Biểu tình Thái Lan: Nguy cơ bất ổn lan rộng

Người biểu tình tiếp tục chiếm giữ trụ sở các cơ quan chính phủ và tuyên bố sẽ tiếp tục cho đến khi chính phủ sụp đổ.

Ngày 26/11, người lãnh đạo biểu tình Thái Lan Suthep Thaugsuban tuyên bố sẽ không chấm dứt các cuộc tuần hành trên đường phố cho đến khi giải tán được đảng phái chính trị của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Năm 2010, ông Suthep trên cương vị là Phó Thủ tướng đã chỉ đạo cuộc đàn áp đẫm máu của quân đội Thái Lan vào người biểu tình ủng hộ ông Thaksin, và giờ đây ông này tiếp tục kêu gọi cả đất nước Thái Lan nổi dậy để hạ bệ chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra, em gái của cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin.

Biểu tình Thái Lan: Nguy cơ bất ổn lan rộng - 1

Thủ tướng Yingluck Shinawatra kêu gọi người dân Thái Lan kiềm chế

Phát biểu trước người biểu tình tại Bangkok tối ngày hôm qua, ông Suthep kêu gọi họ tiếp tục chiếm giữ các cơ quan chính phủ: “Nếu họ không còn bộ nào hay quan chức nào làm việc nữa thì chính phủ sẽ sụp đổ. Nếu không ai đứng ra biểu tình, chúng ta sẽ trở thành nô lệ cho hệ thống của Thaksin vĩnh viễn.”

Ngày 27/11, bà Yingluck và các nghị sĩ đảng Pheu Thai cầm quyền tuyên bố sẽ bảo vệ chính sách của mình trước quốc hội trước các cáo buộc quản lý kinh tế yếu kém, tham nhũng và tìm cách thông qua đạo luật ân xá dọn đường cho sự trở về của ông Thaksin. Ngày mai quốc hội Thái Lan sẽ tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ của bà Yingluck.

Các cuộc tuần hành bắt đầu từ cách đây một tháng chống lại đạo luật ân xá do chính phủ đề xuất nhằm miễn tội “tham nhũng” cho ông Thaksin. Phe biểu tình cáo buộc chính phủ của bà Yingluck lợi dụng quyền đa số trong quốc hội để “phá hoại rường cột quốc gia” và phớt lờ thiểu số.

Phe đối lập của ông Thaksin cáo buộc ông này không tôn trọng hoàng gia và lợi dụng các cơ quan chính phủ để tấn công các đối thủ chính trị khi ông còn là Thủ tướng Thái Lan. Ông này đã phải ra nước ngoài tị nạn sau khi bị quân đội lật đổ vào năm 2008.

Sau cuộc chính biến, tòa án đã giải tán 2 đảng chính trị có liên quan đến ông Thaksin và cấm 200 đồng minh chính trị của ông đảm nhiệm chức vụ trong 5 năm. Tuy nhiên đến năm 2011, đảng Pheu Thai của bà Yingluck đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội và đứng ra thành lập chính phủ mới.

Biểu tình Thái Lan: Nguy cơ bất ổn lan rộng - 2

Hàng trăm ngàn người đổ ra đường phố Bangkok đòi lật đổ chính phủ

Hồi tháng 10, ông Suthep đã rút khỏi đảng Dân chủ đối lập để lãnh đạo phong trào biểu tình chống chính phủ. Ông Suthep và cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva thuộc đảng Dân chủ đang phải đối mặt với các cáo trạng giết người sau khi ra lệnh cho quân đội nổ súng giải tán người biểu tình năm 2010 khiến 90 người thiệt mạng.

Sau khi dẫn đầu người biểu tình chiếm giữ trụ sở Bộ Tài chính và nhiều cơ quan chính phủ quan trọng khác, ông Suthep tuyên bố: “Chúng tôi sẽ dựng lên một quốc hội của người dân với đại diện đến từ mọi thành phần trong xã hội”, tuy nhiên ông này bác bỏ khả năng ông hoặc Abhisit sẽ lãnh đạo chính phủ mới.

Theo nhà nghiên cứu Michael Montesano thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore thì cuộc biểu tình hiện nay vẫn còn thiếu các lực lượng hậu thuẫn có đủ ý chí và khả năng để nhanh chóng lật đổ. Tuy nhiên ông Montesano cũng nhận định: “Nếu tình trạng bất ổn lan rộng, chúng ta sẽ chờ xem các lực lượng này sẽ khoanh tay đứng nhìn được bao lâu.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo Bloomberg) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN