Bộ GTVT gạt đề xuất chi 300 tỷ sửa cầu Thăng Long
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa bác đề xuất Tổng cục Đường Bộ Việt Nam chi 300 tỷ đồng cho việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long và yêu cầu đơn vị này rút kinh nghiệm.
Trước đó, trong văn bản số 23/TTr-TCĐBVN ngày 27/3/2014, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất phê duyệt dự án đầu tư sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long đang bị hư hỏng.
Theo đó, để sửa chữa triệt để những lún nứt, hư hỏng của mặt cầu hiện nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng cần một khoản kinh phí khoảng 300 tỉ đồng.
Sau khi xem xét, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, mặt cầu Thăng Long (trên phần cầu thép) sau hơn 20 năm khai thác đã bị hư hỏng, gây mất an toàn giao thông nên đã được Bộ GTVT sửa chữa mặt cầu theo phương án bóc bỏ lớp mặt cầu cũ và thảm lớp bê tông nhựa polymer lên trên.
Đây là công nghệ mới, tính chất xử lý kỹ thuật phức tạp, điều kiện thi công chưa tối ưu nên trong quá trình khai thác, lớp bê tông nhựa mặt cầu xuất hiện một số hư hỏng cục bộ và đã được sửa chữa khắc phục bằng vật liệu Novabond. Hiện nay, mặt cầu đã cơ bản ổn định, cần tiếp tục theo dõi, xử lý để đảm bảo chất lượng khai thác, ổn định lâu dài.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa bác đề xuất Tổng cục Đường Bộ Việt Nam chi 300 tỷ đồng cho việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Ảnh: Tiền Phong
Do vậy, đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục đầu tư sửa chữa mặt cầu Thăng Long bằng phương án sử dụng công nghệ vật liệu mới Guss-asphalt trên lớp bê tông nhựa polymer, có xét đến phương án mua máy móc thiết bị thi công tại thời điểm hiện nay là không phù hợp, gây lãng phí và không đủ điều kiện để xem xét.
Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam căn cứ vào tình trạng hiện tại của mặt cầu, để tiết kiệm vốn đầu tư. Đơn vị, cần tiếp tục theo dõi, đánh giá, đưa ra giải pháp kỹ thuật tiết kiệm nhất nhằm đảm bảo sửa triệt để mặt cầu, ổn định khai thác lâu dài, cũng như có thể áp dụng cho các công trình khác có điều kiện kết cấu tương tự.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm trong việc tham mưu đề xuất phương án đầu tư sửa chữa mặt cầu Thăng Long.
Ngày 9/5/1985, cầu Thăng Long được khánh thành và đi vào hoạt động. Đây là cây cầu đồ sộ bắc ngang qua sông Hồng. Cầu có cấu tạo là cầu giàn thép. Cầu gồm hai tầng, tầng trên dành cho ôtô, tầng dưới dành cho đường sắt. Chiều dài cầu đường sắt là hơn 5 km; cầu đường bộ cho ôtô dài trên 3,1 km. Tổng chiều dài của toàn bộ cầu xấp xỉ 10,7 km.