Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định bắt khẩn cấp để dẫn độ khi có yêu cầu

Sự kiện: Thời sự

Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định về các trường hợp dẫn độ khẩn cấp khi có yêu cầu từ phía nước ngoài trong thời gian chờ yêu cầu dẫn độ chính thức.

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ. Theo đó, trong tờ trình, Bộ Công an nêu rõ sự cần thiết của việc xây dựng Luật Dẫn độ dựa trên cơ sở Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.

Theo Bộ Công an, Việt Nam hiện là thành viên của 21 điều ước quốc tế song phương về dẫn độ có quy định về bắt khẩn cấp người bị yêu cầu dẫn độ trước khi nhận được yêu cầu dẫn độ chính thức.

Cụ thể, trong các trường hợp khẩn cấp, các cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết này có thể yêu cầu nước ký kết kia bắt giữ người bị yêu cầu dẫn độ trong thời gian chờ yêu cầu dẫn độ chính thức.

Đặc biệt, trong một số hiệp định về dẫn độ còn quy định các cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết này có thể bắt giữ một người đang có mặt trên lãnh thổ nước mình nếu có căn cứ xác định người này đã thực hiện tại nước ký kết kia một tội phạm có thể bị dẫn độ theo hiệp định mà không cần có yêu cầu bắt giữ.

Người bị bắt trong trường hợp này phải bị giam giữ tại nước ký kết bắt giữ trong một thời hạn nhất định (tối thiểu là một tháng) kể từ ngày nước ký kết kia nhận được thông báo về việc bắt.

Công an TP.HCM phối hợp với các đơn vị liên quan bắt ba người Hàn Quốc bị Interpol truy nã quốc tế hồi tháng 6 vừa qua. Ảnh: CA

Công an TP.HCM phối hợp với các đơn vị liên quan bắt ba người Hàn Quốc bị Interpol truy nã quốc tế hồi tháng 6 vừa qua. Ảnh: CA

Quy định nêu trên của các hiệp định nhằm bảo đảm việc thực hiện yêu cầu dẫn độ được hiệu quả, tránh trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ tiếp tục bỏ trốn trong thời gian kể từ khi bị phát hiện đến khi các cơ quan có thẩm quyền lập, dịch và gửi hồ sơ yêu cầu dẫn độ chính thức. Việc này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế trong lĩnh vực dẫn độ.

Cũng theo Bộ Công an, thời gian qua, công an một số đơn vị, địa phương đã bắt giữ một số người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước ngoài rồi lẩn trốn vào Việt Nam theo yêu cầu của phía nước ngoài hoặc khi có thông báo của Interpol.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện, xảy ra tình trạng nhiều VKSND cấp tỉnh và cả một số Vụ của VKSND Tối cao chỉ phê chuẩn quyết định bắt, tạm giữ mà không phê chuẩn quyết định tạm giam, có trường hợp không phê chuẩn cả quyết định bắt. Lý do được đưa ra là Bộ Luật Tố tụng Hình sự hiện không quy định việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với các trường hợp này.

Bộ Công an dẫn quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Điều ước quốc tế năm 2016, trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.

Do vậy, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam đối với những kẻ phạm tội ở nước ngoài rồi lẩn trốn vào Việt Nam (đặc biệt là từ các quốc gia có hiệp định về dẫn độ với Việt Nam) cần căn cứ theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Việc này vừa là nghĩa vụ của Việt Nam theo pháp luật quốc tế, vừa khẳng định thiện chí hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm của Việt Nam.

“Nếu không thực hiện đúng quy định của các hiệp định, sẽ có thể dẫn đến tranh chấp không đáng có giữa Việt Nam và các quốc gia, đồng thời, khi Việt Nam có yêu cầu tương tự sẽ không được các nước đáp ứng, dẫn đến nguy cơ bỏ lọt tội phạm” – Tờ trình Bộ Công an nêu.

Do đó, Bộ Công an cho rằng cần bổ sung quy định trong trường hợp phía nước ngoài yêu cầu áp dụng biện pháp bắt khẩn cấp để dẫn độ, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể xem xét, quyết định theo từng trường hợp cụ thể áp dụng biện pháp bắt khẩn cấp trước khi phía nước ngoài chuyển văn bản yêu cầu dẫn độ chính thức.

Tòa trả hồ sơ khi có yêu cầu dẫn độ đã thụ lý

Cũng theo Bộ Công an, Điều 39 Luật Tương trợ Tư pháp quy định trường hợp Bộ Công an nhận được văn bản của hai hoặc nhiều nước yêu cầu dẫn độ một người về cùng một tội phạm hoặc nhiều tội phạm khác nhau thì Bộ Công an chủ trì xem xét, quyết định đáp ứng yêu cầu dẫn độ cho một trong các nước yêu cầu. Đồng thời chuyển hồ sơ yêu cầu dẫn độ cho TAND cấp tỉnh xem xét, quyết định dẫn độ.

Tuy nhiên, trên thực tế, các yêu cầu dẫn độ của các nước khác nhau thường không được gửi đến Bộ Công an cùng một thời điểm. Do Bộ Công an chỉ được kiểm tra hồ sơ trong thời hạn 20 ngày, khả năng xảy ra trường hợp yêu cầu dẫn độ thứ hai được gửi đến Bộ Công an sau khi yêu cầu dẫn độ thứ nhất đã được chuyển đến TAND cấp tỉnh có thẩm quyền để thụ lý, giải quyết là rất cao.

Trong trường hợp này, Bộ Công an vẫn phải tiếp nhận và xử lý yêu cầu dẫn độ thứ hai và để bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của Luật, TAND cấp tỉnh đã thụ lý yêu cầu dẫn độ thứ nhất buộc phải trả lại hồ sơ cho Bộ Công an để xem xét, quyết định việc đáp ứng yêu cầu.

Hiện, Luật cũng chưa có quy định việc TAND trả lại hồ sơ yêu cầu dẫn độ sau khi đã thụ lý hồ sơ.

Do đó, việc bổ sung quy định trường hợp yêu cầu dẫn độ của nhiều nước đối với một người mà yêu cầu dẫn độ sau được gửi đến khi TAND có thẩm quyền đã thụ lý yêu cầu dẫn độ trước thì theo yêu cầu của Bộ Công an, TAND có thẩm quyền đó trả hồ sơ yêu cầu dẫn độ đã thụ lý để tiếp tục xem xét, quyết định là phù hợp và cần thiết.

Luật sư sao chụp tài liệu vụ án phải trả 1.500 đồng/trang A4?

Theo dự thảo, trường hợp bị can, người bào chữa (Luật sư, người đại diện của người bị buộc tội...) yêu cầu sao chụp tài liệu tại cơ quan điều tra, VKS thì sẽ phải...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGUYỄN THẢO ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN