Bình Thuận lý giải vì sao phải lấy hơn 600 ha rừng làm hồ Ka Pét
Trước nhiều thông tin trái chiều xung quanh việc khai thác, chuyển đối hơn 600 ha đất rừng để làm hồ chứa nước Ka Pét, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức họp báo chính thức vào 14 giờ chiều nay, 7-9
Chiều 7-9, ông Dương Văn An - Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận - chủ trì họp báo thông tin về chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam.
Buổi họp báo bắt đầu lúc 14 giờ
Phát biểu mở đầu buổi họp báo, ông Dương Văn An, Bí thư tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, cho biết tỉnh sẵn sàng tiếp thu ý kiến của phóng viên, dư luận, các nhà khoa học đối với dự án hồ chứa nước Ka Pét. Nếu dự án có điều bất cập cần điều chỉnh thì tỉnh Bình Thuận sẽ nghiên cứu, tiếp thu các góp ý, đóng góp.
Ông Dương Văn An, Bí thư tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận phát biểu mở đầu họp báo
Ông An một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của dự án trong việc cung cấp, điều tiết nước cho nhiều vùng khô hạn tại Bình Thuận. Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, cho biết tổng diện tích đất dự án là 697,73 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 679,72 ha (đất có rừng là 619,58 ha, gồm: rừng đặc dụng là 137,95 ha; rừng phòng hộ là 0,51 ha; rừng sản xuất là 440,4 ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha và đất không có rừng 60,14 ha); diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01 ha.
Cuộc họp báo đang được diễn ra
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An khẳng định vai trò quan trọng của hồ chứa nước Ka Pét trong việc cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô với khoảng 2,63 triệu m²/năm cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II và tạo nguồn nước thô để phục vụ sinh hoạt của 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam, TP Phan Thiết.
Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận thông tin về dự án
Hồ Ka Pét còn có vai trò phòng chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua TP Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của địa phương.
Bên trong vùng dự án
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, dự án hồ chứa nước Ka Pét là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội quyết định và quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 93/2019/QH14 ngày 26-11-2020 và Nghị quyết 101/2023/QH15 ngày 24-6-2023. Quy mô hồ Ka Pét gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ Wtb = 51,21 triệu m³, dung tích hữu ích Whi = 47,41 triệu m³, dung tích chết Wc = 3,8 triệu m³; hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác.
Rất đông phóng viên báo chí tham gia cuộc họp báo
Tổng mức đầu tư và nguồn vốn của dự án là 874,089 tỉ đồng, gồm ngân sách trung ương 519,927 tỉ đồng và ngân sách địa phương 354,162 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến hết năm 2025.
Một góc rừng bên trong dự án nhìn từ trên cao
Liên quan thông tin về khu rừng hơn 600 ha sẽ được khai thác, chuyển đổi để làm dự án hồ chứa nước Ka Pét, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã thông tin về diện tích các loại rừng sẽ khai thác.
Cụ thể, tổng diện tích đất dự án là 697,73 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 679,72 ha (đất có rừng 619,58 ha, gồm: rừng đặc dụng 137,95 ha; rừng phòng hộ 0,51 ha; rừng sản xuất 440,4 ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha và đất không có rừng 60,14 ha); diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01 ha.
Khu vực dự kiến chặn dòng tại sông Bà Bích để tích trữ nước.
Tổng diện tích phải trồng rừng thay thế theo Điều 21 Luật Lâm nghiệp là 1.844,54 ha. UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định 3263/QĐ-UBND ngày 30-12-2020 về việc phê duyệt phương án trồng rừng thay thế (đợt I) với diện tích 434,22 ha (cho 144,74 ha rừng tự nhiên).
Đối với phần diện tích cần trồng rừng thay thế còn lại (1.410,32 ha), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận đang rà soát để mở rộng thêm vị trí trồng rừng thay thế bổ sung, đảm bảo diện tích trồng rừng thay thế của dự án.
Đoàn kiểm tra của Sở NN-PTNT Bình Thuận vào khu vực rừng làm dự án để kiểm tra vị trí một số gỗ quý "nằm ngoài dự án" nhưng thông tin trên mạng đưa chưa đúng
Theo báo cáo ngày 10-6-2023 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đã có 77 lượt đại biểu Quốc hội góp ý tại tổ và 11 lượt ý kiến góp ý tại hội trường về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét.
Ngoài Khu bảo tồn thiên nhiên núi Ông và Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Koú, các đại biểu cho rằng nên gắn việc trồng rừng thay thế với tạo việc làm cho người dân địa phương, có thể trồng rừng thay thế trên diện tích quy hoạch rừng sản xuất...
Vì sao phải chọn vị trí này để xây dựng hồ?
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi vì sao phải chọn vị trí hiện tại có nhiều rừng để làm hồ thủy lợi, ông Nguyễn Công Thành - Viện Đào tạo và Khoa học ứng dụng Miền Trung (đơn vị tư vấn), cho biết căn cứ đặc điểm địa hình Bình Thuận trên toàn bộ vùng dự án khảo sát thì chỉ có 2 điểm có thể đáp ứng được các điều kiện để triển khai dự án hồ chứa nước Ka Pét.
Trong đó, Phương án vị trí 1: Có lưu vực sinh thủy lớn (136km2) nên nguồn nước dồi dào hơn nhưng khi xây dựng hồ tại vị trí này thì toàn bộ khu canh tác 127ha của đồng bào xã Mỹ Thạnh (đây là khu canh tác sản xuất chính của bà con), cầu Bà Bích và 3,5km đường Quốc lộ 1 - Mỹ Thạnh sẽ bị ngập trong lòng hồ. Do vậy cần làm đoạn đường tránh đi theo ven lòng hồ phía Đông có chiều dài khoảng 7,5km. Ngoài ra còn ngập khoảng 620 ha đất rừng (trong đó có khoảng 25 ha rừng đặc dụng, còn lại là rừng sản xuất). Mặt khác, để tạo ra được hồ có dung tích trên 51 triệu m3 thì phải xây dựng tuyến đập dài 550m và chiều cao đập tới 32 m nên chi phí đầu tư sẽ rất lớn.
Ông Nguyễn Công Thành - đại diện đơn vị tư vấn là Viện Đào tạo và Khoa học ứng dụng Miền Trung trả lời
Phương án vị trí 2 (phương án chọn hiện nay): Có lưu vực sinh thủy 95,5km, để tạo ra được hồ có dung tích trên 51 triệu m3 thì chiều dài tuyến đập chỉ khoảng 179m và chiều cao đập khoảng 28,5m. Ưu điểm vượt trội của phương án này là không gây ngập khu đất canh tác 127ha của đồng bảo xã Mỹ Thạnh, không ảnh hưởng đến cầu Bà Bích và đường Quốc lộ - Mỹ Thạnh. Do tuyến đập chính ngắn hơn, chiều cao thấp hơn, không phải đền bù đất nông nghiệp và không phải làm đoạn đường tránh nên chi phí thấp hơn nhiều so với phương án 1. Phương án này chỉ có nhược điểm lớn nhất là gây ngập 618,73 ha đất rừng.
Qua phân tích, so sánh hai phương án tuyến về cả kinh tế và kỹ thuật cho thấy phương án vị trí 2 là phương án có ưu điểm nổi trội. Vì vậy nên chọn phương án vị trí 2 làm vị trí xây dựng hồ chứa nước Ka Pét là phù hợp với các quy hoạch hiện nay, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân địa phương đồng thời đây cũng là phương án tối ưu về cả kinh tế lẫn kỹ thuật.
Tiếp tục trả lời vì sao không nâng cấp, cải tạo từng hồ nhỏ mà phải làm hồ Ka Pét tới 51 triệu m3 để có nguy cơ mất 1 diện tích lớn rừng tự nhiên, ông Thành cho rằng lưu vực tạo nguồn nước cho hồ không có, vùng thu nước lớn không đảm bảo để xây dựng, cải tạo hồ.
Thứ hai, cải tạo hồ thì ngoài nguồn nước còn an toàn hồ chứa, nâng cấp đập, tràn xả lũ và một số việc an toàn công trình khác.
Việc kết nối các hồ nhỏ với nhau thì phải phụ thuộc điều kiện địa hình. Chỉ có kết nối các hồ ở vùng cao xuống vùng thấp. Vì vậy phải chọn hồ Ka Pét trên cao, khi xây dựng xong sẽ kết nối với các hồ, công trình phía dưới thì dự án mới phát huy được hiệu quả.
Bà Hoàng Thị Kha - Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh
Người dân trong xã cần nước để sản xuất nông nghiệp!
Bà Hoàng Thị Kha, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh, cho biết trong 283 hộ dân trong xã có khoảng 200 hộ là nghèo và cận nghèo. Kinh tế đời sống phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng nước tưới thiếu nên rất khó khăn.
"Về tham vấn cộng đồng, UBND xã đã lấy ý kiến của cộng đồng dân cư về ảnh hưởng của hồ Ka Pét. Đa số bà con đồng thuận và ủng hộ triển khai dự án" - bà Kha nói. Theo bà Kha, dưới lòng hồ có khu vực lăng Cậu nên khi triển khai dự án cần bố trí kinh phí, tạo điều kiện để di dời.
Ông Lê Thanh Sơn - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận tại cuộc họp báo
Sẽ khai thác chặt chẽ, kiên quyết không xâm phạm ngoài ranh giới dự án
Theo ông Lê Thanh Sơn - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, sau khi được thẩm định và hoàn tất các thủ tục thì sẽ lập phương án khai thác rừng trong khu vực dự án. Sẽ điều tra đánh giá từng cây từ 10 cm trở lên. Cơ quan chức năng xác định trữ lượng lâm sản rồi sẽ đấu giá để khai thác. "Chúng tôi tính khu nào cần thiết sẽ tính toán bán đấu giá trước, bàn giao mặt bằng xây lòng hồ trước. Phần còn lại sẽ bán đấu giá cuốn chiếu.
Về giám sát quản lý thì Sở sẽ có trách nhiệm bàn giao giám sát ranh giới dự án theo kết quả đấu giá. Còn bên ngoài dự án nếu khai thác xâm hại qua bên ngoài sẽ xử lý ngay. Chúng tôi sẽ đánh dấu bằng xịt sơn, căng dây hiện trường để tránh lần qua vào dự án. Khai thác chặt chẽ, đảm bảo, vận chuyển nghiệm thu rừng trong khu vực dự án" - ông Sơn nói.
Vì sao xây dựng hồ Ka Pét trước?
Ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, cho rằng Bình Thuận còn 12 hồ chứa quy hoạch xây dựng trong tương lai. Tuy nhiên, đa số là các hồ nhỏ, chỉ có hồ Ka Pét và hồ La Ngâu là có diện tích lớn.
Ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận trả lời tại họp báo
“Chúng tôi chọn xây dựng hồ Ka Pét trước vì để đảm bảo mạng lưới hồ chứa cung cấp nước cho hạ lưu. Huyện Hàm Thuận Nam là vùng khô hạn, thủy lợi chỉ mới đáp ứng tưới 15% diện tích nông nghiệp. Còn nhiều đất nông nghiệp bỏ hoang, nên phải cấp thiết đầu tư. Nhiều xã xung quanh dự án Ka Pét hàng năm không có nước. Một tháng mùa khô chỉ tưới thanh long 1 phiên nước cho cây sống, chứ khó cho cây ra quả thanh long vì không đủ nước. Vì vậy phải tập trung đầu tư Ka Pét để giải quyết khô hạn cho Hàm Thuận Nam” - ông Phước nói.
Phát biểu kết luận buổi họp báo, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết đây là dự án đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông khẳng định nước cũng là tài nguyên, rừng cũng là tài nguyên. Giữ nước hay rừng cũng là để cho dân. "Mất rừng thì chắc chắn ai cũng tiếc, bản thân tôi cũng vậy. Nhưng chúng ta không để cho người dân khốn đốn vì thiếu nước. Vào mùa khô những cánh đồng nứt nẻ, vườn thanh long thì khô héo" – ông Hải phát biểu.
Nguồn: [Link nguồn]
Trước thông tin báo chí phản ánh về việc chuẩn bị chuyển mục đích sử dụng hơn 600 ha đất rừng để làm dự án hồ thuỷ lợi Ka Pét, Bộ NN&PTNT đã thành lập đoàn công tác...