'Biệt phủ', nhà hàng trái phép trên sông Hồng: Nơi quyết liệt, chỗ thờ ơ
Dù các cơ quan cấp phường, cảng vụ đường thủy tại địa bàn thừa nhận, hầu hết nhà hàng, biệt phủ trên sông Hồng qua khu vực trung tâm Hà Nội không phép, sai phép, thậm chí không đăng ký kinh doanh nhưng các cơ quan cấp trên vẫn chưa hay. Sau khi Tiền Phong phản ánh, đại diện Cục Ðường thủy nội địa, Sở GTVT và UBND các quận tại Hà Nội có sông đi qua hứa sẽ kiểm tra, xử lý.
Các khu nhà nổi quy mô lớn cạnh bờ thuộc địa phận phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm
Như báo Tiền Phong phản ánh trong bài “Biệt phủ, nhà hàng mọc trái phép trên sông Hồng” (số báo ngày 27/6), dọc sông Hồng qua trung tâm Hà Nội (đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Vĩnh Tuy) xuất hiện hàng chục nhà hàng, biệt phủ nổi, thu hẹp diện tích mặt nước, uy hiếp an toàn đường sông, hầu hết không phép, không đăng ký kinh doanh.
Ngay trong ngày 27/6, lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các phòng ban chuyên môn liên quan và đơn vị phụ trách trực tiếp đoạn sông này là Chi cục Đường thủy nội địa Khu vực phía Bắc kiểm tra xử lý. Ông Nguyễn Văn Bán, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Đường thủy nội địa Khu vực phía Bắc (Cục Đường thủy nội địa) cho biết, đã chỉ đạo Đội thanh tra số 2 (khu vực Hà Nội) kiểm tra xử lý trong ngày.
Theo đó, nếu các nhà hàng, nhà nổi quy mô lớn này thuộc luồng vận tải đường thủy hay hành lang luồng, trách nhiệm sẽ thuộc đơn vị này; nếu nằm ngoài hành lang luồng sẽ thuộc trách nhiệm của địa phương. Việc xác định ranh giới luồng, hành lang luồng được quy định trong các tài liệu kỹ thuật của ngành đường thủy nội địa.
Ông Phạm Thế Đương, Đội trưởng đội Thanh tra số 2, Chi cục Đường thủy nội địa Khu vực phía Bắc cho biết, ngay trong ngày 27/6, Đội Thanh tra đã tiến hành kiểm tra thực địa và phối hợp với các ban ngành khác làm rõ, khi có kết quả sẽ có báo cáo đề xuất phương án xử lý.
Ngày 27/6, ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, đã chỉ đạo Thanh tra sở phối hợp các cơ quan liên quan xử lý vấn đề Tiền Phong nêu. Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn cho biết đã nắm được nội dung mà báo Tiền Phong nêu nhưng chưa đưa ra phương án xử lý cụ thể. Còn ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, thông tin phản hồi khi có kết quả.
Phóng viên đã liên lạc với bà Vũ Thị Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên (nơi có hàng loạt nhà hàng nổi bám ven bờ sông Hồng thuộc phường Ngọc Thụy mà Chủ tịch UBND phường này là ông Nguyễn Quốc Văn cho biết không hề có bất cứ giấy phép gì, kể cả đăng ký kinh doanh). Tuy nhiên, bà Hà không bắt máy, nhắn tin cũng không trả lời. |
Nhiều biệt thự, khu nghỉ dưỡng mọc trên đất nông nghiệp tại huyện Ba Vì (Hà Nội) tồn tại từ nhiều năm nay chưa được...