Bộ GD-ĐT công bố quy chế thi THPT Quốc gia năm 2017

Trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, Bộ GD-ĐT vẫn duy trì điểm sàn tuyển sinh vào đại học.

Bộ GD-ĐT công bố quy chế thi THPT Quốc gia năm 2017 - 1

Bộ GD-ĐT không bỏ điểm sàn trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017

Tối 31/1, Bộ GD-ĐT đã chính thức ban hành Thông tư Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2017.

Vẫn có điểm sàn tuyển sinh đại học

Năm 2017, Bộ GD-ĐT sẽ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào căn cứ trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia để các trường xây dựng phương án xét tuyển.

Từ năm 2018 trở đi, khi các trường đã công khai đầy đủ và chuẩn xác các thông tin theo quy định thì mỗi trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho trường mình.

Như vậy, trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, Bộ GD-ĐT vẫn duy trì điểm sàn tuyển sinh vào ĐH.

Tổ chức 5 bài thi

Kỳ thi tổ chức thi 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học (KHTN), Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT (KHXH).

Nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12

Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức hằng năm. Ngày thi, lịch thi, hình thức thi và thời gian làm bài thi được quy định trong hướng dẫn tổ chức thi THPT quốc gia hằng năm của Bộ GDĐT.

Nội dung thi: Năm 2017, nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 12 THPT; năm 2018, nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT; từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong Chương trình cấp THPT.

Học sinh lớp 12 đăng ký dự thi tại trường phổ thông nơi học lớp 12; Thí sinh tự do đăng ký tại địa điểm do sở GDĐT quy định.

Mỗi tỉnh 1 cụm thi

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) tổ chức một cụm thi do sở GDĐT chủ trì, dành cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh. Bộ GDĐT điều động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ đến các cụm thi để phối hợp tổ chức thi.

Đối tượng dự thi: Người đã học hết chương trình THPT hoặc chương trình GDTX cấp THPT (THPT) trong năm tổ chức kỳ thi; Người đã học hết chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm trước; người đã tốt nghiệp THPT; người đã tốt nghiệp trung cấp; các đối tượng khác được Bộ GDĐT cho phép dự thi (gọi chung là thí sinh tự do).

Điều kiện dự thi: Các đối tượng dự thi không trong thời gian bị kỷ luật cấm thi; đăng ký dự thi và nộp đầy đủ các giấy tờ, đúng thủ tục, đúng thời hạn. Đối tượng theo quy định trên phải đảm bảo thêm các điều kiện được đánh giá, xếp loại ở lớp 12: hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên, học lực không bị xếp loại kém. Riêng đối với người học thuộc diện không phải xếp loại hạnh kiểm và người học theo hình thức tự học có hướng dẫn ở GDTX thì không yêu cầu xếp loại hạnh kiểm.

Thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT ngoài quy định trên phải đảm bảo các điều kiện: Đã tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS); Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc nơi đăng ký dự thi một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0, đảm bảo khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm đủ điều kiện về học lực theo quy định trên.

Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12, phải được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận không vi phạm pháp luật.

Không giới hạn số nguyện vọng đăng ký

Theo quy chế tuyển sinh mới ban hành, giống với dự thảo, thí sinh được ĐKXT không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).

Trong đợt 1, đối với từng trường, ngành thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Đối với mỗi thí sinh, nếu đăng ký vào nhiều trường/ngành thì xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng.

Quy ước mỗi hội đồng thi có một mã riêng

Quy chế quy ước mỗi hội đồng thi có một mã riêng và được thống nhất trong toàn quốc. Mỗi thí sinh có một số báo danh duy nhất. Việc lập danh sách để gán số báo danh cho thí sinh tại mỗi điểm thi được thực hiện theo thứ tự a, b, c,… của tên thí sinh.

Việc xếp phòng thi sẽ theo từng bài thi hoặc môn thi thành phần của bài thi tổ hợp (khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội), mỗi phòng thi có tối đa 24 thí sinh. Riêng phòng thi cuối cùng của buổi thi ngoại ngữ ở mỗi điểm thi được xếp các thí sinh dự thi ngoại ngữ khác nhau (nhưng sẽ thu bài riêng theo từng bài thi ngoại ngữ).

Thí sinh tự do được xếp phòng thi riêng ở một hoặc một số điểm thi do giám đốc sở GD-ĐT quyết định. Thí sinh giáo dục thường xuyên được bố trí phòng thi riêng khi dự thi bài thi khoa học xã hội.

Thí sinh được chọn dự thi cả hai tổ hợp

Kỳ thi sẽ được tổ chức thành 5 buổi, tương ứng với 5 bài thi. Trong đó có 3 bài thi độc lập là toán, văn, ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn lí, hóa, sinh), khoa học xã hội (tổ hợp các môn sử, lí, giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục THPT; tổ hợp các môn sử, địa lí đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT).

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình giáo dục THPT (gọi tắt là thí sinh Giáo dục THPT) phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập và một bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.

Thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT (GDTX) phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.

Để tăng cơ hội xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN