Biển Đông làm nóng Hội nghị ASEAN
Hội nghị nóng hơn bao giờ hết sau vụ Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam và cố tình đâm tàu Việt Nam.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24, diễn ra ở thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar trong ngày 10 và 11/5, sẽ tập trung thảo luận về những hành động khiêu khích gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.
Vấn đề Biển Đông trở nên nóng hơn bao giờ hết sau vụ Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam và cố tình cho tàu đâm vào tàu Việt Nam. Chưa hết, Philippines đang cáo buộc Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và quấy rối tàu cá của nước này trên Biển Đông.
Các nhà ngoại giao ASEAN cho hãng tin Kyodo biết, những hành động của Bắc Kinh đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà nước này ký với ASEAN năm 2002. Một quan chức ASEAN khẳng định: “Chúng ta không được phép bỏ qua những hành động khiêu khích này bởi chúng làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông”.
An ninh được thắt chặt xung quanh nơi diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN ở Nay Pyi Taw. Ảnh: The Irrawaddy
Tại Hội nghị Quan chức cấp cao (SOM) ASEAN hôm 9/5, các nước ASEAN đều bày tỏ quan ngại sâu sắc và kiến nghị các nước ASEAN cần thể hiện lập trường thống nhất, trong đó yêu cầu các bên tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) 1982; thực hiện nghiêm túc DOC; cấp thiết phải sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) để bảo đảm tốt hơn cho hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino dự kiến thông báo về vụ kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế tại hội nghị cấp cao ASEAN. Ngoài Biển Đông, hội nghị cấp cao ASEAN còn tập trung bàn về tình hình triển khai lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN, tương lai của cộng đồng ASEAN, quan hệ đối ngoại của ASEAN và định hướng tương lai…
Ông Ian Storey, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á (Singapore), nhận định, hội nghị năm nay sẽ là một bài kiểm tra khác cho sự thống nhất của ASEAN. Ông nói với Reuters: “Sẽ có những nước như Việt Nam, Philippines, Singapore và Indonesia muốn tuyên bố chung bày tỏ sự lo ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông. Tuy nhiên, một số thành viên khác có thể không muốn thế…”.
Một số chuyên gia khác tỏ ý hoài nghi về thành ý của Trung Quốc trong việc hoàn tất COC. Maung Zarni, một học giả người Myanmar, nhận định: “Trung Quốc sẽ tiếp tục thương thảo COC và xem đây là chiến lược ngắn hạn để kiểm soát thiệt hại. Tuy nhiên, nước này nhiều khả năng không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào mang tính ràng buộc hoặc hạn chế việc khai thác tài nguyên Biển Đông theo ý mình”.
Cần có tiếng nói chung Phát biểu tại SOM ASEAN chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 hôm 9/5, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh - Trưởng SOM ASEAN Việt Nam - nhấn mạnh, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 và đưa nhiều tàu hộ tống, trong đó có cả tàu quân sự, vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, vi phạm luật pháp quốc tế và DOC năm 2002. Thứ trưởng Phạm Quang Vinh khẳng định, ASEAN cần phải có tiếng nói chung trước tình hình nghiêm trọng trên. B.Diệp |