Bộ Công an nói về thời gian điều chỉnh quy định nồng độ cồn
Sau khi tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Công an tiếp tục bảo lưu quan điểm cần cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người lái xe và chỉ xem xét điều chỉnh khi “văn hóa giao thông hình thành tốt”.
Sau khi tham vấn ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Công an vừa hoàn thiện báo cáo giải trình của Chính phủ về một số nội dung lớn trong dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, cơ quan soạn thảo tiếp tục đề xuất “cấm người điều khiển xe có nồng độ cồn tham gia giao thông”.
Quy định “zero” nồng độ cồn để hình thành thói quen
So với dự thảo trước, báo cáo chỉnh lý lần này của Bộ Công an đưa thêm các số liệu để chứng minh việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn là “cần thiết”. Cụ thể, cơ quan soạn thảo khẳng định sau khi tiếp thu ý kiến các đại biểu tại kỳ họp thứ sáu, đơn vị phối hợp với Bộ Y tế tổ chức nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tổ chức điều tra xã hội học, hội thảo khoa học về tác hại của rượu bia đối với người tham gia giao thông đường bộ, lấy ý kiến của các chuyên gia y tế tại các bệnh viện lớn của Việt Nam.
Kết quả cho thấy rượu bia ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần và hành vi của con người đặc biệt là những người sau khi sử dụng rượu bia điều khiển xe tham gia giao thông. “Các nhà khoa học đều đồng thuận cao, phải xử lý nghiêm người điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ có sử dụng rượu bia. Vì những con số đáng báo động về tác hại của rượu bia” - dự thảo nêu.
Cơ quan soạn thảo tiếp tục đề xuất “cấm người điều khiển xe có nồng độ cồn tham gia giao thông”. Ảnh: PHI HÙNG
Cụ thể, Bộ Công an cho biết từ tháng 6-2022 đến tháng 12-2023, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu bia chiếm 20% tổng số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ gây ra, trong số đó 80% là lỗi do người điều khiển xe đã sử dụng rượu bia gây ra.
Thêm vào đó, theo thống kê, điều tra xã hội học đối với 43.765 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam của Bộ Công an thì có 22.442 phạm nhân trước khi phạm tội đã sử dụng rượu bia. Con số này chiếm 51,28%, đối với bảy nhóm tội danh như giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, hiếp dâm, chống người thi hành công vụ, vi phạm quy định về tham gia giao thông.
Bộ Công an cũng lần nữa khẳng định việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn đối với người lái xe đang phát huy rất hiệu quả. Trong năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển xe vi phạm nồng độ, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia giảm 25% số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022. “Do đó, cần tiếp tục duy trì việc kiểm soát, xử lý quyết liệt, phát huy hiệu quả hơn nữa của chủ trương này…” - Bộ Công an nhấn mạnh.
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng khẳng định việc cấm tuyệt đối người lái xe sử dụng rượu bia nhằm mục đích để người dân dần hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”. Sau khi ý thức, văn hóa giao thông hình thành tốt có thể nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.
Trước việc còn có các ý kiến khác nhau về quy định nồng độ cồn, Văn phòng Chính phủ vừa phát phiếu lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ về vấn đề trên để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy, diễn ra vào tháng 5 tới đây.
Các bộ, ngành ý kiến gì?
Trước đó, tham gia ý kiến dự thảo báo cáo trên, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam… cũng đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với Bộ Y tế xem xét tính khoa học trong quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn và “xác định hơi thở có nồng độ cồn”, “nồng độ cồn nội sinh”, bởi lẽ một số đồ uống, trái cây cũng phát sinh nồng độ cồn.
Thêm vào đó, nước ta là quốc gia có nhiều phong tục, tập quán, lễ hội, giỗ chạp… nên cần đánh giá thêm về tính thực tiễn.
Ngoài ra, cũng có bộ đề nghị Bộ Công an bổ sung các kết quả tác động về kinh tế khi cấm tuyệt đối nồng độ cồn. Chẳng hạn như ảnh hưởng như thế nào tới ngành sản xuất rượu bia có cồn; ngành dịch vụ kinh doanh ăn uống, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng được nhắc xem lại việc giải trình có đoạn nêu “trong khi đó, văn hóa ẩm thực của Việt Nam có nhiều điểm đặc thù… đã bắt đầu uống là không thể dừng mà khi đã say thì khó nhớ luật quy định gì”. Bởi lẽ nội dung này của Bộ Công an có thể là các nhận định không khách quan, không phản ánh đúng văn hóa số đông người Việt Nam.
Bộ Công an cũng được đề nghị bổ sung nghiên cứu tác động của cồn đối với khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của người lái xe ở những mức độ khác nhau và trường hợp nồng độ cồn nội sinh…
Về các vấn đề trên, Bộ Công an cho biết đã chỉ đạo Cục CSGT phối hợp với Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế tổ chức điều tra xã hội học, hội thảo khoa học. Qua đó, các nhà khoa học khẳng định việc sử dụng rượu bia sẽ ảnh hưởng đến thần kinh của con người.
“Thêm vào đó, với tình hình ý thức tham gia giao thông chưa tốt hiện nay người tham gia giao thông cần tiếp tục kế thừa quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia là cấm người điều khiển xe có nồng độ cồn tham gia giao thông để có chế tài, xử lý nghiêm khắc” - Bộ Công an nhấn mạnh.•
Đã bắt đầu uống là không dễ dừng Theo Bộ Công an, văn hóa ẩm thực của Việt Nam có nhiều điểm đặc thù, có tính cả nể. Nếu quy định nồng độ bằng 0 thì không uống nhưng nếu có một hạn mức nào đó thì người lái xe có thể gặp trường hợp bị ép uống. Bên cạnh đó, đồ uống có cồn gây nghiện, đã bắt đầu uống là không dễ dừng, mà khi đã say thì sẽ khó nhớ luật quy định gì. Có trường hợp nhậu từ hôm trước mà hôm sau vẫn bị phạt vì uống quá nhiều hoặc do cơ địa, nhiều người hôm trước nhậu say, hôm sau vẫn váng đầu nhức óc cả ngày, ảnh hưởng tới khả năng lái xe. “Việc lái xe trong trạng thái thiếu tỉnh táo có thể gây ra thảm họa với những người vô tội như một số trường hợp người lái xe say rượu gây tai nạn liên hoàn thời gian qua…” - Bộ Công an nhấn mạnh. |
Cục Quản lý khám chữa bệnh và một số đơn vị được Bộ Y tế giao tham vấn ý kiến của Tổ chức Y tế thế giới và các chuyên gia về tình huống nồng độ cồn tự nhiên trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia
Nguồn: [Link nguồn]