Bờ biển Hội An, Đà Nẵng te tua sau mưa bão

Sự kiện: Tin nóng

Thiên tai khắc nghiệt đã biến những bờ biển thơ mộng tại các trung tâm du lịch như Hội An, Đà Nẵng trở nên xù xì; cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề

Người dân TP Hội An (Quảng Nam) dùng cọc tre gia cố bờ kè biển Cửa Đại để hạn chế sạt lở Ảnh: Hải Định

Người dân TP Hội An (Quảng Nam) dùng cọc tre gia cố bờ kè biển Cửa Đại để hạn chế sạt lở Ảnh: Hải Định

Những ngày này, bờ biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đoạn sau UBND phường Cẩm An đến biển An Bàng dài khoảng 2 km tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng. Tại khối phố Thịnh Mỹ (phường Cẩm An), một dãy 4 ngôi nhà và 1 quán nhậu vừa bị sóng biển tàn phá tan hoang, người dân lâm cảnh trắng tay sau một đêm.

Tài sản trôi theo sóng biển

Thẫn thờ nhìn căn nhà nứt toác khắp nơi, ông Nguyễn Văn Phụng (trú tổ 4, khối phố Thịnh Mỹ) nói rằng cả cuộc đời mình sẽ không thể nào quên giây phút kinh hoàng hôm đó. Ông Phụng kể, chiều 19-10, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 5 (Nesat), sóng biển bất ngờ dâng cao tràn lên bờ. Khoảng 19 giờ cùng ngày, từng đợt sóng cao 3-4 m đập mạnh liên hồi vào tường nhà ông. Nằm trong nhà, ông nghe tiếng rung lắc, mái tôn, cột, xà ngang của căn nhà rung bần bật. Không chịu nổi sức công phá quá dữ dội của sóng biển, một mảng tường bị nước đánh nứt toác. Sóng biển thốc mạnh, đánh ngã anh trai của ông Phụng rồi cuốn phăng ra ngoài cả chục mét. "Từ năm 2020 đến nay, tôi làm bao nhiêu tiền đều bị nước biển cuốn đi mất, ước tính cả căn nhà và tài sản lên đến 4 tỉ đồng" - ông Phụng bần thần kể lại.

Sát nhà ông Phụng, ngôi nhà ở và kinh doanh nhà hàng của bà Nguyễn Thị Loan cũng bị nước biển khoét mạnh vào phần móng, tạo thành hàm ếch sâu hoắm hơn 2 m. "Người dân nay lâm vào cảnh khốn cùng, chỉ mong chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện sửa chữa nhà cửa, cơ sở để sớm ổn định cuộc sống" - bà Loan mong mỏi.

Theo người dân địa phương, tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại xảy ra cả chục năm nay. Dù chính quyền và người dân, doanh nghiệp đã đổ xuống rất nhiều tiền nhưng sạt lở vẫn chưa được khắc chế, ngày mỗi lan rộng ra khu vực phía Bắc bờ biển Cửa Đại. Trong đợt triều cường vừa qua, cách nơi nhà sập khoảng 2 km, tại khu vực bãi biển An Bàng có hàng chục nhà hàng bị ảnh hưởng. Trong một đêm, biển xâm thực khoảng 5 m, nhiều móng nhà hàng kinh doanh trôi xuống biển. Để gia cố tạm thời, người dân đành phải đóng cọc tre thành hàng dài, sau đó trải bạt rồi dùng bao cát làm bờ kè ngăn sạt lở.

Trong khi đó, tại TP Đà Nẵng, mưa lớn thời gian qua khiến bờ biển sụt lún nghiêm trọng. 10 ngày sau trận mưa ngập lịch sử hôm 14-10, bờ biển Đà Nẵng vẫn ngổn ngang. Tại bãi biển Mỹ Khê (khu vực nút giao Ngô Thì Sĩ - Võ Nguyên Giáp), hơn 20 m đường kè biển bị sụt nặng. Những mảng lớn đất, đá, gạch lát bị xé toạc. Các lớp gạch lát nền bị sóng biển bóc lên, nằm la liệt trong hố. Tại Công viên Biển Đông (quận Sơn Trà) cũng có một đoạn bờ biển dài khoảng 15 m bị sóng đánh toạc. Các loại rác, đất, đá, ống nhựa nằm khá nhiều bên bờ biển.

Tiếp tục xây đê ngầm kết hợp bơm cát chống sạt lở

Theo ghi nhận của chúng tôi, sau các đợt mưa bão vừa qua, đoạn bờ biển dài hơn 600 m (thuộc phường Cửa Đại) đã được xây dựng đê ngầm bảo vệ kết hợp bơm cát tạo bãi vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn. Điều này cho thấy giải pháp này đang phát huy hiệu quả. Ông Võ Văn Điềm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh đang xúc tiến các thủ tục để tiếp tục triển khai xây đê ngầm kết hợp bơm cát tạo bãi đối với 550 m kế tiếp và hơn 3 km ở khu vực phía Nam bờ biển Cửa Đại. Riêng khu vực phường Cẩm An, UBND TP Hội An đang triển khai dự án nhưng do một số cán bộ liên quan bị bắt vì vi phạm về đấu thầu nên công trình "đứng bánh" suốt nhiều tháng nay.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết sau khi nắm được thông tin sạt lở bờ biển tại phường Cẩm An gây sập nhà dân, ông đã trực tiếp đến kiểm tra hiện trường và yêu cầu chính quyền phường khẩn trương sơ tán người dân trong vùng ảnh hưởng đến nơi an toàn. TP Hội An cũng cho gia cố tạm thời một số đoạn sạt lở khi mùa mưa bão còn tiếp diễn để chờ dự án chống sạt lở căn cơ hơn của tỉnh Quảng Nam.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP Đà Nẵng, mưa lớn khiến khu vực bán đảo Sơn Trà bị sạt lở tổng cộng 21 điểm lớn nhỏ, ảnh hưởng lớn đến giao thông và du lịch của khu vực. Đặc biệt, nước mưa đổ về đột biến vào đêm 14-10 khiến dòng kênh dọc đường Trần Nguyên Hãn (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) sạt lở nghiêm trọng, gây chia cắt giao thông tại nút giao Trần Nguyên Hãn - Hoàng Sa, Lê Văn Lương - Hoàng Sa. Đây là tuyến đường trọng yếu dẫn lên bán đảo Sơn Trà. Hiện thành phố đã chỉ đạo cho các đơn vị tập trung lực lượng để khắc phục các điểm sạt lở nêu trên. 

Đường lên bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng) bị sạt lở hết sức nặng nề sau đợt mưa lịch sử hôm 14-10 Ảnh: Hải Định

Đường lên bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng) bị sạt lở hết sức nặng nề sau đợt mưa lịch sử hôm 14-10 Ảnh: Hải Định

Đà Nẵng kiến nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư 3 dự án 1.180 tỉ đồng

Tại buổi thị sát, kiểm tra tình hình khắc phục mưa lũ tại Đà Nẵng hôm 19-10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các lực lượng nhanh chóng khắc phục sạt lở nhằm khôi phục giao thông, bảo đảm cảnh quan, du lịch của địa phương. UBND TP Đà Nẵng đã kiến nghị đến Trung ương xin hỗ trợ đầu tư 3 dự án gồm: dự án kiên cố hóa đường Hoàng Sa - khu vực bán đảo Sơn Trà (khái toán kinh phí 500 tỉ đồng); dự án chống ngập nước khu vực sân bay quốc tế Đà Nẵng (khái toán 500 tỉ đồng); dự án đầu tư, gia cố hệ thống kè dọc tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Trường Sa - Võ Nguyên Giáp (khái toán kinh phí 180 tỉ đồng).

Nguồn: [Link nguồn]

Tang thương hàng trăm ngôi mộ ở nghĩa trang lớn nhất Đà Nẵng bị mưa lũ cuốn trôi, đất đá vùi lấp

Sáng ngày 16/10, hàng trăm người dân TP Đà Nẵng kéo lên nghĩa trang Hòa Sơn (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đau lòng, xót xa khi mồ mả của thân nhân đã bị cuốn trôi, vùi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Định - Trần Thường ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN