Biển Đông có thể hứng áp thấp nhiệt đới vào ngày mai 13/10
Một vùng áp thấp đã hình thành trên Biển Đông và khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong 24 giờ tới.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng nay (12/10), một vùng áp thấp đã hình thành trên khu vực giữa Biển Đông.
Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của vùng áp thấp trên Biển Đông (Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG)
Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).
Đến sáng mai (13/10), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở cách đảo Song Tử Tây khoảng 200km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 9.
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới nên ở khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh; gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; sóng biển cao 3,0-5,0m. Biển động mạnh.
Trong khoảng từ đêm 13-16/10, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh và gió Đông hoạt động mạnh, khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện đợt mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 200-500mm, có nơi trên 600mm.
Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở các khu vực cảnh báo mưa lớn trên. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Để chủ động ứng phó với vùng áp thấp khả năng mạnh lên thành ATNĐ và mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã ra công điện khẩn yêu cầu các địa phương triển khai một số nội dung sau:
Đối với các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Cà Mau: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại bến đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.
Đối với đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên: Khẩn trương khắc phục thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, sạt lở đất và thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền và người dân.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có mưa lớn.
Tùy theo tình hình thực tế của địa phương, chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn
Đối với các Bộ, ngành khác tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao mà có phương án ứng phó phù hợp với tình hình thiên tai.
Nguồn: [Link nguồn]
Một đợt mưa lớn lại sắp trút xuống miền Trung, nguy cơ gây ngập lụt, sạt lở nhiều nơi do đất đã ngậm no nước.