Biển Đông: Yêu sách của Trung Quốc trái luật quốc tế

Việt Nam phản đối yêu sách trong hai công hàm của Trung Quốc vì nó vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông.

Phái đoàn Thường trực Việt Nam (VN) tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) vừa gửi lên Tổng thư ký LHQ Công hàm số 22/HC-2020 của VN phản đối lập trường hai công hàm số CML/14/2019 và số CML/11/2020 của Trung Quốc (TQ) về vấn đề biển Đông. PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ (thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo VN), nhận định lý lẽ mà phía TQ đưa ra trong hai công hàm này hoàn toàn sai trái khi đối chiếu với luật quốc tế.

Âm mưu độc chiếm biển Đông

. Phóng viên: Lập trường mà TQ đã đệ trình LHQ đó là gì?

+ PGS-TS Vũ Thanh Ca: Công hàm số CML/14/2019 của TQ phản đối Malaysia trình Hồ sơ ranh giới ngoài thềm lục địa lên Ủy ban ranh giới ngoài của thềm lục địa của LHQ và Công hàm số CML/11/2020 nhằm phản đối Công hàm số 000191-2020 của phái đoàn thường trực của Philippines tại LHQ phản đối Công hàm số CML/14/2019 của TQ.

Lập trường của TQ có thể tóm tắt như bảy điểm dưới đây: (i) TQ có chủ quyền tại các Nam Hải Chư Đảo, bao gồm quần đảo Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của VN), quần đảo Đông Sa (đảo Pratas), quần đảo Trung Sa (bãi ngầm Maclesfield) và quần đảo Nam Sa (Trường Sa của VN); (ii) các “quần đảo” này có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa mở rộng.

Cạnh đó, (iii) TQ có “quyền lịch sử” tại biển Đông và các quyền của TQ phù hợp với thông lệ của luật pháp quốc tế; (iv) TQ bác bỏ những bằng chứng chủ quyền của Philippines tại một phần quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough; khẳng định rằng bãi cạn Scarborough là một phần của “quần đảo Trung Sa”; (v) Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) không có thẩm quyền giải quyết vụ kiện giữa Philippines và TQ vì vụ kiện này chỉ liên quan đến tranh chấp chủ quyền và phân định biển và đã được quy định trong Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) là PCA không có thẩm quyền.

Thứ sáu, Philippines và TQ đã thỏa thuận bỏ qua phán quyết của PCA để tham vấn song phương nhằm giải quyết các tranh chấp biển; Cuối cùng, TQ yêu cầu Ủy ban ranh giới ngoài của thềm lục địa không xem xét hồ sơ đệ trình của Malaysia.

. Mục đích của TQ trong việc đệ trình lên LHQ là gì?

+ TQ đang thực hiện chiến lược độc chiếm biển Đông và các đảo đá, bãi ngầm trên biển Đông bằng cách thực hiện chiến thuật “tằm ăn lá dâu”, “cây bắp cải” và “vùng xám”. Một trong các cách để thực hiện chiến thuật “tằm ăn lá dâu” là diễn giải sai lệch luật pháp quốc tế theo hướng có lợi cho mình. Có thể thấy TQ đã viện dẫn UNCLOS một cách sai lệch hoàn toàn để biện minh cho lập luận của mình. Cách lập luận “lập lờ đánh lận con đen” này của TQ sẽ được hỗ trợ trên thực địa bằng chiến thuật “cây bắp cải”, tức là sử dụng lực lượng bao gồm dân binh, hải cảnh và hải quân bố trí theo các lớp khác nhau. Còn chiến thuật “vùng xám”, tức là sử dụng các lực lượng bán vũ trang hoặc chấp pháp vũ trang để dồn ép, bắt nạt các quốc gia xung quanh biển Đông, buộc các quốc gia này căng thẳng tới mức phải từ bỏ ý chí bảo vệ chủ quyền hoặc mắc mưu TQ nổ súng trước để TQ có cớ phát động chiến tranh tổng lực chống lại quốc gia mắc sai lầm. Như vậy, việc gửi các công hàm cho LHQ là một trong những mũi giáp công nguy hiểm của TQ.

Tàu cá Việt Nam hoạt động ở Trường Sa. Ảnh: THE STAR Lý lẽ của Việt Nam đúng luật quốc tế .

Tàu cá Việt Nam hoạt động ở Trường Sa. Ảnh: THE STAR Lý lẽ của Việt Nam đúng luật quốc tế .

Ông có nhận xét như thế nào về nội dung công hàm của VN đệ trình LHQ để phản đối TQ?

+ Lập trường của VN là đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia của VN trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Công hàm của VN đã phản ánh rất rõ ràng lập trường này và hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Thứ nhất,VN phản đối yêu sách của TQ trong hai công hàm nêu trên vì nó vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN trên biển Đông. Thứ hai, VN khẳng định lại các bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thứ ba, các cấu trúc nổi thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là các đảo đá, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Thứ tư, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không có đường cơ sở bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất.

Thứ năm, các cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và do vậy không có vùng biển riêng. Thứ sáu, các yêu sách ở biển Đông vượt quá giới hạn quy định của TQ, trong đó có yêu sách quyền lịch sử, đều không có giá trị pháp lý.

Các điểm (1) và (2) trong lập trường của VN đã rõ ràng. Các điểm (5) và (6) tuân thủ chặt chẽ UNCLOS và phán quyết của PCA. Tôi chỉ muốn giải thích rõ hơn về các điểm (3) và (4) trong lập trường của VN.

Việt Nam khẳng định Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa VN và TQ.

Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ 

. Xin ông giải thích rõ các điều 3 và 4?

+ Khoản 3 Điều 121 của UNCLOS viết rằng “Đảo đá không phù hợp cho con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”. Do tính chất không rõ ràng của cụm từ “không phù hợp cho con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng” nên từ trước đến nay, có rất nhiều quan điểm về việc giải thích cụm từ này nhằm xác định quy chế pháp lý cho một thực thể nổi trên mặt nước ở mức triều cao.

Thậm chí, có quan điểm cho rằng với sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện đại, tất cả thực thể nổi trên mặt nước ở mức triều cao đều có thể thỏa mãn điều kiện “phù hợp cho con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng” nếu được tôn tạo phù hợp và do vậy có thể được coi là đảo. Phán quyết của PCA rằng quy định về “phù hợp cho con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng” có nghĩa là “phụ thuộc vào khả năng khách quan của một thực thể khi chúng ở tình trạng tự nhiên để có thể duy trì một cộng đồng dân cư hoặc các hoạt động kinh tế ổn định mà không phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài hoặc không phải là các hoạt động thuần túy mang tính chất khai thác” đã chấm dứt những tranh luận thuộc dạng này.

PCA cho rằng các đảo trên quần đảo Trường Sa không thể được coi là đảo và không có EEZ và thềm lục địa. Vì tính chất các đảo trên quần đảo Hoàng Sa tương tự như trên quần đảo Trường Sa, chắc chắn các đảo này cũng chỉ được hưởng quy chế pháp lý như các đảo trên quần đảo Trường Sa. Như vậy, điểm (3) trong lập trường của VN phù hợp với UNCLOS và phán quyết của PCA.

Theo quy định của UNCLOS, chỉ các quốc gia quần đảo mới có thể sử dụng đường cơ sở thẳng để nối các điểm ngoài cùng của các cấu trúc luôn nổi trên mặt nước biển để tạo ra vùng biển quần đảo. Tuy nhiên, có rất nhiều quy định rất chặt chẽ về việc này. Một số trong các quy định đó là các đảo hoặc đảo đá phải ở gần nhau, hay tỉ lệ giữa diện tích vùng biển nằm trong vùng nước quần đảo và diện tích vùng đất nằm trong đó nằm trong khoảng từ 1:1 tới 9:1; và khoảng cách giữa các điểm kề nhau trên đường cơ sở thẳng không được vượt quá 100 hải lý, ngoại trừ 3% số đường có chiều dài không vượt quá 125 hải lý. Với các quy định chặt chẽ như vậy, PCA đã phán quyết rằng “các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất”.

Vì tính chất các đảo đá trên quần đảo Hoàng Sa cũng tương tự như trên quần đảo Trường Sa nên có thể nói điểm (4) của Công hàm số 22/HC-2020 của VN đã tuân thủ đúng quy định của UNCLOS và phán quyết của PCA.

Ý nghĩa của công hàm VN

Công hàm số 22/HC-2020 của VN là cực kỳ quan trọng vì nó đã khẳng định lập trường, quan điểm của VN phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Công hàm này là bằng chứng mà VN có thể viện dẫn để thực hiện cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý nhằm bảo vệ chủ quyền của VN trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của VN trên vùng biển VN phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.

PGS-TS Vũ Thanh Ca 

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ Ngoại giao lên tiếng trước thông tin khí cầu Trung Quốc do thám ở Biển Đông

Tại cuộc họp thường kỳ chiều 5-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi về một số...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Thiện ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN