Bộ Công an đề xuất xây dựng Luật Dữ liệu

Sự kiện: Thời sự

Bộ Công an cho rằng cần có Luật Dữ liệu để điều chỉnh, thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội

Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu gồm: Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định về dữ liệu; Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bộ Công an lấy ý kiến trong vòng 1 tháng (từ 26-2 đến 26-3), để đề nghị xây dựng luật Dữ liệu.

Lực lượng công an lấy dữ liệu từ người dân. Ảnh: NLĐO

Lực lượng công an lấy dữ liệu từ người dân. Ảnh: NLĐO

Theo Bộ Công an, hiện nay nhiều nước phát triển trên thế giới đã xây dựng các trung tâm dữ liệu tập trung và các hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia nhằm phát huy triệt để vai trò, giá trị của nguồn tài nguyên dữ liệu trong phục vụ quản trị quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Qua đó, từng bước tạo dựng và xác lập vị trí quốc gia trên bản đồ công nghệ thế giới.

Đơn cử, Liên minh châu Âu có luật Quản trị dữ liệu và luật Dữ liệu, Hàn Quốc có luật Dữ liệu mở, Brazil có luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Canada có đạo luật về quyền riêng tư, Ấn Độ có dự luật bảo vệ dữ liệu cá nhân năm 2019, Trung Quốc có luật Bảo vệ thông tin cá nhân, Singapore có đạo luật bảo vệ dữ liệu cá nhân năm 2012…

Qua rà soát, Bộ Công an thấy nước ta hiện có 69 luật đang quy định về CSDL, song chỉ có một số luật có quy định về trách nhiệm của cơ quan chủ quản CSDL trong việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong CSDL.

Hiện trên cơ sở các quy định pháp luật, các bộ ngành, địa phương đã triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, trong đó có gần 40 CSDL quốc gia và gần 50 CSDL chuyên ngành. Tuy nhiên, hầu hết các luật đều không quy định cụ thể hoặc thống nhất về việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong các cơ sở dữ liệu và chưa có luật nào quy định về các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, điều chỉnh các nền tảng phát triển…

Từ lẽ trên, Bộ Công an cho rằng cần có luật Dữ liệu để điều chỉnh, thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Từ đánh giá tác động, Bộ Công an đề xuất xây dựng luật Dữ liệu với 4 chính sách lớn, gồm: Quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; quy định về CSDL tổng hợp quốc gia; quy định về trung tâm dữ liệu quốc gia và quy định về sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu.

Cùng với đó, Bộ Công an cũng đề nghị Chính phủ giao các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dữ liệu cho phù hợp với quy định của luật Dữ liệu dù việc xây dựng luật này không ảnh hưởng, mâu thuẫn với các luật quy định có liên quan về dữ liệu.

Bộ Công an kiến nghị Chính phủ có biện pháp nâng cao hiệu quả thi hành các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về dữ liệu trong thời gian tới. Ví dụ như tăng cường đầu tư tập trung, đào tạo, có chế độ chính sách, đãi ngộ đối với nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao và đầu tư kinh phí, trang bị vật tư, phương tiện, hạ tầng hiện đại để phát triển dữ liệu.

TP HCM triển khai phần mềm lắng nghe mạng xã hội, thu thập và xử lý lượng dữ liệu khổng lồ từ nền tảng phổ biến như Facebook, YouTube.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hưởng ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN