Bộ Công an đề xuất phân thành 11 hạng giấy phép lái xe
Bộ Công an đề xuất nhiều điểm mới về giấy phép lái xe, bao gồm việc phân hạng, thời hạn và độ tuổi.
Mới đây, Bộ Công an đã có dự thảo lần sáu về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (GTĐB). Đây là dự án luật được tách ra từ Luật GTĐB 2008 đang được rất nhiều người quan tâm. Trong dự thảo lần này, Bộ Công an đề xuất nhiều điểm mới về giấy phép lái xe (GPLX), bao gồm việc phân hạng, thời hạn và độ tuổi…
Thay đổi tên gọi các hạng giấy phép lái xe
Cụ thể, Bộ Công an đề xuất phân loại GPLX thành 11 hạng, với các tên gọi có sự khác biệt so với hiện nay, gồm A01, A2, A3, B, C, D2, D, BE, CE, D2E và DE.
Trong đó, hạng A01 cấp cho người lái mô tô hai bánh có dung tích xylanh từ 50 cm3 đến 175 cm3. Hạng A2 cấp cho người lái mô tô hai bánh có dung tích xylanh trên 175 cm3 trở lên. Hạng A3 cấp cho người lái mô tô ba bánh.
Dự thảo lần sáu về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất nhiều điểm mới về giấy phép lái xe. Ảnh: THY NHUNG
Hạng B cấp cho người lái ô tô chở người đến chín chỗ kể cả chỗ của người lái xe; ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500 kg… (không chia thành B1 và B2 như hiện nay).
Đáng chú ý, Bộ Công an đề xuất người khuyết tật điều khiển phương tiện tham gia giao thông được cấp GPLX phù hợp với loại xe và tình trạng khuyết tật, thay vì được cấp hạng A1 như quy định hiện hành.
Dự luật Trật tự, an toàn GTĐB cũng quy định rõ thời hạn của GPLX so với luật hiện hành. Cụ thể, GPLX hạng A01, A2, A3 không thời hạn; GPLX hạng B có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp; GPLX hạng C, D2, D, BE, CE, D2E, DE có thời hạn năm năm kể từ ngày cấp.
Ngoài ra, người điều khiển xe tham gia giao thông phải có sức khỏe phù hợp với từng loại xe được phép điều khiển. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết khoản này.
Chưa quy định về đấu giá biển số xe và điểm của GPLX
Ở dự thảo Luật Trật tự, an toàn GTĐB lần này, Bộ Công an cũng lược bỏ các quy định về đấu giá biển số xe, điểm và trừ điểm của GPLX. Theo lý giải, các nội dung trên Bộ Công an đang báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho thực hiện thí điểm trong thời gian tới.
Trước đó, Bộ Công an từng đề xuất mọi loại GPLX sẽ có tổng là 12 điểm và số điểm này sẽ bị trừ khi tài xế vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Số điểm bị trừ ngược; đến khi về 0, GPLX sẽ bị coi là không còn hiệu lực. Điều này đồng nghĩa tài xế muốn cấp GPLX phải học và thi lấy GPLX trong thời gian ít nhất sáu tháng kể từ ngày GPLX bị coi là không còn hiệu lực.
Bộ Công an cũng đang tiếp tục hoàn thiện đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe thông qua đấu giá. Người trúng đấu giá được sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp biển số. Việc này cũng đồng nghĩa người sở hữu biển số khi bán xe vẫn có thể giữ biển số để đăng ký cho xe khác của mình. Tuy nhiên, chủ sở hữu phải đến cơ quan đăng ký xe để làm thủ tục giữ lại biển số.
Độ tuổi lái ô tô, mô tô Về độ tuổi lái xe máy và ô tô không thay đổi nhưng được quy định gọn hơn. Chẳng hạn: Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe máy; người đủ 18 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng A01, A2, A3, B; người đủ 21 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng C, BE; người đủ 24 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng D2, CE; người đủ 27 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng D, D2E, DE; Còn tuổi tối đa của người hành nghề lái ô tô chở người trên 30 chỗ phù hợp với tuổi lao động được quy định trong Bộ luật Lao động. |
Nguồn: [Link nguồn]
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa chấp thuận cho các trung tâm sát hạch lái xe tổ chức các kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe từ ngày 20/10/2021.