Bộ Công an có thể có 205 tướng

Đại biểu Quốc hội cho rằng Bộ Công an đang tinh gọn bộ máy, bỏ cấp tổng cục và thay vào đó là cấp cục đặc biệt và tương đương là không có gì thay đổi.

Sáng 14-6, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội (QH) thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm phát biểu cũng như tranh luận là quy định mức trần quân hàm cấp tướng với giám đốc công an tỉnh tại điều 26 của dự thảo luật.

Bộ Công an có thể có 205 tướng - 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo: “Số lượng tướng trong lực lượng vũ trang nói chung và trong ngành công an nói riêng đã tăng rất nhiều”

Thời bình mà sao nhiều tướng thế!

Đề cập quy định vị trí chức vụ có cấp hàm tướng trong Công an Nhân dân, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng qua thực tiễn cho thấy việc thăng hàm và phong hàm cấp tướng đã và đang triển khai thực hiện theo quy định nhưng dư luận xã hội cũng có nhiều ý kiến khác nhau. "Có ý kiến cho rằng lực lượng vũ trang Việt Nam trong thời bình sao mà nhiều tướng đến thế! Đặc biệt là sau năm 2000 trở lại đây, số lượng tướng trong lực lượng vũ trang nói chung và trong ngành công an nói riêng đã tăng lên rất nhiều" - ĐB Tạo nêu.

Theo vị ĐB tỉnh Lâm Đồng, các ý kiến phản ánh đều chung suy nghĩ là phải bảo đảm uy tín, vị thế của đội ngũ tướng lĩnh, thăng hàm nhanh nhưng chất lượng là vấn đề cần suy nghĩ. Đội ngũ tướng lĩnh có công với dân, với nước luôn được suy tôn nhưng cử tri cũng băn khoăn khi có tướng lĩnh vi phạm như vừa qua.

Về cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng đối với giám đốc công an cấp tỉnh, ĐB tỉnh Lâm Đồng cho rằng nếu nhìn nhận trên mặt bằng chung với lực lượng quân sự thì có sự "vênh" nhau. Khi xảy ra chiến tranh thì chỉ huy trưởng quân sự chỉ huy thống nhất, công an chỉ tham gia phối hợp. Nhưng giám đốc công an là tướng trong khi chỉ huy trưởng chỉ đại tá dẫn đến người cấp hàm thấp chỉ huy người có cấp hàm cao thì chưa phù hợp.

"Nếu giám đốc công an có hàm cao nhất là tướng thì vấn đề đặt ra là phải sửa Luật Sĩ quan Quân đội để nâng hàm lên tướng tương ứng. Nếu sửa luật và phong hàm tướng nhiều hơn thì tôi e rằng dư luận và cử tri không đồng tình" - ông Tạo nói.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) tán thành việc ban Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Tuy nhiên, về phong quân hàm cấp tướng, vị ĐB là Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH, đề nghị quy định rõ vị trí có trần quân hàm cấp tướng. Ngoài ra, quy định rõ trong luật tổng số vị trí quân hàm cấp tướng để dư luận không băn khoăn. "Phong cấp tướng rồi điều đi chỗ khác, trống chỗ đó lại điền vào chỗ trống, dần dần các đồng chí đại tá cũng được lên thiếu tướng một cách nghiễm nhiên. Trong thực tiễn đã có việc này rồi, chính anh em trong ngành đã nói với chúng tôi về chuyện này" - ĐB Lưu Bình Nhưỡng lưu ý.

Trước ý kiến cho rằng số lượng được phong hàm cấp tướng vừa qua là nhiều, ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng cấp hàm của lực lượng công an hay quân sự thể hiện năng lực, trình độ, phẩm chất của công an và sĩ quan quân đội. "Người nào xứng đáng trình độ là tướng, khi có nhu cầu sẽ phong cấp tướng; trình độ xứng đáng cấp tá thì phong cấp tá. Còn giám đốc hay thứ trưởng là chức vụ và do cơ quan quản lý cán bộ phân công".

Theo ĐB Nguyễn Hữu Cầu, hiện nay Đảng, nhà nước đang cho Bộ Công an205 tướng, Bộ Quốc phòng 415 tướng và quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an là sửa luật cũng không làm tăng thêm quân hàm cấp tướng, vẫn là 205.

Bỏ tổng cục, phát sinh cục đặc biệt

Một nội dung cũng được nhiều ĐB quan tâm, đó là quy định về cấp Cục Đặc biệt và tương đương tại các điều 19, 26, 27 dự thảo luật.

ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho biết tại khoản 1 điều 19 quy định: "Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an và quy định Cục Đặc biệt thuộc Bộ Công an". Khoản 2 điều 27 quy định "Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ thứ trưởng Bộ Công an, Cục trưởng Cục Đặc biệt"; tại điểm c khoản 1 điều 26 quy định "Cục trưởng Cục Đặc biệt có trần quân hàm trung tướng".

ĐB Hà đề nghị không quy định Cục Đặc biệt trong cơ cấu, tổ chức của Bộ Công an trong dự thảo luật. Nếu tổ chức Cục Đặc biệt thuộc Bộ Công an và thẩm quyền bổ nhiệm Cục trưởng Cục Đặc biệt như quy định của dự thảo luật sẽ dẫn đến tình trạng "cùng là đơn vị cấp cục nhưng có cục trưởng do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, có cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm".

Còn ĐB Đặng Hoàng Tuấn (Long An) cho rằng thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, tổ chức bộ máy mới của Bộ Công an sẽ không còn cấp tổng cục. Ở đây đặt ra vấn đề Bộ Công an hiện đang đi đầu trong cả nước về đổi mới hệ thống tổ chức bộ máy tinh gọn, bỏ cấp trung gian là cấp tổng cục và tương đương.

Tuy nhiên, trong dự thảo luật lại quy định cấp Cục Đặc biệt và tương đương "thì không khéo trong dư luận cho rằng Bộ Công an đang tinh gọn bộ máy bỏ cấp tổng cục và thay vào đó là cấp Cục Đặc biệt và tương đương là không có gì thay đổi" - ĐB Tuấn nói và đề nghị ban soạn thảo cần phân tích rõ thêm nội hàm giữa Cục Đặc biệt và tương đương có gì khác so với cấp tổng cục được quy định trong Luật Công an Nhân dân năm 2014 và cấp cục như trong dự thảo luật sửa đổi.

Ngoài ra, ĐB tỉnh Long An cũng cho rằng không nên quy định Cục Đặc biệt và tương đương mà nên chuẩn hóa đơn vị cấp cục. Chỉ nên quy định sử dụng một thuật ngữ duy nhất là cấp cục và tương đương để thống nhất với nhau giữa các cục trong hệ thống tổ chức của lực lượng Công an Nhân dân. "Chức năng, nhiệm vụ của từng cục do bộ trưởng Bộ Công an quy định. Nhiệm vụ nào đặc biệt là do nội bộ, ngành công an quy định và quyết định" - ông nói.

Hôm nay, bế mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV

Kỳ họp thứ 5 QH khóa XIV bế mạc vào hôm nay (15-6).

Trong ngày làm việc cuối cùng, QH sẽ biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch; biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016"; biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập đoàn giám sát chuyên đề của QH năm 2019.

Theo dự kiến ban đầu, trong ngày làm việc cuối cùng, QH sẽ biểu quyết thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Tuy nhiên, ngày 9-6 vừa qua, Ủy ban Thường vụ QH cho biết sau khi tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ QH đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự án luật, trình QH cho phép xem xét, thông qua dự án luật này tại kỳ họp thứ 6 QH khóa XIV, theo quy trình xem xét, thông qua dự án luật tại 3 kỳ họp.

Từ năm 2019, đặt cược thể thao theo luật

Sáng 14-6, QH đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thể dục Thể thao với 93,84% ĐB tán thành. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019, trong đó bổ sung một điều quy định về đặt cược thể thao.

Theo quy định tại điều 68a, đặt cược thể thao là hình thức giải trí có thưởng mà người tham gia đặt cược thực hiện dự đoán về kết quả có thể xảy ra trong các sự kiện thể thao được sử dụng để kinh doanh đặt cược.

Kinh doanh đặt cược thể thao là hoạt động kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; doanh nghiệp kinh doanh đặt cược thể thao chỉ được hoạt động kinh doanh khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược thể thao; phải minh bạch, khách quan, trung thực, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia; đồng tiền sử dụng để đặt cược, trả thưởng là đồng Việt Nam.

Chính phủ quyết định danh mục các hoạt động thể thao được phép kinh doanh đặt cược thể thao, quy định chi tiết về kinh doanh đặt cược thể thao.

Chưa thông qua Luật đặc khu, Quốc hội kêu gọi nhân dân bình tĩnh

Quốc hội kêu gọi đồng bào và nhân dân cả nước hãy bình tĩnh, tin tưởng vào sự quyết định của Đảng, Nhà nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Duẩn (Người lao động)
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN