Biển Đông: Trung Quốc cố ý xuyên tạc công hàm Phạm Văn Đồng
Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 không làm ảnh hưởng quá trình thực thi chủ quyền liên tục của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong kỳ 2 - Công hàm Phạm Văn Đồng dưới ánh sáng luật quốc tế, PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, kết luận: Phân tích theo luật pháp quốc tế, dựa vào nội dung và bối cảnh ra đời, có thể khẳng định công hàm Phạm Văn Đồng (CHPVĐ) không thể hiện sự công nhận của phía Việt Nam đối với chủ quyền của Trung Quốc (TQ) trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đồng thời, PGS-TS Vũ Thanh Ca cho biết Việt Nam không chỉ thực hiện chủ quyền liên tục ở Trường Sa và Hoàng Sa giai đoạn chiến tranh với Pháp (1946-1954), mà còn từ sau đó cho đến hiện nay.
Việt Nam thực thi chủ quyền liên tục 1954-1975…
Phóng viên: Ngày 21-7-1954, Hiệp định Geneva được ký. Sự kiện này ảnh hưởng thế nào đến việc thực thi chủ quyền với Trường Sa, Hoàng Sa?
+ PGS-TS Vũ Thanh Ca: Theo Hiệp định Geneva, lãnh thổ Việt Nam tạm chia thành hai vùng: Miền Bắc do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) kiểm soát, miền Nam do Liên hiệp Pháp và các lực lượng thân Pháp, trong đó có Quốc gia Việt Nam (QGVN), kiểm soát. Ranh giới tạm thời là vĩ tuyến 17.
Năm 1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại và lên làm quốc trưởng của QGVN. Sau đó, QGVN đổi tên thành Việt Nam Cộng hòa (VNCH) do Ngô Đình Diệm làm tổng thống. Năm 1956, quân đội VNCH đã trú đóng ở phần phía tây quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Như vậy, vào năm 1958, chính VNCH (chứ không phải VNDCCH) là thực thể chính trị duy nhất thực sự thực thi chủ quyền với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Vậy nên, dù công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng (người đứng đầu Chính phủ VNDCCH) không thể hiện sự phản đối trực tiếp tuyên bố chủ quyền của TQ đối với hai quần đảo (vì VNDCCH không phải là thực thể chính trị thực thi chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) nhưng sự không phản đối đó không tạo ra bất cứ cơ sở pháp lý nào để nói rằng Việt Nam đã mặc nhiên công nhận chủ quyền của TQ.
Xin ông giải thích rõ hơn về tính chính danh của VNCH trong việc thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa?
+ Theo Công ước Montevideo 1933 về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia, “một quốc gia là một chủ thể của luật quốc tế, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về: có dân cư ổn định, có lãnh thổ xác định, có chính phủ và có khả năng tham gia vào các quan hệ quốc tế” và “sự tồn tại về chính trị của các quốc gia độc lập với sự công nhận của các quốc gia khác”.
Giai đoạn 1954-1975, chiếu theo Công ước Montevideo 1933, trên lãnh thổ Việt Nam tồn tại hai thực thể chính trị với tư cách quốc gia: VNDCCH và VNCH. Vấn đề quan trọng nằm ở chỗ: Dù các nước có tuyên bố công nhận hay không công nhận tư cách quốc gia của VNDCCH hay VNCH thì điều đó cũng không làm ảnh hưởng tư cách quốc gia của họ. Như vậy, theo luật pháp quốc tế, VNCH hoàn toàn có tư cách quốc gia để thực thi chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, còn VNDCCH thì trong thời gian đó không có thẩm quyền với hai quần đảo này.
Như vậy, VNDCCH không nhất thiết phải tuyên bố phản đối tuyên bố chủ quyền của TQ năm 1958 và sự im lặng của VNDCCH trong thời gian này không làm yếu đi danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo.
Trung Quốc xuyên tạc lịch sử nhằm bảo vệ yêu sách chủ quyền phi pháp và những hành vi sai trái ở Biển Đông. Ảnh lớn: Tàu địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc xâm phạm các vùng biển Việt Nam cuối năm 2019. Ảnh: SCHOTTEL Ảnh nhỏ: Yêu sách đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc chiếm hơn 80% Biển Đông. Yêu sách này đã bị phán quyết của Tòa Trọng tài 2016 bác bỏ cơ sở pháp lý. Ảnh: CSIS
… và từ 1975 cho đến nay
Từ năm 1975 đã có sự thay đổi về chính quyền trên lãnh thổ Việt Nam. Việc thay đổi này có quan hệ thế nào với việc thực thi chủ quyền theo luật?
+ Công ước Montevideo 1933 quy định sự thay đổi chính quyền không làm thay đổi quốc gia. Theo quy định của tập quán quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ), việc lựa chọn một chính quyền để đại diện cho toàn thể nhân dân trên một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào đó là quyền tự quyết của nhân dân sống trong quốc gia và vùng lãnh thổ đó. Khi trên một lãnh thổ quốc gia có một chính quyền bị thay thế bởi một chính quyền khác, chính quyền mới sẽ kế thừa các di sản của chính quyền trước đó, kể cả lãnh thổ, các hiệp ước, tư cách thành viên trong các tổ chức quốc tế, các khoản nợ…
Cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam từ sau khi ra đời Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vào năm 1960 và kết thúc bằng chiến thắng ngày 30-4-1975 và thành lập Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CHMNVN) thực chất là việc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam trong việc lựa chọn chế độ chính trị theo đúng các quy định của luật pháp quốc tế. Sau 30-4-1975, CHMNVN đã thay thế VNCH và trở thành thể chế chính trị duy nhất đại diện cho nhân dân miền Nam.
Vì vậy, CHMNVN có quyền và trong thực tế đã kế thừa một cách hợp pháp chủ quyền của VNCH đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Chính TQ cũng là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận CHMNVN là đại diện duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam. Do vậy, TQ cũng đã gián tiếp công nhận rằng theo luật pháp quốc tế, sau khi tiếp nhận sự đầu hàng của VNCH, CHMNVN đã chính thức kế thừa chủ quyền đối với hai quần đảo nói trên.
Sự chuyển giao chủ quyền sang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (chính là Việt Nam ngày nay) thực hiện ra sao?
+ Năm 1976 đã diễn ra cuộc tổng tuyển cử, thống nhất đất nước Việt Nam. Toàn lãnh thổ Việt Nam chỉ còn một quốc gia với chính quyền duy nhất là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó cũng là dấu mốc Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam kế thừa chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ CHMNVN (chứ không phải từ VNDCCH, vì thực thể chính trị này không có thẩm quyền và không được giao quản lý hai quần đảo.)
Như vậy, việc kế thừa chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được thực hiện theo đúng luật pháp quốc tế. Điều đó một lần nữa khẳng định rằng CHPVĐ 1958 không có giá trị pháp lý và không ảnh hưởng tới chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Mưu đồ của Trung Quốc . Gần đây TQ liên tục đưa công hàm lên LHQ, trích dẫn CHPVĐ năm 1958 và cáo buộc Việt Nam vi phạm nguyên tắc Estoppel. Ông lý giải thế nào về điều này?
+ Tôi có thể khẳng định ngay Việt Nam không vi phạm nguyên tắc Estoppel. Estoppel là một nguyên tắc của luật pháp quốc tế, có nghĩa là một chủ thể luật pháp (người hoặc cơ quan, tổ chức, quốc gia) không được phép nói hoặc hành động ngược lại với những gì mình đã nói hoặc hành động trước đó.
Có nhiều học giả đã bàn luận về việc áp dụng nguyên tắc Estoppel cho trường hợp CHPVĐ. Đáng kể nhất là thảo luận của tiến sĩ-luật sư Từ Đặng Minh Thu. Theo đó, căn cứ vào thực tiễn quốc tế và các án lệ của các tòa án quốc tế, muốn chứng minh Việt Nam vi phạm nguyên tắc Estoppel thì phải chứng minh rằng CHPVĐ có ý định và nói rõ ràng rằng chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc TQ; và điều này phải được nói một cách liên tục và có hệ thống.
Tuy nhiên, như tôi đã phân tích ở hai kỳ trước, CHPVĐ ngoài việc ủng hộ quan điểm vùng lãnh hải rộng 12 hải lý thì hoàn toàn không đả động đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thêm nữa, VNDCCH càng không nói một cách liên tục và có hệ thống rằng chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc TQ. Mặt khác, hai quần đảo này lúc đó thuộc VNCH quản lý, thế nên VNDCCH không có quyền có những tuyên bố về chủ quyền với hai quần đảo.
TQ có mưu đồ gì khi năm lần bảy lượt đưa CHPVĐ lên LHQ?
+ TQ cố tình suy diễn CHPVĐ để tranh giành lợi thế, cố tình bẻ cong sự thật, bẻ cong pháp luật, kể cả Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà nước này cũng là thành viên. Tuy nhiên, phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đã nhiều lần gửi công hàm, điển hình là Công hàm số A/72/692 ngày 30-1-2018 để phản đối TQ và nêu rõ lập trường của Việt Nam.
Giới quan sát trong và ngoài nước có nhiều bài viết về CHPVĐ. Hầu như tất cả bài viết đó đều dùng những lập luận của luật pháp quốc tế để làm rõ tính pháp lý của CHPVĐ, đồng thời chứng minh sự liên tục của chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, làm thất bại âm mưu của TQ.
Xin cám ơn ông.
Nguồn: [Link nguồn]
Nguyên tắc của luật pháp quốc tế là không được phép suy diễn một cách chủ quan, mà phải tìm ý định thực sự của...