'Bộ đội Việt Nam sẽ tìm người mất tích ở Myanmar như tìm người thân'

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ khẳng định bộ đội Việt Nam sẽ tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp sau thảm họa động đất tại Myanmar như tìm kiếm chính người thân của mình.

Chiều 30/3, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ xuất quân tiễn 80 cán bộ, chiến sĩ lên đường tham gia cứu trợ nhân đạo, khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar.

Trả lời VnExpress, thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cứu hộ - Cứu nạn, Tổng chỉ huy lực lượng cứu hộ, cho biết nhiệm vụ quan trọng nhất của quân đội Việt Nam là tập trung tìm kiếm và cứu nạn nhân còn sống sót. Đội huấn luyện viên và chó nghiệp vụ sẽ là mũi nhọn phát hiện ban đầu, sau đó đội công binh với các thiết bị hiện đại sẽ xác định chính xác vị trí và tiến hành giải cứu.

Ngoài ra, đoàn cũng cung cấp hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp bao gồm lương thực và y tế, hỗ trợ công binh và kỹ thuật để tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cứu trợ quốc tế và sở tại; đồng thời đảm bảo an toàn cho chính đội ngũ cứu trợ.

"Chúng tôi mang theo 5 tấn lương khô và các thiết bị cứu hộ tối tân như bộ dò tìm DESA, radar, thiết bị thủy lực và thiết bị tìm kiếm cầm tay PO-900. 60 tấn hàng viện trợ thiết yếu khác sẽ được vận chuyển ở những chuyến bay sau", Chỉ huy trưởng lực lượng cứu hộ thông tin.

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cứu hộ - Cứu nạn, Tổng chỉ huy lực lượng cứu hộ, trả lời VnExpress trước giờ lên đường sang Myanmar. Video: Anh Phú

Theo tướng Tỵ, đoàn công tác 80 người được tổ chức thành các bộ phận chuyên trách. Khối Chỉ huy và cơ quan (11 người) đảm nhiệm vai trò điều hành, chỉ đạo toàn bộ hoạt động tìm kiếm cứu nạn, thiết lập kênh liên lạc và phối hợp với các lực lượng khác.

Đội Chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn thuộc Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (9 huấn luyện viên và 6 chó nghiệp vụ) sẽ trực tiếp dò tìm trong đống đổ nát, sử dụng khả năng đặc biệt của chó để phát hiện nguồn hơi của người mắc kẹt. Khi chó báo hiệu, thông tin sẽ được chuyển đến đội công binh để triển khai các biện pháp tiếp cận.

Đội Công binh cứu sập thuộc Binh chủng Công binh (30 người) là lực lượng chủ lực trong việc tiếp cận các khu vực đổ nát, sử dụng trang thiết bị chuyên dụng như thiết bị thủy lực để đào bới, tạo lối đi an toàn. Đội cũng được trang bị bộ dò tìm DESA và radar phát hiện âm thanh, hình ảnh để xác định vị trí nạn nhân.

Đội Quân y thuộc Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (30 người) chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong đoàn và thiết lập đội cấp cứu dã chiến quy mô nhỏ, sẵn sàng thu dung, điều trị tại chỗ cho người dân Myanmar được cứu nạn, cũng như hỗ trợ y tế cho lực lượng cứu hộ quốc tế khi cần thiết.

"Đội ngũ y bác sĩ tham gia đoàn đều có chuyên môn cao về cả nội khoa và ngoại khoa, giàu kinh nghiệm trong môi trường khắc nghiệt và cứu trợ thảm họa, gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc", ông khẳng định.

Lực lượng công binh tại lễ giao nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng trước khi bay sang Myanmar. Ảnh: Giang Huy

Lực lượng công binh tại lễ giao nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng trước khi bay sang Myanmar. Ảnh: Giang Huy

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho biết đoàn sẽ phải đối mặt với một số thách thức như thông tin ban đầu về thiệt hại còn hạn chế, chưa khảo sát kỹ lưỡng hiện trường sập đổ, và nguy cơ thường trực từ các dư chấn có thể đe dọa an toàn của lực lượng cứu hộ.

Tuy nhiên, ông khẳng định kinh nghiệm và sự trưởng thành từ nhiệm vụ cứu trợ thành công tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023, đặc biệt trong công tác phối hợp đa phương, sử dụng trang thiết bị chuyên dụng và ứng phó với các tình huống khẩn cấp, sẽ là nền tảng vững chắc giúp đoàn vượt qua những trở ngại này.

"Sau khi đến Myanmar, chúng tôi sẽ phối hợp với Liên Hợp Quốc và chính quyền địa phương để xác định khu vực tìm kiếm. Công tác cứu hộ sẽ bắt đầu từ sáng mai sau khi hiệp đồng", tướng Tỵ nói.

Sáng 30/3, các Ngoại trưởng ASEAN họp khẩn theo hình thức trực tuyến để bàn về công tác khắc phục hậu quả động đất ở Myanmar và Thái Lan. Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Trưởng SOM ASEAN - Việt Nam, khẳng định Việt Nam sẽ sát cánh cùng hai nước vượt qua những khó khăn hiện nay. Trước mắt, Việt Nam đang chuẩn bị để viện trợ cho Myanmar nhiều hàng hóa, vật tư thiết yếu, đồng thời triển khai hơn 100 cán bộ chiến sĩ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam sang Myanmar tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn.

Trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra ở miền trung Myanmar hôm 28/3, sau đó vài phút xuất hiện dư chấn 6,7 độ, đã phá hủy các tòa nhà, làm sập cầu và hư hại đường sá trên khắp nước này. Ít nhất 1.644 người đã thiệt mạng, hàng trăm tòa nhà, cơ sở hạ tầng bị đổ sập hoặc hư hại nghiêm trọng, trong đó có nhiều bệnh viện, công trình hạ tầng, tòa nhà văn phòng. Người dân nhiều nước lân cận như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam cũng cảm nhận được chấn động.

Quân đội Việt Nam sẽ cử 79 quân nhân tham gia cứu trợ động đất tại Myanmar, lực lượng này có thể lên đường vào ngày mai (30/3).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Hà ([Tên nguồn])
Động đất ở Myanmar Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN