Biểu tình Hong Kong: Thế tiến thoái lưỡng nan của TQ

Dù cuộc biểu tình có đi đến đâu đi chăng nữa, người dân Hong Kong đã cất tiếng nói mạnh mẽ với Trung QUốc rằng “luật chơi đã thay đổi”.

Những cuộc biểu tình đòi dân chủ rầm rộ đang diễn ra ở Hong Kong hiện nay đã đẩy chính phủ Trung Quốc vào một tình thế chính trị “tiến thoái lưỡng nan”.

Biểu tình Hong Kong: Thế tiến thoái lưỡng nan của TQ - 1

Trung Quốc đang bị đẩy vào thế "tiến thoái lưỡng nan" trong cuộc biểu tình ở Hong Kong

Bắc Kinh không thể đàn áp quá mạnh đối với một phong trào biểu tình được dư luận thế giới theo dõi sát sao, nhưng họ vẫn quyết tâm giải tán biểu tình thật nhanh chóng để không gây ra hiệu ứng “domino” ở ngay trong nước. Kết quả là hầu hết những tin tức, hình ảnh về cuộc biểu tình ở Hong Kong đều không xuất hiện trên truyền thông và mạng xã hội Trung Quốc.

Trong ngày 29/9, cuộc “cách mạng ô” – từ ngữ được truyền thông nước ngoài sử dụng để mô tả cuộc biểu tình hiện nay ở Hong Kong – đã lan rộng ra khỏi khu trung tâm với đông người biểu tình tham gia hơn, bất chấp nỗ lực đàn áp của cảnh sát chống bạo động.

Biểu tình Hong Kong: Thế tiến thoái lưỡng nan của TQ - 2

Người dân Hong Kong sử dụng ô để chống lại hơi cay của cảnh sát

Gọi là “cách mạng ô” bởi ngày càng có nhiều người biểu tình tự trang bị cho mình một vũ khí phòng thủ lợi hại là chiếc ô để chống lại súng xịt hơi cay và đạn hơi cay của cảnh sát. Bảo vệ cho họ là bộ áo mưa mỏng cho kín người và những chiếc kính bảo hộ, khẩu trang chống hơi cay.

Ông Zhang Lifan, nhà phân tích chính trị ở Bắc Kinh nhận định: “Nhà cầm quyền Trung Quốc không muốn nhìn thấy biểu tình lan đến đại lục. Cuộc biểu tình đã gây sức ép khủng khiếp cho Bắc Kinh, bởi họ đang rất lo lắng về hiệu ứng domino”.

Biểu tình Hong Kong: Thế tiến thoái lưỡng nan của TQ - 3

Trung Quốc đang rất lo lắng về nguy cơ lan tỏa theo hiệu ứng domino

Bắc Kinh bị đẩy vào thế khó, bởi họ sẽ không đồng ý với bất kỳ hình thức thỏa hiệp nào về cải cách chính trị ở Hong Kong, nhưng họ cũng không hề muốn đổ máu. Tuy vậy, ông Zhang cho hay Trung Quốc chắc chắn sẽ sử dụng vũ lực “ở mức cần thiết” để đảm bảo ổn định.

Hôm qua, tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc đã đăng bài bình luận cho rằng Bắc Kinh cần phải điều lực lượng cảnh sát quân sự, một bộ phận của quân đội Trung Quốc, tới Hong Kong để “đàn áp nổi loạn”, và bài viết này đã bị gỡ sau đó ít lâu. Tại Hong Kong, Trưởng đặc khu Leung Chun-ying cũng lên tiếng bác bỏ tin đồn về sự can thiệp của quân đội Trung Quốc đồn trú ở đây.

Biểu tình Hong Kong: Thế tiến thoái lưỡng nan của TQ - 4

Một người biểu tình giơ khẩu hiệu trước hàng rào cảnh sát

Theo ông Steve Tsang, chuyên gia cấp cao tại Viện Chính sách Trung Quốc, đại học Nottingham, tình hình hiện nay chưa đến mức phải sử dụng lực lượng quân sự, và quyết định sử dụng cảnh sát chống bạo động hồi cuối tuần của Hong Kong là một sai lầm, khiến cuộc biểu tình hòa bình biến thành bạo lực.

Ông Tsang nói: “Nếu nhà chức trách thay đổi chiến thuật, quay trở lại phương pháp đàm phán truyền thống, rút cảnh sát chống bạo động, cuộc biểu tình sẽ trở lại quỹ đạo của nó”.

Biểu tình Hong Kong: Thế tiến thoái lưỡng nan của TQ - 5

Cảnh sát Hong Kong bắt giữ một người biểu tình

Chuyên gia phân tích Willy Lam thuộc Đại học Hong Kong thì cho rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng vũ lực để giải tán biểu tình và triển khai quân như một biện pháp cuối cùng, bởi hiện nay cảnh sát Hong Kong đã có đủ sức mạnh để dẹp biểu tình.

Cuộc biểu tình này phản ánh sự thất vọng của người dân Hong Kong về lời hứa “dân chủ” mà Bắc Kinh đưa ra cách đây 17 năm. Lời hứa đó được ghi vào hiến chương Hong Kong bằng chính sách “một đất nước, hai chế độ”, nhưng Bắc Kinh đang tìm cách xóa bỏ lời hứa đó với việc quyết định can thiệp vào cuộc bầu cử trưởng đặc khu Hong Kong vào năm 2017.

Biểu tình Hong Kong: Thế tiến thoái lưỡng nan của TQ - 6

Cảnh sát sử dụng hơi cay xịt thẳng vào mặt người biểu tình không vũ trang

Theo ông Lam, quyết định này của Trung Quốc đã khiến người dân Hong Kong nhận ra rằng “Bắc Kinh sẽ không thay đổi cách nghĩ, và họ muốn gửi đi một thông điệp rằng họ muốn nắm giữ tương lai trong tay”.

Chuyên gia này nói rằng dù cuộc biểu tình có đi đến đâu đi chăng nữa, người dân Hong Kong đã cất tiếng nói mạnh mẽ rằng “luật chơi đã thay đổi”, và họ mong muốn có tiếng nói ý nghĩa hơn về chính tương lai của mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo HuffingtonPost) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN