Bộ GTVT giải thích lý do xây dựng sân bay Long Thành

Bộ GTVT cho biết, việc xây dựng sân bay Long Thành sẽ góp phần làm giảm áp lực ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đặc biệt, việc xây dựng sân bay này sẽ không phải di dời 140.000 hộ dân xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất…

Ngày 10/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì cuộc họp báo cung cấp thông tin về dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai).

Năm 2017, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải

Ông Nguyễn Nguyên Hùng, chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) giới thiệu sơ bộ về dự án và khẳng định dự án mới dừng ở bước báo cáo tiền khả thi. Nếu được Quốc hội thông qua về chủ trương, đơn vị sẽ xây dựng báo cáo cụ thể hơn.

Bộ GTVT giải thích lý do xây dựng sân bay Long Thành - 1

Thứ trưởng Bộ GTVT, Nguyễn Hồng Trường chủ trì buổi họp báo

Ông Hùng cho hay, nhu cầu vận tải bằng đường hàng không của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với cửa ngõ là khu vực TP.HCM hiện chiếm 46% tổng lượng hành khách toàn quốc. Với nhu cầu tăng cao như vậy, sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã khai thác đạt công suất thiết kế. Dự kiến sau năm 2017, sân bay này sẽ quá tải so với thiết kế 25 triệu hành khách/năm. Trong khi, việc mở rộng nâng công suất càng hàng không này để đáp ứng nhu cầu 40-50 triệu hành khách/năm trong giai đoạn 2025-2030 là không khả thi.

Ông Hùng cho rằng, nếu tiếp tục nâng công suất khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) sẽ ảnh hưởng gây nghiêm trọng đến môi trường dân sinh của khu vực trung tâm TP.HCM như gây ô nhiễm tiếng ồn, khí thải vượt xa tiêu chuẩn cho phép, không đáp ứng được các tiêu chuẩn về bền vững, an toàn hàng không.

Việc khai thác vùng trời cũng bị hạn chế. Cụ thể, khu vực tiếp cận dành cho tàu bay cất hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất hiện tại chồng lấn với vùng trời tiếp cận của căn cứ không quân Biên Hòa ở phía Bắc. Mặt khác, khu vực cấm bay của TP.HCM nằm ngay phía Nam của sân bay Tân Sơn Nhất nên đã hạn chế rất nhiều không gian sử dụng cho máy bay cất hạ cánh, đặc biệt là khi có hoạt động của sân bay quân sự tại  khu vực Tân Sơn Nhất và Biên Hòa.

Thêm nữa, chi phí để mở rộng nâng công suất khai thác sân bay Tân Sơn Nhất quá lớn so với việc phát triển một cảng hảng không mới. Theo tính toán, chi phí để nâng được công suất khai thác thêm 20 triệu hành khách cần tới khoảng 9,1 tỷ USD, phải giải phóng 140.000 hộ dân. Đặc biệt, chưa kể chi phí và số lượng dân cư phải giải tỏa để làm thêm các tuyến đường giao thông tiếp cận, cơ sở hạ tầng đồng bộ với sân bay.

Bộ GTVT giải thích lý do xây dựng sân bay Long Thành - 2

Bộ GTVT họp báo cung cấp thông tin cho báo chí về sân bay Long Thành

Theo Bộ GTVT, cũng có một số ý kiến đề xuất nên nghiên cứu mở rộng sân bay quân sự Biên Hòa thay thế cho việc nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, đề xuất này cũng không khả thi bởi chi phí đầu tư cải tạo lớn (7,5 tỷ USD); bị hạn chế về vùng trời; nhiễm độc Dioxin chưa xử lý và sân bay này đang là căn cứ quân sự then chốt. Việc khai thác các cảng hàng không khác như Cần Thơ, Liên Khương… để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất cũng không phù hợp vì mỗi cảng có một vài trò riêng trong vùng kinh tế, phục vụ cho một thị trường hàng không nhất định. Việc san sẻ khối lượng khai thác cho cảng hàng không khác là không lớn. Do vậy, Bộ GTVT cho rằng, việc xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) là cần thiết.

Nguồn vốn lấy ở đâu ra?

Tại buổi họp báo,  phóng viên đặt câu hỏi nguồn vốn nào để đầu tư cho sân bay Long Thành, trong khi nguồn vốn trái phiếu chính phủ rất khó đáp ứng, việc đi vay thì gây áp lực lên nợ công như thế nào?

Thứ trưởng Bộ GTVT, Nguyễn Hồng Trường đã trả lời, vốn đầu tư cho sân bay Long Thành giai đoạn 1 khoảng 165 nghìn tỷ trong đó vốn nhà nước là 84 nghìn tỷ. Ngoài tiền giải phóng mặt phải xây dựng hạ tầng cơ bản trong đó có hệ thống giao thông phục vụ và sân đỗ.

Ông Nguyễn Nguyên Hùng - chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị được giao lập báo cáo tiền khả thi dự án cho biết, dự án do nhà đầu tư là các doanh nghiệp, trong đó có Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam sử dụng bằng vốn tự vay và tự trả. "Chúng tôi vay vốn ODA của nhà nước và tự trả. Thực tế thời gian qua chúng tôi đã xây dựng Tân Sơn Nhất và nhà ga T2 nội Bài theo cách này”,

Đơn vị được giao sẽ đề nghị Nhà nước giải phóng mặt bằng khoảng 18.500 tỷ. Còn toàn bộ số vốn còn lại là tự vay, tự trả. Đồng thời, cũng đề nghị một số cơ chế chính sách để thực hiện dự án này.

Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 164.589 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước bao gồm ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn vay ODA là 84.624 tỷ đồng, vốn khác là 79.965 tỷ đồng.

Theo quy hoạch được phê duyệt,  giai đoạn 1 hình thành cảng hàng không quốc tế trung chuyển, công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/ năm; giai đoạn 2 nâng công suất khai thác lên 50 triệu hành khách/ năm; giai đoạn 3 nâng công suất lên 100 triệu hành khách/ năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN