Bình Thuận: 13 dự án điện mặt trời, điện gió xây dựng trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia
Có ba nhà máy điện mặt trời không đáp ứng đủ điều kiện được hưởng giá bán điện từ 7,09 UScent đến 9,35 UScent/kWh.
Ngày 25-12, Thanh tra Chính phủ ra thông báo công khai kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Nhà máy điện mặt trời Hồng Liêm 3.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu phục vụ việc xem xét, điều tra xử lý theo quy định pháp luật chín vụ việc.
Trong đó có việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời, điện gió trên đất Quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia, Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan tại tỉnh Bình Thuận.
Kết luận nêu: Việc Bộ TN&MT có các văn bản hướng dẫn UBND tỉnh Bình Thuận xây dựng dự án trên khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, thời gian dự trữ khoáng sản... là không có cơ sở.
Tham mưu Thủ tướng Chính phủ về việc chọn địa điểm xây dựng dự án Nhà máy điện gió Đại Phong, Nhà máy điện gió Hồng Phong 1 trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ “Cho phép UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị điều chỉnh các quy hoạch liên quan…” trong khi chưa có Nghị định về quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ là không đúng quy định.
Từ tham mưu nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo các bộ ngành, UBND tỉnh Bình Thuận xem xét để thực hiện các dự án trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia, tỉnh Bình Thuận. Trách nhiệm thuộc về Bộ TN&MT.
Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 13 dự án điện mặt trời và điện gió đã đầu tư xây dựng trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia, trong đó: Nhà máy ĐMT Hồng Liêm 3 xây dựng trên đất hoạt động khoáng sản; Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 còn xây dựng trên 40,57 ha rừng, đến thời điểm thanh tra chưa thực hiện xong việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Thi công nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2.
Theo giải trình của UBND tỉnh Bình Thuận, dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án và UBND tỉnh đã phê duyệt Phương án trồng rừng thay thế.
Công ty cổ phần Năng lượng Hòa Thắng đã nộp Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bình Thuận số tiền 10,359 tỷ đồng theo phương án phê duyệt.
Việc để cho các nhà máy xây dựng trên đất mặt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia là không có cơ sở pháp luật. Trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Bình Thuận.
Việc UBND tỉnh Bình Thuận cho 7 doanh nghiệp được thuê đất 50 năm với mục đích xây dựng công trình năng lượng là không có cơ sở pháp luật. UBND tỉnh Bình Thuận cho Công ty cổ phần điện gió Hồng Phong 1 thuê 14,75 ha đất, thời hạn sử dụng đất là 5 năm; cho Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình thuê 6,15 ha đất, thời hạn sử dụng đất là 5 năm để đầu tư xây dựng Dự án là thực hiện không đúng quy định.
“Trường hợp nhà đầu tư chuyển nhượng dự án/cổ phần dự án cho nhà đầu tư nước ngoài thì sẽ khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản, phức tạp trong việc bồi thường khi thu hồi đất để khai thác khoáng sản... “, kết luận nêu.
Công ty cổ phần điện Mặt Trời đã khởi công Nhà máy điện mặt trời Phong Phú, đường dây điện và ngăn lộ mở rộng trên diện tích 56,32 ha trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thuê đất, bàn giao đất trên thực địa (46,6 ha được cho thuê đất sau ngày khởi công và 9,73 ha đến thời điểm thanh tra chưa được cho thuê đất) là hành vi chiếm dụng đất, hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013.
Mặc dù chưa được UBND tỉnh Bình Thuận cho thuê đất, nhưng Công ty TNHH Điện Mặt Trời Trường Lộc Bình Thuận chiếm dụng 48,31 ha đất trong thời gian 1 năm 7 tháng, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đại Phong chiếm dụng15,49 ha trong thời gian 2 năm 2 tháng, Công ty cổ phần điện gió Hồng Phong 1 chiếm dụng 14,75 ha đất trong thời gian 7 tháng, Công ty cổ phần Năng lượng Hồng Phong 1 chiếm dụng 195,04 ha đất trong thời gian 1 năm 2 tháng, Công ty cổ phần Năng lượng Hồng Phong 2 chiếm 119,72 ha đất trong thời gian 1 năm 4 tháng để xây dựng các nhà máy điện là vi phạm hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013. Trách nhiệm thuộc về các chủ đầu tư dự án…
Việc để các doanh nghiệp thực hiện đầu tư xây dựng các nhà máy điện mặt trời, điện gió trên đất quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia khi chưa có ý kiến cho phép của Thủ tướng Chính phủ, chưa được thuê đất. Ngoài trách nhiệm của các chủ đầu tư dự án, trách nhiệm quản lý đất đai thuộc về UBND tỉnh Bình Thuận và các địa phương có liên quan.
Đối với Nhà máy điện mặt trời Hồng Liêm 3, đến ngày 31-12-2020 chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, theo quy định thì không đáp ứng đủ điều kiện được hưởng giá bán điện 7,09 UScent/kWh.
Nhà máy ĐMT Hồng Phong 1A và Nhà máy ĐMT Hồng Phong 1B vận hành thương mại ngày 8-6-2019, nhưng đến ngày 30-6-2019, hai công ty này chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thuê đất thì không đáp ứng đủ điều kiện được hưởng giá điện 9,35 UScent/kWh. Trách nhiệm thuộc về các chủ đầu tư dự án.
Việc công nhận ngày vận hành thương mại, đưa 12/13 dự án vào sử dụng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư (kết luận công trình đủ điều kiện để đưa vào sử dụng và sẵn sàng bán điện) là vi phạm. Trách nhiệm thuộc về Công ty Mua bán điện, EVN, các chủ đầu tư dự án…
Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời không đúng quy định, cao gấp nhiều lần so với quy hoạch dẫn đến mất cân đối giữa nguồn và lưới, cơ cấu nguồn...
Nguồn: [Link nguồn]