Bộ Công an đề xuất thêm trường hợp đi xe máy được "kẹp ba"
Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đề xuất thêm trường hợp người lái xe máy được phép "kẹp ba" và không được sử dụng xe máy để dẫn dắt vật nuôi.
Bộ Công an đang tiếp tục lấy ý kiến về Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, dự thảo gồm 62 Điều và 8 chương quy định về: Quy tắc giao thông đường bộ; điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đáng chú ý, tại khoản 1, Điều 31 dự thảo có đề cập, người lái xe mô tô hai bánh, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ bốn trường hợp được chở tối đa hai người.
Cụ thể, người bệnh đi cấp cứu; áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật; trẻ em dưới 14 tuổi và người già yếu hoặc người khuyết tật được phép “kẹp ba”.
So với Luật Giao thông đường bộ 2008, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã bổ sung thêm một trường hợp là nhóm người già yếu, người khuyết tật. Lưu ý, đối với các trường hợp xe này, người ngồi trên mô tô, xe máy vẫn phải đội mũ bảo hiểm cũng như chấp hành đầy đủ các quy định.
Dự thảo quy định các trường hợp được đi xe máy "kẹp ba". (Ảnh minh hoạ)
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định người lái xe máy không được sử dụng xe để dẫn dắt vật nuôi.
Cụ thể, tại khoản 3, Điều 31 cũng quy định người lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau đây:
Đi xe dàn hàng ngang; Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác; Sử dụng ô;
Buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh;
Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt vật nuôi, mang, vác và chở vật cồng kềnh; chở người đứng trên xe, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe quá giới hạn quy định;
Ngồi về một bên điều khiển xe; đứng, nằm trên xe điều khiển xe; thay người lái xe khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy.
Theo quy định, có trường hợp vi phạm giao thông nhưng không phải nộp tiền, chỉ bị phạt cảnh cáo. Vậy phạt cảnh cáo trong xử lý vi phạm giao thông áp dụng khi nào?
Nguồn: [Link nguồn]