sẽ không khôi phục được văn hóa truyền thống nếu lỡ đánh mất: “Cấm thì dễ, khôi phục một nét văn hóa thì rất khó, thậm chí là không thể được”.

Trước lo ngại về việc lễ hội ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, hành vi của con người, nhiều độc giả cho rằng nhân cách phụ thuộc vào sự giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội. Độc giả hoangthanh…@yahoo.com viết: “Thói hư tật xấu ngày càng nhiều. Nhưng đừng đổ lỗi cho lễ hội. Lễ hội là do ông cha ta truyền từ ngàn xưa đến giờ. Không thể nói giới trẻ hư là do những phong tục này. Muốn con ngoan, hãy nuôi dạy và chăm sóc thật tốt, và hãy coi trọng truyền thống ông cha”.

Trên một khía cạnh khác, độc giả Bùi Thế Quyền (thequyen…@gmail.com) thắc mắc: “Sao cứ đem vấn đề tốt xấu của văn hóa ra bàn? Văn hóa là sản phẩm của một cộng đồng nhất định, họ tạo ra nó và thấy nó đẹp. Các cộng đồng khác không thể bình luận văn hóa của người ta.” Độc giả này lấy ví dụ một số lễ hội kỳ quặc nhưng vẫn được hưởng ứng như lễ hội Kanamara ở Nhật Bản ca ngợi về tình dục hay lễ hội hành xác ở Thái Lan.

Loại bỏ khỏi xã hội văn minh

Đa số các ý kiến gửi về tòa soạn đều cho rằng lễ hội truyền thống cần được giữ gìn, trân trọng, phát triển. Tuy nhiên cũng phải chọn lọc cho phù hợp với thời đại. Độc giả hovanquang…@gmail.com viết: “Văn hoá của tất cả các dân tộc đều hướng đến Chân-Thiện-Mỹ và đều mang tính giáo dục”.

Độc giả Trần Thị Phương (phuongtran…@yahoo.com.vn) chia sẻ về một lần đi xem “lễ hội dã man”: “Tôi cho con trai 4 tuổi cùng đi xem lễ hội đâm trâu tại Bản Đôn. Con tôi hỏi: Tại sao cô giáo dạy là phải yêu thương các con vật mà các ông, các bác lại giết con trâu vậy mẹ?”. Cũng từng đi xem những lễ hội dạng này, độc giả Nguyễn Hoàng Linh (hoanglinh…@gmail.com) cho rằng đó những hình ảnh thật đáng sợ: “Tôi xem rồi. Gặp dân địa phương cũng nhiều rồi, đa số họ cũng thấy sợ. Có những người vừa xem, vừa nhắm mắt. Thần thánh từ con người mà ra. Cần phải luật hóa các hoạt động văn hóa, cái gì cần cấm thì phải cấm”.

Bỏ "lễ hội dã man" là bắn vào quá khứ? - 3

Lễ hội đâm trâu tại huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế

Theo độc giả Ha Nguyen (viet_nx…@yahoo.com), ai cũng mong cuộc sống ấm no, mùa màng tươi tốt. Nhưng để cầu được no ấm mà phải thực hiện những thủ tục như vậy thì không đáng. Độc giả này còn lo ngại nếu giới trẻ thấy đây là hành động bình thường thì thật nguy hiểm, những vụ đâm chém rất dễ xảy ra. Độc giả này viết: “Sở dĩ bây giờ sinh ra cái lò mổ là để giảm bớt những hành động dã man này trong cuộc hàng ngày”.

Trong khi đó, độc giả Lê Hữu Phước (l.phuoc…@phononmeiwa.co…) khẳng định nếu đúng là có thần linh để con người thờ cúng, sùng bái thì không thể nào các ngài muốn giết hại sinh linh, càng không phải theo cách dã man như vậy. “Lễ hội thì nên giữ, nhưng phải tuyên truyền cho người dân biết cách thực hiện như vậy là quá dã man, bạo lực…” – Độc giả này góp ý.

Để cân đối giữa tính truyền thống và nhân văn, độc giả mylove...@gmail.com cho rằng có thể dùng các hình thức tượng trưng:

"Những tập tục từ rất xa xưa, đã đi sâu vào tiềm thức tâm trí người dân và là truyền thống của từng địa phương nên việc giữ lại những lễ hội truyền thống là cần thiết. Nhưng thay vì chém lợn, đâm trâu thật, ta dùng những con trâu, con lợn làm từ chất tổng hợp, hình nộm...".

Ý kiến này được rất nhiều người ủng hộ.

Lo lắng cho thế hệ sau, độc giả Nguyễn Vi Danh (ngvidanh…@gmail.com) bộc bạch: “Bạn nghĩ gì khi những đứa trẻ với tâm hồn trong sáng phải tận mắt chứng kiến cảnh người lớn cầm dao với vẻ mặt vui sướng. Văn hóa truyền thống vẫn phải gạn đục khơi trong, cái gì có ảnh hưởng xấu cần bị loại bỏ cho đời sau không bước nhầm”.

Không chỉ nói đến tính bạo lực của những lễ hội chém lợn, đâm trâu, độc giả Lê Sơn (sonhoang…@yahoo.com) còn rất tỉnh táo: “Ta nên bỏ những lễ hội kiểu này đi. Hơn nữa dịch tai xanh, nhiễm liên cầu khuẩn hiện nay đang bùng phát”.

Nhận định cách thức tiến hành những lễ hội như chém lợn, đâm trâu là quá dã man, độc giả luongnam…@yahoo.com viết: “Nên bỏ tập tục này. Hành động này chắc chắn sẽ làm xấu đi hình ảnh con người Việt Nam hiền hòa, hiếu khách trong mắt người nước ngoài”.

“Người Việt ta rất giàu lòng nhân ái và sự tha thứ. Điều này có thể thấy qua các cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc. Khi thắng trận, chúng ta sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù, dù trước kia chúng đã mang lại không ít đau thương, mất mát cho chúng ta. Vậy thì vì sao chúng ta không thể bỏ đi những tập tục dã man đó?” – Độc giả Thanh Việt (Vietvothanh…@yahoo.com) đưa ra câu hỏi và cũng chính là câu trả lời.

* Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về vấn đề này!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Hà (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN