Biệt động Sài Gòn: Người ở lại

Ước nguyện của những cựu biệt động thành là mong được tôn vinh xứng đáng với sự hy sinh, mất mát của mình và các đồng đội.

Đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) cho rằng nỗi ưu tư lớn nhất của anh em biệt động ngày trước chính là việc giải thể đơn vị này ngay sau ngày đất nước giải phóng do yêu cầu xây dựng quân đội. Vì không còn “danh bạ quân đội”, không còn tổ chức để chăm lo, thực hiện công tác thời hậu chiến nên chính sách công nhận và đền ơn đáp nghĩa với anh em vẫn còn nhiều thiếu sót.

Ngày giỗ đặc biệt

Mùng 6 Tết Nguyên đán hằng năm, những người còn lại của lực lượng biệt động F100 tinh nhuệ ngày ấy lại quây quần bên nhau tại nhà ông Tư Chu ở phường Thảo Điền, quận 2 - TPHCM để dự lễ giỗ chung, tưởng nhớ những người đồng đội, đồng chí đã hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Ông Tư Chu, thủ lĩnh của F100, lần lượt điểm danh từng người một, xem ai còn, ai mất, giống như năm xưa, ông từng điểm quân trước giờ ra trận.

Tham dự lễ giỗ đặc biệt này còn có cả những người thân, gia đình các liệt sĩ - những anh hùng đã ngã xuống trong mùa Xuân năm ấy. Họ đến đây để được sống lại hồi ức về những người thân yêu nhất, để được nghe các bậc cha anh kể lại những giờ phút sau cùng của người thân. Tô Thị Mai Hương, con gái liệt sĩ Tô Hoài Thanh, tâm sự rằng chỉ có ở đây, chị mới cảm thấy ba mình hiện diện và còn có các cô, các chú nhớ đến sự hy sinh thầm lặng mà oanh liệt của ba.

Và mỗi khi nghe các cô chú buột miệng thốt lên “con giống ba con quá” là chị lại tủi thân, nghẹn ngào. Hương không lưu giữ được mảnh ký ức nào về khuôn mặt ba mình bởi khi ấy còn quá nhỏ. Chị và người em trai Tô Hoài Sơn lại phải xa ba mẹ ngay từ tấm bé, ở với những người mẹ nuôi, ba nuôi cho đến tận lúc trưởng thành để ba mẹ đi kháng chiến.

Thời tuổi trẻ, đã có lúc vì không hiểu chuyện, chị đã từng giận mẹ, trách mẹ sao bỏ mình ở lại. Còn mẹ chị, bà Võ Thị Cúc, lại không thôi nỗi day dứt, nuối tiếc vì đã bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ chồng mình lần cuối cùng trước lúc ông hy sinh. Lúc đó, bà vì phải nhận chuyến công tác quân báo đặc biệt nên đã không về kịp theo lời đã hẹn.

Biệt động Sài Gòn: Người ở lại - 1

Chị Võ Thị Huyền Nga (bí danh Lê Thị Hồng Quân) trong ngày giỗ tập thể biệt động Sài Gòn tại nhà đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) - Ảnh: TFS

Bà Nguyễn Thị Lớp, vợ liệt sĩ Trần Văn Lém (Bảy Lớp, tham gia mũi tấn công vào Bộ Tư lệnh Hải quân quân đội Sài Gòn trong trận Mậu Thân), cứ nhớ mãi lời dặn dò của chồng trước ngày đi chiến dịch. Lúc đó, bà đang mang thai đứa con thứ ba. Chồng bà bảo: “Bây giờ, một là bà về quê. Hai là bà trở về Sài Gòn, tôi gửi cho ở.

Phần tôi đi không cần gì hết, chỉ cần bà nuôi giùm 2 đứa con với cái bào thai trong bụng là được rồi. Hễ tôi về kịp thì tôi cho người rước mấy mẹ con về ăn Tết, còn hễ tôi chưa rước thì vẫn ở đó, đừng có về”. Ngày mùng 2, súng nổ ran ở hướng nội đô, lòng dạ bà Lớp như lửa đốt, linh cảm có chuyện chẳng lành xảy ra với chồng.

Chừng khi cầm tờ báo Time trên tay, trong đó có đăng tấm hình tướng cảnh sát ngụy Nguyễn Ngọc Loan bắn chồng bà ngay trên đường phố Sài Gòn, bà chết lặng nhưng vẫn không tin chồng mình đã mất. Dù cái thai mỗi ngày một lớn, bà vẫn lặn lội về tận đơn vị cũ của chồng để hỏi thăm tin tức. Rồi chiến dịch mùa Xuân 1975 thắng lợi, bộ đội về rộn ràng khắp đường phố, đứa con nhỏ chạy theo, níu lấy chân các chú mà hỏi: “Mấy chú ơi, ba con về chưa? Ba con có về với mấy chú không?”, bà nghe mà nghẹn ngào, không cầm được nước mắt…

Chuyện một nữ biệt động

Trong lễ giỗ biệt động gần đây nhất mà người viết bài này được dự, có một nhân vật khá đặc biệt. Chị là người thắp nén hương sau cùng và đứng thật lâu trước bàn thờ các anh. Chị tên là Võ Thị Huyền Nga, bí danh Lê Thị Hồng Quân, một nữ biệt động thành năm xưa... Sau đợt 1 chiến dịch Mậu Thân, để bổ sung quân số kịp thời cho đợt 2, đơn vị chị - đội nữ biệt động Sài Gòn - Gia Định, được gấp rút tăng quân, biên chế thành Tiểu đoàn Lê Thị Riêng (tên nữ chiến sĩ vừa hy sinh trong đợt 1).

Trong trận chiến sinh tử ấy, anh Hà Văn Tiết, chị Sáu Xuân kịp hô khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm” trước lúc hy sinh. Còn lại một mình, dù khắp người đã bị thương nhưng Hồng Quân vẫn kiên cường chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Sau đó thì em Quang, một đoàn viên 15 tuổi, làm nhiệm vụ tiếp tế vũ khí trong đơn vị, đã vượt qua làn đạn bắn rát của địch để đến bên chị thông báo vũ khí đã cạn sạch. Và em nhất định ở lại bên người chỉ huy Hồng Quân của mình đến giờ phút cuối cùng của chiến trận. Hai chị em bị bắt và tra tấn dã man.

Nhớ về người đồng đội nhỏ tuổi ấy, chị lại không cầm được nước mắt. Cái khoảnh khắc thân hình Quang bé nhỏ quằn quại bởi những đòn thù tra tấn dã man mà dứt khoát không khai báo một lời và tiếng hát tranh đấu hào hùng của em vang lên trước giờ phút chìm vào giấc ngủ vĩnh hằng còn mãi in sâu trong tâm thức chị, suốt đời không quên.

Ngày nào cũng nhớ đồng đội

Mỗi lần đi ngang Hội trường Thống Nhất, ông Tư Chu và những chiến sĩ biệt động năm xưa nay còn sống chợt thấy chạnh lòng. Đồng đội họ đã anh dũng ngã xuống nơi đây khi tuổi đời còn rất trẻ để làm nên trận đánh mùa Xuân 1968 oanh liệt. Ông tâm sự: “Ngày nào tôi cũng nhớ đến đồng đội cũ. Hầu hết anh em đã chết trong Tết Mậu Thân và các chiến dịch. Lịch sử và đất nước đã đánh giá cao về họ. Nhiều người đã được ghi công nhưng vẫn còn rất nhiều người mang bí số, bí danh, các cơ sở chưa được ai biết đến”.

Vì tính chất đặc thù của biệt động nên không ai được biết tên thật hay thông tin cá nhân về đồng đội của mình. Do đó, đến tận bây giờ, nhiều người hy sinh đã gần nửa thế kỷ mà vẫn cứ mãi là liệt sĩ vô danh.

Ngay đến cả ông Tư Chu, người thủ trưởng của họ, cũng chỉ biết đến họ qua những bí danh, bí số. Nhiều người đã ngã xuống mà không tìm được hài cốt. Và trách nhiệm của người ở lại là đi tìm, xác minh nhân thân và ghi công cho những anh hùng thầm lặng đó.

Lê Phong Lan

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN