Bộ GTVT trình Chính phủ 5 phương án xử lý BOT Cai Lậy

Với phương án xóa bỏ trạm BOT này, ngân sách nhà nước có thể tốn hơn 2.000 tỉ đồng để trả cho nhà đầu tư.

Bộ GTVT trình Chính phủ 5 phương án xử lý BOT Cai Lậy - 1

Trạm BOT Cai Lậy đã bị các tài xế phản ứng hồi cuối năm 2017

Trao đổi với PV về tiến trình xử lý trạm thu phí BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, Bộ đã trình lên Chính phủ 5 phương án xử lý kèm theo đánh giá tính hiệu quả của từng phương án.

Theo đó, phương án một sẽ là giữ nguyên vị trí trạm, giảm giá 30% cho tất cả xe qua trạm và mở rộng phạm vi miễn giảm cho các hộ dân sống lân cận. Thời gian hoàn vốn đầu tư dự án trong khoảng 15 năm 9 tháng. Với phương án này, nhà nước sẽ không cần bố trí ngân sách nhưng lại kéo dài thời gian hoàn vốn.

Phương án hai là lập thêm một trạm trên tuyến tránh với giá vé như trạm BOT hiện tại, đồng thời giảm giá vé ở trạm BOT hiện tại xuống 30%. Ưu điểm của phương án là giảm phản ứng từ dư luận, nhưng lại phát sinh kinh phí xây dựng trạm mới khoảng 90 tỉ đồng, gây ách tắc giao thông quốc lộ và có thể ảnh hưởng đến các BOT khác.

Phương án ba là giữ nguyên vị trí trạm cũng như giá vé hiện tại. Bộ đánh giá phương án này khả thi về tài chính, đảm bảo chống ùn tắc và không phải bố trí ngân sách nhưng còn vấp phải phản ứng từ người dân như thời gian qua.

Phương án bốn là chuyển hẳn trạm thu phí BOT Cai Lậy về tuyến tránh. Ưu điểm phương án là được người dân đồng thuận; nhưng theo ước tính, nếu dời trạm vào tuyến tránh thì nhà nước phải dùng ngân sách bù khoảng 1.250 tỉ đồng.

Phương án năm là chuyển đổi hình thức hợp đồng, xóa bỏ trạm BOT Cai Lậy hiện nay, không thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ và dùng vốn nhà nước thanh toán hằng năm cho nhà đầu tư tương ứng với doanh thu hợp đồng BOT đã ký. Thời gian hoàn trả tương ứng thời gian thực hiện hợp đồng BOT là 7 năm 7 tháng. Số tiền thanh toán có thể phát sinh lên hơn 2.000 tỉ đồng.

Theo Bộ GTVT, việc quyết định phương án trạm thu phí Cai Lậy sẽ gây ảnh hưởng đến các dự án tương tự. Do đó, các phương án sẽ được xem xét thận trọng, tránh ảnh hưởng đến các dự án BOT khác cũng như môi trường đầu tư, đặc biệt là việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam sắp tới.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cũng cho biết, nội dung nói trên đã được Bộ trình lên Chính phủ từ tháng 3 năm nay, và dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ cho ý kiến ngay trong tháng 4 này.

Trước đó, chỉ ít ngày sau khi hoạt động, trạm thu phí BOT Cai Lậy đã phải xả trạm hơn chục lần/ngày. Lý do là tài xế tìm nhiều cách thể hiện sự phản đối trạm thu phí này vì cho rằng nó được đặt không đúng chỗ, khiến dòng phương tiện bị ùn ứ cả hai chiều.

Cụ thể, khi phương án “đòi 100 đồng tiền thừa” không còn hiệu quả, các tài xế đã quay lại phương án cũ là mua vé bằng tiền lẻ và trả thật chậm. Ngoài ra, các tài xế khi qua BOT Cai Lậy còn đồng loạt mua vé bằng tiền mệnh giá 500.000 đồng, quên mang tiền và yêu cầu quẹt thẻ ngân hàng, quyết không mua vé khi qua trạm, thậm chí có trường hợp lao thẳng xe qua BOT làm gãy barie.

Bộ GTVT nói gì về việc di dời trạm thu phí BOT Cai Lậy?

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết trong các phương án của Bộ này đưa ra về hướng xử lý đối với trạm thu phí BOT Cai Lậy có...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Tài xế dùng tiền lẻ trả phí trạm Cai Lậy Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN