Bộ Công an bắt giam thêm 7 người vụ 'chuyến bay giải cứu' liên quan việc hối lộ

Bộ Công an bắt giam thêm bảy người vụ chuyến bay "giải cứu", trong đó có các nguyên cán bộ đại sứ, nguyên cán bộ thuộc Bộ Giao thông Vận tải...

Ngày 4-12, thông tin từ Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án môi giới hối lộ xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Đồng thời, công an cũng ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với bảy bị can.

Năm trong số bảy bị can vừa bị khởi tố và bắt tạm giam. Ảnh: BCA

Năm trong số bảy bị can vừa bị khởi tố và bắt tạm giam. Ảnh: BCA

Trong số này, ba người bị bắt về tội nhận hối lộ, gồm Vũ Hồng Quang (Phó Trưởng phòng vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải), Vũ Ngọc Minh (nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola) Lý Tiến Hùng (nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, hiện là Chuyên viên Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Ba người bị bắt về tội đưa hối lộ, gồm Nguyễn Thị Hiền (Lao động tự do), Đào Minh Dương (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vijasun) và Nguyễn Thế Dũng (Giám đốc Công ty TNHH du lịch, thương mại Sang Trọng).

Bị can còn lại bị bắt về tội môi giới hối lộ là Phạm Thị Kim Ngân, Cán bộ Phòng Trị sự, Tạp chí Thanh tra - Thanh tra Chính phủ.

Đây là diễn biến tố tụng mới nhất trong quá trình điều tra vụ án tiêu cực liên quan đến các chuyến bay “giải cứu” trong khoảng thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Hiện Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Vụ án “chuyến bay giải cứu”, tính đến nay, cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố và bắt tạm giam hơn 20 bị can. Những người này gồm các lãnh đạo, cán bộ thuộc Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và giám đốc một số doanh nghiệp.

Trong đó, người giữ chức vụ cao nhất tại thời điểm bị khởi tố là ông Tô Anh Dũng, thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Nguyễn Quang Linh, Trợ lý Phó Thủ thủ tướng thường trực.

Cuối năm 2021, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, Việt Nam thực hiện các chuyến bay “giải cứu” công dân từ vùng dịch trở về quê hương.

Theo thời gian, số lượng chuyến bay “giải cứu” tăng dần, đồng thời cũng xuất hiện nhiều phản ánh về việc giá vé quá cao, thủ tục lại rườm rà, nhiều người dù rất mong muốn được trở về Việt Nam nhưng vì không đủ khả năng tài chính nên đành chấp nhận ở lại vùng dịch để chờ đợi thêm.

Tháng 1-2022, sau nhiều ngày vào cuộc xác minh, Bộ Công an “cất lưới”. Mở đầu cho vụ án tiêu cực gây chấn động dư luận, cơ quan điều tra khởi tố bốn bị can tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, cùng về tội nhận hối lộ.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, kết quả điều tra ban đầu xác định có tới gần 2.000 chuyến bay “giải cứu”. Có chuyến bay sau khi trừ các chi phí số tiền “bỏ túi” lên đến vài tỉ đồng.

Đặc biệt, vụ án xảy ra trong thời gian dài. Các bị can đối phó rất quyết liệt khiến cơ quan điều tra tương đối tốn thời gian trong công tác điều tra, xác minh vụ việc.

Tại cuộc họp báo hồi đầu tháng 7-2022, lãnh đạo cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết các bị can trong vụ án đã đưa, nhận hối lộ hàng chục tỉ đồng và hàng trăm ngàn USD. Tuy nhiên, con số đưa và nhận cụ thể bao nhiêu thì phải chờ kết quả điều tra chính thức.

Bộ Công an lần thứ 2 yêu cầu Hà Nội cung cấp thông tin liên quan các chuyến bay giải cứu

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an mới đây đã tiếp tục có văn bản yêu cầu UBND TP Hà Nội cung cấp thêm các thông tin liên quan đến vụ án "các chuyến bay giải cứu"

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyến Phan ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN