Biển Đông sắp hứng áp thấp nhiệt đới
Một vùng áp thấp sắp hình thành và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông vài ngày tới.
Áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên Biển Đông trong vài ngày tới. Ảnh minh họa
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, khoảng ngày 8/7, trên khu vực giữa Biển Đông hình thành một dải hội tụ nhiệt đới. Trong khoảng ngày 9-11/7, trên dải hội tụ nhiệt đới có khả năng hình thành một vùng áp thấp gây mưa rào và dông mạnh ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và vùng biển Giữa, Nam Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa). Gió Tây Nam cấp 5, sau tăng lên cấp 6, giật cấp 7-8, biển động. Sóng biển cao từ 2-3m.
Dự báo hiện tại cho thấy, vùng áp thấp trên có khả năng phát triển thành áp thấp nhiệt đới với xác suất khoảng 50-65%. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ và cập nhật bổ sung bản tin hằng ngày với hình thái thời tiết trên.
Để chủ động ứng phó, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Kiểm tra, rà soát hoạt động sản xuất ven sông, suối, hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản, người dân trên các lều, chòi canh nương rẫy, ven sông suối; di dời người dân tại các khu vực có nguy cơ để đảm bảo an toàn.
Kiểm tra, rà soát các công trình đang thi công, có phương án chủ động biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi có mưa lũ; tạm dừng thi công công trình trong trường hợp cần thiết.
Rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ năng ứng phó với thiên tai, nhất là lũ, lũ quét, sạt lở đất đá để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Trước đó, ngày 28/6, Biển Đông đón một vùng áp thấp từ đảo Luzon (Philippines) di chuyển vào. Vùng áp thấp sau đó mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới; sau đó mạnh lên thành bão ngày 30/6, cơn bão số 1 năm 2022 có tên quốc tế là Chaba.
Đến ngày 2/7, bão số 1 đã đổ bộ vào Trung Quốc và suy yếu. Dù không đổ bộ trực tiếp vào nước ta nhưng bão số 1 cũng gây ra sóng to, gió giật mạnh ở nhiều vùng biển Việt Nam và gây mưa dông cho đất liền khu vực Đông Bắc Bộ nước ta.
Cơn mưa lớn ở Hà Nội trút xuống đúng giờ tan tầm buổi chiều tối khiến dòng người và phương tiện “bơi” trong nước.
Nguồn: [Link nguồn]