Bộ Công an nghiên cứu tăng mức phạt với các lỗi vi phạm giao thông cố ý
Thủ tướng giao Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo hướng tăng nặng mức phạt, hình thức xử phạt với nhóm hành vi do lỗi cố ý, vi phạm nhiều lần.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ngày 26-7 đã ký Chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ ngay khi có hiệu lực thi hành.
Siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô
Thủ tướng đã giao nhiều nhiệm vụ cho Bộ GTVT, trong đó yêu cầu phải siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô; tăng cường kiểm soát đối với hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hoá, kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm ngay tại các điểm xuất phát (bến xe, bến bãi, nhà ga, đầu nguồn hàng, mỏ vật liệu).
Đồng thời, xử lý nghiêm trách nhiệm của các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải khi để xuất bến đối với xe quá niên hạn sử dụng, hết hạn kiểm định, chở quá số người quy định, quá tải trọng xe, xe hợp đồng và du lịch hoạt động trá hình, sử dụng các xe trung chuyển để đón khách sai quy định…
“Quản lý chặt chẽ và kiên quyết thu hồi giấy phép, phù hiệu vận tải đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật” – Chỉ thị nhấn mạnh và yêu cầu thường xuyên theo dõi các địa phương trong việc thu hồi giấy phép, phù hiệu vận tải đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.
Bộ Công an được giao nghiên cứu tăng mức phạt với các lỗi vi phạm giao thông cố ý như đón trả khách không đúng quy định, chở quá số người... Ảnh: PLO
Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng công cụ và cơ sở dữ liệu điện tử quản lý vận tải, thực hiện chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành liên quan. Cạnh đó là hoàn thành việc kết nối cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đồng bộ lên ứng dụng VnelD. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không phải mang theo nhiều giấy tờ khi tham gia giao thông…
Cơ quan này cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với cơ sở đào tạo lái xe; đổi mới chương trình đào tạo và sát hạch lái xe; quản lý lái xe sau sát hạch. Song song đó, Bộ GTVT tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc, quốc lộ; phối hợp với UBND các địa phương tổ chức tổng rà soát các "điểm đen", "điểm tiềm ẩn" tai nạn giao thông… và đề ra phương án, kế hoạch, lộ trình giải quyết.
Sẽ tăng hình phạt với các hành vi do lỗi cố ý
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo lực lượng CSGT và Công an các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chở hàng quá khổ, quá tải trọng, "cơi nới" thùng xe, chở quá số người quy định, xe hết hạn kiểm định, quá niên hạn sử dụng, vi phạm tốc độ, tránh, vượt, đi sai phần đường, làn đường, sử dụng giấy tờ không do cơ quan có thẩm quyền cấp (giấy tờ giả).
“Phát động phong trào toàn dân lên án, phát hiện và cung cấp tài liệu phản ánh vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông để lực lượng CSGT xử lý theo quy định” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Chỉ thị của Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ ứng dụng khoa học công nghệ để khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải, thống nhất với Bộ GTVT chuẩn bị phương án quản lý, khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo hướng tăng nặng mức phạt, hình thức xử phạt với nhóm các hành vi do lỗi cố ý, vi phạm nhiều lần trong khoảng thời gian nhất định trong hoạt động kinh doanh vận tải.
Có thể kể đến như vi phạm về tốc độ, đón, trả khách không đúng quy định, vi phạm quy định về luồng tuyến và thời gian lái xe, tránh, vượt không đúng quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, chở quá số người quy định, vi phạm các quy tắc giao thông trên cao tốc, cố ý tắt thiết bị giám sát hành trình…
Cùng với đó, nghiên cứu nâng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ phù hợp với tình hình thực tiễn (mức hai năm).
Tước giấy phép kinh doanh với đơn vị sử dụng tài xế dương tính ma túy Thủ tướng còn giao Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm thống nhất với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức xử phạt phù hợp với mức độ nguy hiểm của một số hành vi có nguy cơ cao, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông hoặc nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đối với hạ tầng giao thông. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất hình thức xử phạt bổ sung như tước giấy phép kinh doanh vận tải có thời hạn đối với đơn vị sử dụng lái xe dương tính với chất ma túy và các chất cấm. Trường hợp tài xế dương tính với ma túy khi bị phát hiện ngoài việc bị phạt hành chính còn bị thu hồi giấy phép lái xe và phải sát hạch lại để được cấp giấy phép lái xe khi có đủ điều kiện sức khỏe theo quy định; thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh đối với đơn vị kinh doanh vận tải để xảy ra tình trạng tái phạm vi phạm trật tự, an toàn giao thông. |
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 144/2021, trong đó đề xuất mức phạt với hành vi cầm cố thẻ căn cước công dân và một số vi phạm khác.