Bộ Công an đề xuất CSGT được huy động phương tiện của người dân
Bộ Công an đề xuất, trong trường hợp cấp bách CSGT được huy động phương tiện giao thông của người dân.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần làm rõ các trường hợp được huy động phương tiện của người dân - Ảnh minh họa
Huy động dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản
Tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ vừa được Chính phủ trình Quốc hội, Bộ Công an đề xuất, trong trường hợp khẩn cấp, lực lượng CSGT được huy động phương tiện, thiết bị liên lạc của người dân.
Cụ thể: Tại Điểm d Khoản 2 Điều 58 về nhiệm vụ, quyền hạn của CSGT trong tuần tra, kiểm soát quy định: CSGT được yêu cầu tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự ATGT đường bộ, trật tự, xã hội.
Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, CSGT được huy động phương tiện giao thông đường bộ, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.
Trao đổi với Báo Giao thông về đề xuất này, luật sư Hoàng Văn Hướng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, đây là quy định cần thiết vì mục tiêu an ninh quốc gia. Tuy nhiên, luật sư Hướng cho rằng, luật phải rõ ràng, có thống kê cụ thể các các trường hợp cấp bách là các trường hợp nào, hỏa hoạn, thiên tai, bệnh dịch hay địch họa. Đặc biệt là cần phải làm rõ huy động phương tiện khác là những phương tiện gì, trên đường chỉ có phương tiện giao thông, không lẽ trên đường bộ lại có máy bay.
Cần chính sách đền bù thỏa đáng
“Nếu vì các mục tiêu như đề xuất, nhà nước cần có chính sách thỏa đáng để đền bù các thiệt hại về dân sự cho người dân. Đồng thời, cũng cần quy định rõ trách nhiệm bồi thường cho công dân khi tài sản huy động bị hư hỏng, xe hết xăng, bị hỏng, phải có cơ chế bồi hoàn", luật sư Hướng nói.
Cũng theo luật sư Hướng, người ra lệnh, người thi hành công vụ huy động phương tiện không đúng mục đích cũng phải chịu trách nhiệm đền bù khi có hư hỏng, thiệt hại về tài sản của người dân. Cần quy định cụ thể trách nhiệm để tránh trường hợp tránh lạm quyền, huy động phương tiện của người dân không đúng mục đích.
Một chuyên gia giao thông cũng cho rằng, trong dự thảo Luật không quy định rõ các nội dung cụ thể về huy động các loại phương tiện của người dân. Chủ phương tiện đang đầy bình xăng, nếu huy động hết xăng thì cần có cơ chế tài chính bồi hoàn; hay thời gian huy động là bao lâu... cần phải quy định, hướng dẫn chi tiết thi hành trong Luật. Trong đó, cần giao Chính phủ hay Bộ Công an quy định cụ thể, chi tiết nội dung này, làm sao để người bị huy động phương tiện không bị thiệt thòi.
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ Công an đang hoàn thiện đề xuất tăng thẩm quyền sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ cho lực lượng CSGT để ngăn tình...