Bộ Công Thương rút kinh nghiệm về cán bộ
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng do lịch sử để lại chứ bộ này không phải là điển hình của một bộ máy cồng kềnh.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương Ảnh: Thùy Dương
Sáng 14-11, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với Bộ Công Thương về tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương.
Không có ý ôm đồm
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác của Chính phủ - nhắc lại tại hội nghị tổng kết ngành công thương năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao bộ này chủ động tái cơ cấu bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế. Ông Dũng cũng lưu ý Bộ Công Thương phải chọn cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn. “Thời gian qua, công tác cán bộ chỗ này chỗ khác, các đồng chí quá hiểu là việc cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong Bộ Công Thương” - Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận việc khắc phục khuyết điểm trong công tác bổ nhiệm cán bộ là bài học rất sâu sắc, ý nghĩa. Liên quan đến vấn đề này, hàng loạt công việc đã được rà soát, đánh giá. Bộ Công Thương sẽ có văn bản chính thức đề nghị Bộ Nội vụ bởi vì khung pháp lý của Bộ Nội vụ cũng có nhiều bất cập trong công tác cán bộ.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần hiểu đúng về công tác cán bộ của Bộ Công Thương. Nếu không, dẫn đến dư luận cho rằng bộ này là điển hình khuôn mẫu của một bộ quan liêu, bộ máy cồng kềnh, phức tạp, thậm chí không hiệu quả. Cụ thể, Bộ Công Thương được hợp nhất từ 8 bộ, ngành, có đến 32 trường đào tạo thuộc các bộ. Đó là câu chuyện của lịch sử, chứ bộ “không có ý muốn ôm đồm xây dựng bộ máy cồng kềnh”.
Thoái vốn chưa đạt yêu cầu chất lượng
Một nhiệm vụ quan trọng của Bộ Công Thương được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt là cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước ở những lĩnh vực không cần nắm giữ. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhìn nhận vấn đề này, bộ đã hoàn thành đúng yêu cầu về thời gian nhưng chất lượng chưa đạt. Riêng với Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã làm đúng.
“Một loạt nguyên tắc lớn Chính phủ đề ra, chúng tôi đang chấp hành nghiêm túc nhưng không thể chủ quan, vội vàng” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Theo Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Phan Chí Dũng, việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco rất phức tạp, được nhiều người quan tâm. Do đó, sau khi Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng về thoái vốn hồi tháng 9-2016, Bộ Công Thương đã triển khai ngay. Tuy nhiên, riêng tại Habeco, vướng mắc hiện nay là chưa đạt được thống nhất với Carlsberg. Bộ đã có công văn gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến tham gia tư vấn về hợp đồng giữa Habeco và Carlsberg. Habeco và Carlsberg đã làm việc nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất nên sẽ phải đàm phán tiếp.
Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ cũng cho biết hiện Habeco đã niêm yết trên thị trường Upcom, Sabeco đã hoàn tất thủ tục niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM (HoSE). Dự kiến, 2 doanh nghiệp này hoàn thành niêm yết trước ngày 20-12. Thủ tướng yêu cầu thoái toàn bộ vốn tại Habeco và hơn 53% vốn tại Sabeco trước ngày 31-12. Việc thoái vốn phải bảo đảm công khai, minh bạch, theo quy luật thị trường nhưng quá trình thực hiện rất mất thời gian.
“Công tác thoái vốn phải bảo đảm không mất vốn nhà nước, không được chủ quan và làm thế nào để vừa bán được giá cao nhất vừa không mất thương hiệu” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói. |