Bộ GTVT không muốn dời BOT Cai Lậy

Trong 5 phương án trình Thủ tướng, Bộ GTVT chọn phương án 1 là giữ nguyên vị trí trạm BOT Cai Lậy trên Quốc lộ 1, miễn giảm vé và kéo dài hơn gấp đôi thời gian thu phí hoàn vốn

Chiều 16-4, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cho biết cơ quan này đã có văn bản báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ với việc trình 5 phương án để giải quyết dứt điểm những vấn đề đang diễn ra tại trạm BOT Cai Lậy. "Căn cứ các quy định của pháp luật, phân tích mọi mặt, có thể nói 5 phương án được trình là các giải pháp tối ưu đã được tính toán" - ông Nhật khẳng định.

5 phương án

Theo phương án 1: Bộ GTVT đề xuất giữ nguyên vị trí trạm BOT Cai Lậy như hiện nay trên Quốc lộ (QL) 1, giảm giá chung cho tất cả phương tiện qua trạm với mức giá thấp nhất (giảm khoảng 30%). Cụ thể, giảm từ 25.000 đồng/lượt xuống còn 15.000 đồng/lượt đối với phương tiện nhóm 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn). Đồng thời, mở rộng phạm vi miễn giảm cho các hộ dân có phương tiện không kinh doanh lẫn kinh doanh (50%) ở vùng lân cận thuộc 2 huyện Cai Lậy và Cái Bè. Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 15 năm 9 tháng (theo dự án trước đây là 6 năm và 5 tháng - PV).

Phương án 2: Lập thêm một trạm BOT trên tuyến tránh, thu phí cả 2 trạm trên tuyến tránh và trên QL1 hiện hữu để hoàn vốn cho dự án. Mức phí đối với phương tiện nhóm 1 trên tuyến tránh là 25.000 đồng/lượt và 15.000 đồng/lượt trên tuyến QL1. Thời gian thu hoàn vốn mỗi trạm khoảng 10 năm 10 tháng.

Phương án 3: Giữ nguyên vị trí trạm BOT như hiện nay, mức phí 25.000 đồng/lượt/phương tiện nhóm 1. Thời gian thu hoàn vốn khoảng 7 năm 7 tháng.

Phương án 4: Chỉ đặt trạm thu phí trên tuyến tránh, phân luồng cho các loại xe đi vào tuyến tránh. Thực hiện phương án này, nhà nước phải sử dụng ngân sách để hỗ trợ, theo tính toán sơ bộ ban đầu khoảng 1.250 tỉ đồng.

Phương án 5: Đàm phán nhà đầu tư chuyển đổi hình thức hợp đồng, xóa bỏ trạm BOT Cai Lậy và dùng vốn nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư tương ứng với doanh thu hoàn vốn theo hợp đồng BOT đã ký, với số tiền (đã bao gồm lãi vay phát sinh) khoảng 2.026 tỉ đồng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, quyết định phương án cho BOT Cai Lậy sẽ được Thủ tướng Chính phủ xem xét thận trọng và quyết định, tránh ảnh hưởng đến các dự án BOT khác và môi trường đầu tư, đặc biệt là việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam sắp tới.

Bộ GTVT không muốn dời BOT Cai Lậy - 1

Trạm thu phí BOT Cai Lậy đặt trên Quốc lộ 1 bị phản đối gay gắt. Ảnh: LÊ PHONG

Vì sao chọn phương án 1?

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, qua thanh tra, kiểm toán và kết quả tự rà soát, đánh giá lại của Bộ GTVT, bộ xét thấy việc đặt trạm BOT Cai Lậy tại vị trí hiện nay là phù hợp quy định pháp luật. "Vì vậy, trên cơ sở đánh giá các ưu, nhược điểm của các phương án, Bộ GTVT kiến nghị lựa chọn phương án 1. Trường hợp phương án 1 không được chấp thuận, đề nghị lựa chọn phương án 2" - ông Nhật nói.

Phân tích cụ thể 5 phương án đề xuất cũng như việc ưu tiên lựa chọn phương án 1 và phương án 2 để xử lý BOT Cai Lậy của Bộ GTVT, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 16-4, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP - Bộ GTVT), cho biết với phương án 1, không phải bố trí ngân sách nhà nước, giảm tối đa ảnh hưởng chi phí vận tải, giảm ùn tắc giao thông ở trung tâm thị xã Cai Lậy. Tuy nhiên, nhược điểm là phải kéo dài thời gian hoàn vốn.

Với phương án 2, ông Huy cho biết sẽ phát sinh 90 tỉ đồng chi phí xây dựng trạm BOT trên tuyến tránh. Ngoài ra, Bộ GTVT lo ngại khi xây thêm trạm BOT trên tuyến tránh sẽ xảy ra ùn tắc ở QL1 (!). Với phương án 3, ông Huy cho biết sẽ bảo đảm khả thi về phương án tài chính, không phải bố trí ngân sách hỗ trợ. Còn phương án 4, dẫn số liệu đếm xe thực tế do Tổng cục Đường bộ thực hiện và nghiên cứu phân luồng, ông Huy nói chỉ có khoảng 3.800 ôtô các loại lưu thông trên tuyến tránh nên phương án tài chính không bảo đảm, buộc nhà nước phải sử dụng ngân sách hỗ trợ 1.250 tỉ đồng. Ông Huy còn nêu thêm lý do là nếu chọn phương án 4, việc phân luồng sẽ dẫn đến phản ứng của người dân với lý do ép các phương tiện đi vào tuyến tránh có mua vé hoặc giá vé cao hơn, đặc biệt là phản ứng từ các doanh nghiệp vận tải, kinh doanh gạo có trụ sở, giao dịch trong thị xã Cai Lậy (!).

Với phương án thứ 5, ông Huy cho rằng nếu thực hiện sẽ giải quyết triệt để phản ứng của một bộ phận tài xế, giảm chi phí đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Tuy nhiên, sẽ phải dùng ngân sách nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư trong điều kiện ngân sách khó khăn. Đồng thời, hệ lụy có thể lan rộng sang 5 dự án khác tương tự BOT Cai Lậy (nâng cấp tuyến chính và xây dựng tuyến tránh, thu phí trên tuyến chính).

Chưa thỏa đáng

Ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ôtô, cho rằng cả 5 phương án mà Bộ GTVT đưa ra là không thỏa đáng. Theo ông Đồng, nguyên tắc thì người dân chỉ phải trả tiền đối với những đoạn đường mà nhà đầu tư bỏ ra để xây dựng đường. Do vậy, cách tốt nhất là nhà đầu tư chỉ thu số tiền đủ đối với đoạn đường mà mình đã bỏ ra.

Do đó, theo phương án 1, chủ đầu tư vẫn thu phí và ép người dân phải đóng phí cho tuyến đường mà họ không sử dụng. Phương án 2 cũng không ổn, vì trên thực tế, tuyến QL1 họ đã thu phí, cớ sao lại thu thêm phí đường tránh thị xã Cai Lậy! Nhà đầu tư chỉ được thu phí ngay trên tuyến đường mình đầu tư xây dựng và phải phù hợp với quy định của pháp luật. Về phương án này, nhà đầu tư có thể kéo dài thêm thời gian thu phí để hoàn vốn trên tuyến QL1 mà thôi.

Còn nếu theo phương án 3, chắc chắn người dân không chấp nhận. Vì trên thực tế, tuyến đường này chỉ được nâng cấp, sửa chữa lại, giá thu 25.000 đồng là quá cao so với vốn mà nhà đầu tư đã bỏ ra. Chọn phương án 4 cũng sai luật vì chủ đầu tư phải thu phí để hoàn vốn chứ nhà nước không thể lấy tiền ngân sách để trả được. Phương án 5 càng không thể được vì trên nguyên tắc, nhà đầu tư phải thu và hoàn vốn trên công trình mà mình đầu tư. Ngân sách nhà nước là từ thuế của dân, không thể sử dụng để làm những việc này.

Đồng quan đểm nêu trên, nhiều chuyên gia giao thông cũng cho rằng cả 5 giải pháp đều không phù hợp. Nhà đầu tư không thể thu phí cả hai tuyến, đồng thời cũng không thể thu phí với giá trước đó. Thay vào đó, cần thiết nhà nước có thể mua lại dự án. Tuy nhiên, cần phải thẩm định lại tổng mức đầu tư để đưa ra một cái giá phù hợp, tránh gây lãng phí ngân sách và "làm giàu" cho nhà đầu tư.

T.ĐỒNG

Giảm phí mà thu lâu thì cũng như không!

Ngay sau khi Bộ GTVT công bố 5 phương án đề xuất, giới tài xế, chủ phương tiện và người dân khu vực trạm BOT Cai Lậy phản đối quyết liệt, đặc biệt là phương án 1 mà bộ này muốn "chốt hạ", giữ nguyên vị trí trạm BOT Cai Lậy hiện hữu. Anh Huỳnh Phi Long, một tài xế ở tỉnh Đồng Tháp, nói rằng trạm này ảnh hưởng đến tất cả các tỉnh, thành ĐBSCL không riêng Tiền Giang.

Còn anh Nguyễn Minh Quang - một chủ xe tải ở huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang - bày tỏ thất vọng: "Các ông ấy phải thấy cái trạm thu phí đặt sai vị trí dẫn tới việc người dân không đồng tình chứ không phải miễn giảm phí. Mà miễn giảm phí để kéo dài thời gian thu có khác gì nhau đâu".

Trong ngày 16-4, Báo Người Lao Động cũng nhận được hơn 500 ý kiến, góp ý của bạn đọc về 5 phương án trên. Bạn đọc Phạm Đặng Quốc đặt vấn đề: "Tại sao Bộ GTVT đưa ra 5 phương án, trong đó phương án 1, 2, 3 vẫn giữ nguyên vị trí đặt trạm không đúng vị trí? Còn phương án 4 nhà nước bù 1.250 tỉ đồng là không phù hợp, phương án 5 càng không ổn. Nói chung, 5 phương án Bộ GTVT đưa ra không khả thi. Thật không hiểu nổi". Bạn đọc Nguyễn Phương bày tỏ thất vọng: "Phương án 5 chắc chắn Bộ GTVT không bao giờ chọn. Phương án 4 hết sức vô lý là tại sao nhà nước phải bù lỗ 1.250 tỉ đồng. Còn phương án đặt trạm thu phí trên tuyến tránh là đúng nhưng bù lỗ sao lại cao như vậy khi nhà đầu tư chỉ bỏ ra 300 tỉ đồng để tu bổ QL1. Rõ ràng Bộ GTVT đưa ra nhiều phương án nhưng đều không khả thi, chứng tỏ đối với bộ này chỉ có một phương án là phương án 1".

Trước sự quan tâm của dư luận, ông Lưu Văn Hào - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang, chủ đầu tư BOT Cai Lậy - nói nhà đầu tư vẫn đang đợi quyết định từ Chính phủ và thực hiện theo phương án mà Chính phủ đưa ra.

M.SƠN - N.DUY

Bộ GTVT trình Chính phủ 5 phương án xử lý BOT Cai Lậy

Với phương án xóa bỏ trạm BOT này, ngân sách nhà nước có thể tốn hơn 2.000 tỉ đồng để trả cho nhà đầu tư.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Duẩn (Người lao động)
Tài xế dùng tiền lẻ trả phí trạm Cai Lậy Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN