Bình Định: Đi 1,4 km đường BOT, phải trả phí 40,6 km!
Tại Bình Định, nhiều người dân địa phương cũng rất bức xúc khi hằng ngày chỉ đi trên đoạn đường 1,4 km được đầu tư bằng hình thức BOT nhưng phải trả phí cho cả đoạn đường dài 40,6 km.
Năm 2013, dự án nâng cấp, mở rộng QL1 BOT đoạn Km 1212+400 - Km 1265 Nam Bình Định - Phú Yên với tổng mức đầu tư khoảng 2.045 tỉ đồng, do liên danh Công ty CP Đầu tư Năng lượng Xây dựng Thương mại Hoàng Sơn (trụ sở tỉnh Hòa Bình) và Công ty CP Đầu tư Kiến Hoàng (trụ sở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) làm chủ đầu tư, được chính thức triển khai thực hiện.
Tổng chiều dài toàn tuyến dự án 40,6 km, trong đó điểm đầu tại Km 1212+400 thuộc phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định và điểm cuối dự án tại Km 1265 thuộc huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
Dự án BOT Nam Bình Định - Phú yên vừa đưa vào hoạt động chưa lâu đã hư hỏng, xuống cấp
Đến ngày 9-5-2016, Công ty TNHH BOT Bình Định – đơn vị đại diện liên danh 2 nhà đầu tư trên chính thức tổ chức thu phí hoàn vốn dự án với mức thu từ 35.000 đồng đến 200.000 đồng/lượt, tùy loại xe. Địa điểm được chọn đặt trạm thu phí tại Km 1212 +500 đoạn thuộc phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn; cách điểm đầu dự án 100m.
Do địa điểm đặt trạm thu phí "quá nghiệt" nên nhiều phương tiện từ các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn và TP Quy Nhơn đi ra phía Bắc tỉnh Bình Định dù chỉ đi trên tuyến BOT này với đoạn đường 1,4km nhưng đều phải trả nguyên vé thu phí làm đường toàn tuyến 40,6km.
Cụ thể, khoảng cách tại điểm giao nhau giữa QL19 – QL1 (Km 1213 + 800) đến điểm đầu thực hiện dự án BOT Nam Bình Định - Phú Yên (Km 1212 + 400) dài chỉ 1,4km. Vậy nhưng để muốn đến thị xã An Nhơn hoặc các huyện phía Bắc tỉnh, các phương tiện từ TP Quy Nhơn hoặc ở các huyện Vịnh Thạnh, Tây Sơn dù đi trên QL 19 nhưng buộc phải qua trạm thu phí BOT Nam Bình Định nằm ngay điểm đầu dự án.
"Lâu nay, anh em tài xế taxi đi ra sân bay Phù Cát đều theo cung đường QL 19 đến cầu Bà Di rồi quẹo sang QL 1. Mỗi chuyến đi, chỉ dính đoạn đường dự án BOT Nam Bình Định 1,4km (từ ngã tư cầu bà Di đến điểm đầu dự án nằm bên cạnh trạm thu phí) nhưng vẫn phải trả nguyên vé phí cầu đường, tức trả cho kinh phí nhà đầu tư làm tuyến đường 40,6km. Biết vô lý như vậy, nhưng họ đặt trạm thu phí ở chỗ quá nghiệt nên không thể nào thoát mua vé được" – một tài xế taxi ngụ TP Quy Nhơn, bức xúc.
Nhiều người cho rằng do điểm đặt trạm thu phí BOT Nam Bình Định "quá nghiệt" nên dù chỉ đi 1,4km trên tuyến đường này vẫn phải trả phí làm đường 40,6km
Không chỉ mất phí oan, nhiều người còn bức xúc khi tuyến BOT Nam Bình Định vừa đưa vào sử dụng chưa lâu đã nhanh chóng xuống cấp. Cụ thể, sau vài tháng triển khai thu phí, cuối năm 2016, tuyến đường này xuất hiện hàng loạt ổ voi, ổ gà, nhất là đoạn đi qua địa bàn huyện Tuy Phước, TP Quy Nhơn.
Vài tháng sau, các điểm hư hỏng trên được sửa chữa, khắc phục. Tuy nhiên, việc sửa chữa theo kiểu "lấy lệ" đã làm cho tuyến đường này hiện chi chít các điểm vá gồ ghề rộng từ 1-4 m2, cao hơn nhiều mặt đường cũ, khiến phương tiện qua lại khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
"Tôi đã đi nhiều nhưng chưa thấy đoạn đường nào nhanh xuống cấp như tuyến BOT Nam Bình Định – Phú Yên. Đường mới làm nhưng điểm vá gồ ghề dày đặc, mỗi khi đi qua chiếc xe cứ nhảy như ngựa làm tài xế sốc hết cả ruột gan" - anh Nguyễn Quốc Khánh, lái xe đầu kéo chuyên chạy tuyến đường dài Bắc – Nam, nhận xét.
Dù Bộ GTVT cho phép thu phí trở lại nhưng sáng 21-8, trạm thu phí Cai Lậy vẫn còn xả trạm.