Bình Thuận "chọn" nơi đổ bùn Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống biển
Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Ngọc Linh cho biết vị trí được chọn để “đổ” bùn Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống là do tỉnh Bình Thuận quy hoạch và bộ TN-MT đã đánh giá tác động tác động môi trường ở khu vực này.
Ngày 4-7, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Nguyễn Ngọc Linh đã có trao đổi về việc cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (chủ đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1) nhận chìm hơn 918.500 m3 bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Hệ sinh thái của Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Cau khó tránh bị ảnh hưởng trước quyết định cho phép nhấn chìm bùn, chất rắn - Ảnh: Lê Trường
Ông Linh cho biết vị trí được chọn để "đổ" bùn xuống là do tỉnh Bình Thuận quy hoạch. Dựa trên quy hoạch tỉnh Bình Thuận đề xuất, Bộ TN-MT cũng đã đánh giá tác động tác động môi trường ở khu vực này vào thời điểm 2014. Sau đó, đến thời điểm chuẩn bị cho công tác nhận chìm, phía địa phương tiếp tục đưa hồ sơ lên Bộ TN-MT để bộ thẩm định lại.
"Chúng tôi đã kiểm tra lại và cũng đã đi tìm những điểm khác nhưng những điểm khác đó không đảm bảo các điều kiện về môi trường. Ở Hòn Cau có những đặc điểm rất đặc biệt, cao hơn 5-10 m, đi qua một cái gò rồi xuống độ sâu 26,1 m và chảy ra biển"- ông Linh nói.
Về việc kiểm soát các hoạt động đổ thải xuống biển, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Ngọc Linh cho rằng việc kiểm soát sẽ do bộ "cắm" người ở đó thường xuyên. Ngoài ra, cộng đồng dân cư, các cơ quan quản lý môi trường và Hội Nghề cá cũng sẽ tham gia giám sát.
Liên quan đến quy hoạch chung về sử dụng biển, ông Linh cho biết hiện các kế hoạch sử dụng biển đang trình Chính phủ và Chính phủ sẽ trình Quốc hội. Quốc hội sẽ thông qua và sau khi có quy hoạch sử dụng biển cả nước, Bộ TN-MT sẽ có quy hoạch chi tiết từng khu vực một.
UBND TP Hà Nội đã ra quyết định xử phạt 5 cơ sở xả thải trực tiếp gây ô nhiễm kênh La Khê (Hà Đông) hơn 1 tỉ đồng.