Bộ Công Thương nhận lại 6 'ông lớn' Nhà nước từ siêu Ủy ban
PVN, EVN, TKV, Petrolimex, Vinachem và Vinataba sẽ được chuyển từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước về lại Bộ Công Thương.
Theo kế hoạch định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động và chuyển 19 tập đoàn, tổng công ty về lại các bộ ngành.
Tại hội nghị tổng kết Nghị quyết 18 về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Công Thương mới đây, cơ quan này cho biết sẽ tiếp nhận lại chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước với 6 tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp.
Những "ông lớn" này gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).
Thực tế, 6 tập đoàn, tổng công ty này từng thuộc quản lý của Bộ Công Thương, nhưng được bàn giao về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước vào tháng 11/2018. Như vậy, sau 6 năm, các doanh nghiệp Nhà nước lớn trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng lại quay về chịu sự quản lý của Bộ Công Thương.
Hiện số vốn Nhà nước tại 6 "ông lớn" khoảng 800.000 tỷ đồng. Mức này tương đương 70% vốn Nhà nước mà siêu Uỷ ban nắm giữ tại 19 tập đoàn, tổng công ty.
Trụ sở Bộ Công Thuơng. Ảnh: Hoàng Giang
Trước đó, tại cuộc họp về sắp xếp bộ máy, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nói nguyên tắc "người đi theo việc, tách bạch quản lý Nhà nước và hoạt động doanh nghiệp" khi chuyển 19 tập đoàn, tổng công ty về bộ chuyên ngành.
Ngoài tiếp nhận lại các doanh nghiệp Nhà nước, cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương sau sắp xếp dự kiến giảm tối thiểu 15-20% đầu mối tổ chức bên trong, theo yêu cầu của Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Theo đó, một số cục, vụ khác hợp nhất để giảm số đầu mối công việc. Chẳng hạn, Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo và Cục Điều tiết điện lực hợp nhất thành đơn vị mới, dự kiến là Cục Điện lực. Cục Công Thương địa phương, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Vụ Khoa học và Công nghệ thành Cục Công nghệ và Đổi mới sáng tạo... Ban cán sự đảng Bộ Công Thương cũng kết thúc hoạt động, lập Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Chính phủ.
Bộ này cũng kết thúc mô hình tổng cục với Tổng cục Quản lý thị trường. Thay vào đó, Cục Quản lý giám sát thị trường nội địa dự kiến được thành lập, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, bộ máy của Tổng cục Quản lý thị trường và Vụ Thị trường trong nước. 63 Cục Quản lý thị trường ở địa phương được chuyển về UBND các tỉnh, thành phố. Bộ Công Thương kiến nghị các đơn vị này hoạt động theo mô hình chi cục thuộc Sở Công Thương.
Ngày 12-12, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, theo đó dự kiến hợp nhất nhiều cục, vụ
Nguồn: [Link nguồn]