Bộ Công an nói gì về hiện tượng "giúp người tai nạn giao thông nhưng bị vu oan"?
Sau khi giúp đỡ người gặp tai nạn giao thông mà bị tố cáo là người gây tai nạn thì bản thân người giúp đỡ phải làm gì, người tố cáo sai có bị xử lý?
Bộ Công an vừa có giải đáp liên quan đến việc cứu giúp người bị tai nạn giao thông. Đây là vấn đề được rất nhiều người quan tâm khi hàng loạt vụ việc gây tranh cãi xảy ra thời gian vừa qua.
Điển hình như vụ tai nạn giao thông xảy ra ở Vân Đồn, Quảng Ninh. Một tài xế xe bán tải có lòng tốt đưa người bị tai nạn vào bệnh viện cấp cứu, nhưng sau đó lại bị người nhà của nạn nhân tố đến cơ quan công an vì cho rằng anh này là người gây tai nạn.
Vào cuộc xác minh, cơ quan công an kết luận tài xế gây tai nạn là người khác chứ không phải tài xế xe bán tải.
Câu chuyện sau đó được vợ của tài xế bán tải chia sẻ trên mạng xã hội Facebook, nhận được nhiều ý kiến tranh luận từ cư dân mạng, xoay quanh việc “giúp người tai nạn giao thông nhưng rồi bị vu oan”.
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông. Ảnh: PLO
Vậy theo quy định, nếu sau khi giúp đỡ người gặp tai nạn giao thông mà bị tố cáo là người gây tai nạn thì bản thân người giúp đỡ phải làm gì, người tố cáo sai có bị xử lý? Cơ quan công an có giải pháp gì để tránh xảy ra oan sai trong các vụ việc như thế này?
Trường hợp nhìn thấy người bị tai nạn giao thông mà không cứu giúp thì theo quy định sẽ bị xử lý như thế nào?
Trả lời các câu hỏi trên, Bộ Công an cho biết, Điều 38 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn hoặc người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn phải báo ngay thông tin vụ tai nạn cho cơ quan công an, cơ quan y tế hoặc UBND nơi gần nhất.
Đồng thời, những người này có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn giao thông cho cơ quan có thẩm quyền (cơ quan công an thụ lý, điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông).
Khi nhận được thông tin, cơ quan công an khi nhận trách nhiệm cử người tới ngay hiện trường để điều tra vụ tai nạn.
Việc điều tra, giải quyết tai nạn giao thông tiến hành theo quy định của pháp luật, quy định của Bộ Công an về công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông.
“Trong quá trình điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông mà phát hiện người có hành vi vu khống cho người khác với mục đích xấu thì căn cứ vào mức độ gây hậu quả của hành vi vi phạm để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật” – Bộ Công an cho hay.
Vẫn theo Bộ Công an, Khoản 18 Điều 8 và Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về việc cứu giúp người bị tai nạn giao thông.
Căn cứ cụ thể vào mức độ gây ra thiệt hại của hành vi vi phạm cứu giúp người bị tai nạn giao thông để tiến hành xử lý như sau:
- Phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1-2 triệu đồng đối với tổ chức không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu (điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
- Việc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng còn có thể bị xử lý theo pháp luật hình sự (Điều 132 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng).
Người phụ nữ cho rằng, mình giúp người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu không được cảm ơn mà còn bị gia đình nạn nhân kiện nên vô cùng bức xúc.
Nguồn: [Link nguồn]