Biển hạn chế tốc độ dưới 40km/h không khác gì "cái bẫy"
"Biển báo hạn chế tốc độ dưới 40km/h là 'cái bẫy' để cảnh sát giao thông đứng trực bắt xe, nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực khiến lái xe bức xúc", ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa có yêu cầu các đơn vị phải “dẹp bỏ” biển báo hạn chế tốc độ 25, 30, 35 km/h. Trường hợp đủ điều kiện khai thác an toàn với tốc độ lớn hơn thì phải cắm biển tốc độ tương ứng (trên 40 km/h).
Đường rộng nhưng lại làm khổ người dân
Tuyến đường quốc lộ 21B đoạn qua thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam mới được đưa vào sử dụng năm 2014. Tuy nhiên, khi đi qua đoạn đường này, nhiều người tham gia giao thông lúng túng, “hoa mắt” vì các biển hạn chế tốc độ đặt gần nhau.
Anh Chiến, chủ xe khách tuyến Hải Hậu (Nam Định) – Mỹ Đình (Hà Nội), cho biết, hằng ngày, khi lưu thông qua đoạn đường này anh luôn phải thấp thỏm, lo lắng vì các biển hạn chế tốc độ 60-40-30km/h đặt quá gần nhau.
“Bình thường, chúng tôi đang lái xe khách ở tốc độ 60km/h, nhưng khi tới đoạn đường quốc lộ 21B (đoạn qua Phủ Lý) lại phải giảm tốc đột ngột xuống 40km/h, rồi cách vài chục mét lại phải giảm xuống 30km/h. Cảm giác khi phải giảm tốc đột ngột nhiều lần trên cùng một đoạn đường ngắn rất khó chịu, ức chế. Đặc biệt, tôi thấy việc bố trí biển báo như vậy không không khác gì “cái bẫy” để cảnh sát giao thông xử phạt”, anh Chiến chia sẻ.
Biển báo hạn chế tốc độ dưới 40km/h sẽ được loại bỏ. (Ảnh: Dân Việt)
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, quyết định dẹp bỏ biển hạn chế tốc độ dưới 40km/h trên quốc lộ rất đáng hoan nghênh. Việt Nam bỏ ra nhiều tỷ đồng để làm những con đường tốt, với mong muốn giao thông vận tải thông thoáng hơn, chạy tốc độ nhanh hơn, năng suất tốt hơn. Nhưng lại hạn chế tốc độ 20-25 km/h rất vô lý, làm giảm năng suất vận tải của doanh nghiệp.
Theo ông Thanh, trước đây, khi còn áp dụng loại biển này, người dân cũng như doanh nghiệp rất bức xúc vì mỗi khi qua đoạn đường có biển báo trên lại phải chạy chậm, xe tiêu hao thêm nhiên liệu, máy móc bị ảnh hưởng. Tốc độ chậm sẽ làm chậm thời gian vận chuyển hàng hóa, ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu suất công việc của các doanh nghiệp vận tải.
Đặc biệt, biển báo hạn chế tốc độ dưới 40km/h là "cái bẫy” để cảnh sát giao thông đứng trực bắt xe, nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực khiến lái xe bức xúc. Rồi ở nhiều đoạn vắng, thông thoáng, lái xe muốn chạy nhanh nhưng không dám vì biển báo hạn chế tốc độ 25, 30km/h. Đến khi ra tới đường không bị hạn chế về tốc độ lại phóng “bạt mạng” để bù lại quãng thời gian chạy chậm, như vậy nguy cơ tai nạn luôn rình tập.
Ông Thanh cho biết thêm, không chỉ có biển báo hạn chế tốc độ dưới 40km/h gây ức chế cho người dân mà hiện nay trên nhiều tuyến đường, các biển cấm, biển chỉ đường, đèn xanh đèn đỏ cũng đang làm người tham gia giao thông “hoa mắt”. Một số ngã ba, ngã tư có quá nhiều biển chỉ dẫn cùng một lúc khiến người dân lúng túng. Trên phố, biển báo còn bị “giấu” ở sau các tán cây, người dân nhìn mỏi mắt không thấy.
“Ngay ở đường đê Yên Phụ (Hà Nội), tôi thấy cũng có nhiều biển chỉ dẫn, báo hiệu đặt cùng một chỗ. Như vậy, những biển báo này khiến người tham gia giao thông lúng túng. Chúng tôi kiến nghị thời gian tới, Bộ GTVT cần rà soát lại vấn đề này. Chọn vị trí thuận tiện dễ nhìn dễ thấy, chọn lọc biển báo, cái gì cần thiết mới cắm”, ông Thanh nói.
Biển báo hạn chế tốc độ gây ức chế cho người dân
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, cho hay, biển báo hạn chế tốc độ trên quốc lộ dưới 40km/h gây tâm lý ức chế cho người dân nhiều năm nay. Đế nay, Bộ trưởng Thăng có văn bản yêu cầu “dẹp bỏ” là điều tốt.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội
Ông Liên cho biết, năm 2012, Hiệp hội cũng gửi Bộ GTVT và Bộ Công an đề xuất hạn chế tốc độ xe chạy ban đêm để giảm thiểu tai nạn giao thông. Đối với xe vận tải hành khách trên 16 chỗ khi lưu hành trên quốc lộ, tỉnh lộ (trừ đường cao tốc) từ 21 giờ đến 4 giờ sáng nên hạn chế tối đa từ 50 - 60 km/giờ.
Với núi cao, đèo dốc thì cấm xe khách lưu hành ban đêm từ 21 giờ đến 4 giờ sáng. Đồng thời, hạn chế xe khách chạy đường dài trên 300km xuất bến sau 21 giờ. Doanh nghiệp vận tải ngoài việc đảm bảo quy định, không chở quá tải, phải quan tâm đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi cho lái, phụ xe. Nhưng đề xuất này vẫn chưa được sự đồng ý và thực hiện.