Bộ Công an: Có doanh nghiệp thuê người xếp hàng mua vàng SJC, bán lại kiếm lời
Hà Nội - Một số cửa hàng vàng có biểu hiện thuê người xếp hàng mua vàng bình ổn tại các chi nhánh ngân hàng rồi bán lại hưởng chênh lệch, theo Bộ Công an.
Chiều 30/6, Bộ Công an cho biết, Phòng An ninh kinh tế Công an Hà Nội xác định có 4-5 nhóm riêng biệt thuê người xếp hàng mua vàng "bình ổn" tại một số chi nhánh ngân hàng Vietcombank, Agribank và BIDV tại Hà Nội. Sau khi lấy được số xếp hàng, mua được vàng sẽ tập trung lại giao cho người đứng ra thu gom. Một số người tiếp tục đến chi nhánh ngân hàng khác để xếp hàng mua vàng.
Theo dõi đường di chuyển của các nhóm này, trinh sát xác định điểm đến của họ là các cơ sở kinh doanh vàng bạc.
Như tại một cửa hàng ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, có 4 người đi xếp hàng mua vàng ở các chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước. Ba trong số bốn người này đã mua được 4 lượng vàng mang về cửa hàng này. Tổng cộng, cửa hàng này đã mua được 14 lượng vàng SJC.
Các đơn vị chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh vàng bạc phát hiện có sai phạm. Ảnh: Bộ Công an
Hôm 17/6, Phòng An ninh kinh tế phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội lập 3 tổ công tác kiểm tra cửa hàng trên, phát hiện chồng của chủ tiệm đang mua một lượng vàng SJC của một cá nhân với giá 81 triệu đồng, thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, không hóa đơn chứng từ. Trong khi đó, cửa hàng vàng này không được cấp phép mua bán vàng miếng SJC.
Tại thời điểm nhà chức trách kiểm tra, chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ với một số mặt hàng trang sức mỹ nghệ bày bán. Tổ kiểm tra đã lập biên bản, tạm giữ tang vật vi phạm là một lượng vàng SJC và 232 nhẫn trang sức vàng, 48 nhẫn trang sức trắng.
Tương tự, khi kiểm tra cửa hàng vàng khác trên phố Hà Trung, cảnh sát phát hiện doanh nghiệp đang mua một lượng vàng SJC từ một cá nhân.
Trung tá Nguyễn Đắc Tài, Đội trưởng An ninh tiền tệ, Phòng An ninh kinh tế Hà Nội, cho biết: "Việc mua vàng với giá cao hơn ngân hàng bán ra cho thấy có hiện tượng người kinh doanh cửa hàng vàng bạc sẵn sàng chi tiền chênh lệch để mua được vàng miếng SJC, đi ngược quan điểm bình ổn thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước".
Theo ông Tài, hầu hết các cơ sở được kiểm tra đều không được cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng SJC, ngoại tệ nhưng vẫn mua với giá cao để tích trữ, sau đó bán ra với giá cao hơn, "gây bất ổn thị trường vàng".
Hành vi của các cơ sở kinh doanh vàng này đang bị xem xét xử lý.
Khách hàng chờ mua vàng tại một chi nhánh Vietcombank Hà Nội hồi đầu tháng 6. Ảnh: Minh Tuấn
Trước đó, ngày 7/6, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Công an TP Hà Nội xác minh thông tin cho rằng ngân hàng thiếu vàng để bán; tại nhiều điểm bán vàng có hiện tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng nhằm đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị cảnh sát hạn chế tình trạng một số nhóm thuê người xếp hàng mua gom vàng.
Từ đầu tháng 6, Ngân hàng Nhà nước tăng cung vàng miếng ra thị trường, thông qua việc bán vàng trực tiếp cho 4 nhà băng quốc doanh gồm Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank và SJC. Theo đó, nhà quản lý ấn định giá bán vàng miếng ra thị trường bằng cách quy định biên độ 1 triệu đồng so với giá các đơn vị này mua từ Ngân hàng Nhà nước.
Các ngân hàng chỉ thực hiện bán vàng miếng cho khách hàng cá nhân, không mua vào. Còn Công ty SJC thực hiện tất cả giao dịch như thường lệ. Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh việc bán vàng kể trên "không vì mục tiêu lợi nhuận".
Cả nước hiện có 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng như SJC, DOJI, PNJ, Mi Hồng, Bảo Tín Minh Châu, Vàng Phú Quý, Vàng Kim Ngọc Phú, Vàng bạc đá quý Ngọc Hải...
Dù NHNN khẳng định có đủ nguồn lực để bình ổn thị trường vàng nhưng nhu cầu tìm mua vàng miếng của người dân vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này làm dấy lên không ít lo ngại về mục tiêu ổn định thị trường vàng trong thời gian ngắn.
Nguồn: [Link nguồn]