Biển Đông có thể đón bão số 8 ngay sau bão số 7
Ngoài cơn bão số 7, dải hội tụ nhiệt đới cắt ngang qua vùng xích đạo có rất nhiều vùng nhiễu động hình thành và có khả năng phát triển thành bão, áp thấp nhiệt đới, có thể vào Biển Đông trong thời gian tới.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ sáng nay (9/11), vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 430km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17. Di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/h.
Nhiều khả năng sau bão số 7, Biển Đông sẽ tiếp tục đón bão số 8.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết sau khi đi qua quần đảo Hoàng Sa, bão số 7 sẽ đổi hướng, đi vào vùng biển Trung bộ, đây là vùng chịu ảnh hưởng nhiều của các đợt thiên tai vừa qua (cơn bão số 6 và 2 đợt mưa lớn). Vì vậy, đa phần các hồ chứa ở khu vực này đã tích đầy nước, đất ngậm no nước đạt bão hòa.
"Do tác động của bão số 7, đầu tuần tới, miền Trung sẽ xuất hiện đợt mưa. Hiện nay, dù phương án tính toán của Việt Nam cũng như quốc tế đều chưa đưa ra dấu hiệu về mưa cực đoan nhưng chúng tôi vẫn nhận định với hoàn lưu bão như này sẽ xuất hiện đợt mưa ở miền Trung nên người dân cần hết sức lưu ý. Đặc biệt là từ khu vực Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi", ông Khiêm nói.
Theo ông Khiêm, qua phân tích vệ tinh, ngoài cơn bão số 7, dải hội tụ nhiệt đới cắt ngang qua vùng xích đạo có rất nhiều vùng nhiễu động hình thành và có khả năng phát triển thành bão, áp thấp nhiệt đới. Chính vì vậy, ngoài cơn bão số 7 này, chúng ta cần lưu ý phải ứng phó với các cơn bão tiếp theo có thể hình thành từ Philippines và đi vào Biển Đông.
Trong khi bão số 7 đang hoạt động trên Biển Đông thì sáng nay (ngày 9/11), áp thấp gần Philippines thứ 2 và thứ 3 đã hình thành.
Tin bão, áp thấp mới nhất của cơ quan thời tiết Philippines PAGASA công bố lúc 4h sáng 9/11 cho biết, lúc 3h sáng cùng ngày, áp thấp 11b - hình thành gần Philippines từ 8/11 - cách đông nam Luzon khoảng 1.150 km về phía đông. Lúc 2h sáng cùng ngày, áp thấp này đã đi vào khu vực dự báo PAR của Philippines. Dự báo, áp thấp 11b có khả năng cao mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong vòng 24 giờ tiếp theo.
Trong khi đó, một áp thấp mới - áp thấp 11c - đã hình thành gần Philippines ngay sau 11b. Lúc 2h sáng 9/11, áp thấp 11c đang cách đông bắc Mindanao khoảng 2.885 km về phía đông, ở ngoài PAR. PAGASA dự báo, áp thấp mới có khả năng trung bình mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong 24 giờ tiếp theo.
Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), TDb - áp thấp mà Philippines gọi là 11c sẽ đi vào Biển Đông. Dự báo bão mới nhất của JMA nêu rõ, áp thấp TDb sẽ mạnh lên thành bão nhiệt đới ngay trong ngày 9/11 và duy trì cường độ bão tới ít nhất ngày 13/11 khi kết thúc giai đoạn dự báo.
Cơn bão này có khả năng đổ bộ Philippines ngày 11/11 và đi vào Biển Đông - trở thành bão số 8 ở Biển Đông - sau khoảng thời gian này.
Bão số 7 (tên quốc tế là Yinxing) hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines, mạnh lên thành bão và tăng cấp rất nhanh. Thời điểm mạnh nhất, bão tiệm cận cấp siêu bão khi sức gió mạnh nhất lên tới cấp 15-16, giật trên cấp 17. Bão đi vào Biển Đông trong sáng sớm 8/11, trở thành cơn bão số 7 với diễn biến được nhận định phức tạp, khó lường.
7 giờ sáng nay, bão số 7 đang cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 430km về phía Đông Bắc.
Nguồn: [Link nguồn]