Biển đảo vào đề thi Địa lý, thí sinh tự tin đạt điểm cao
Kết thúc buổi thi môn Địa Lí trong kỳ thi THPT Quốc gia, nhiều thí sinh được hỏi đều cho rằng, đề Địa lý rất “dễ thở” và mang tính mở, học bài kỹ thì không thể dưới 8 điểm.
Thí sinh Hà Nội khen đề hay
Kết thúc 180 phút làm bài thi môn Địa Lý, nhiều thí sinh cho hay, đề thi năm nay bám sát chương trình học, ôn luyện. Câu số 4, có nội dung hỏi về tài nguyên biển đảo khiến nhiều học sinh thích thú.
Đề thi môn Địa lý
Ghi nhận của phóng viên tại điểm thi trường Đại học Thủy Lợi (Hà Nội), nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi sớm. Phần lớn thí sinh nhận định, đề thi bám sát chương trình học, không khó.
Thí sinh Trần Khánh Lâm, học sinh trường THPT Nguyễn Huệ, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, đề thi môn Địa lý có 4 câu hỏi. Câu 1 hỏi về nội dung sông ngòi và lao động; câu 2 hỏi về các tỉnh giáp Trung Quốc, trung tâm công nghiệp của Miền Trung; câu 3 cho dữ liệu và yêu cầu vẽ biểu đồ về cây công nghiệp; câu 4 hỏi giải thích tại sao việc khai thác tài nguyên biển đảo có ý nghĩa chiến lược trong công cuộc phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước.
Trong câu hỏi về kinh tế biển, Lâm đã nêu các ý, Việt Nam có bờ biển dài; khách du lịch thường xuyên đến Việt Nam. Từ đó, tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển kinh tế biển.
Thí sinh dự thi tại điểm thi trường Đại học Thủy Lợi
“Câu hỏi về vai trò ý nghĩa của việc khai thác tài nguyên biển đảo khiến nhiều thí sinh thích thú. Trong câu này em đã nói lên việc bảo vệ các hòn đảo, đồng nghĩa với việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hòn đảo đó và các vùng biển xung quanh”, Lâm chia sẻ.
Trong câu hỏi số 3, đề bài hỏi tại sao các nhà máy thủy điện có công suất hàng đầu Việt Nam lại tập trung ở Trung du và Miền núi Bắc Bộ. Theo Lâm, câu hỏi này mang tính chất phân hóa, nâng cao. Học sinh phải học chắc kiến thức liên quan đến ngành dầu khí mới có thể làm tốt được.
Tại cụm thi trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, thí sinh Nguyễn Thị Hoa, Trường THPT Vạn Xuân, Hoài Đức, Hà Nội cho biết, đề thi Địa lý năm nay vừa sức với thí sinh. Đề thi nằm trong nội dung cô giáo ôn tập nên Hoa hoàn thành bài thi tốt.
Một thí sinh bị tai nạn giao thông nhẹ, chân phải băng bó tại điểm thi Đại học Công nghiệp Hà Nội
“Câu hỏi 4 đã giúp chúng em liên tưởng và hiểu hơn về khó khăn cũng như cách phát triển kinh tế ngoài biển đảo. Muốn phát triển kinh tế biển đảo cần phát triển các ngành khai thác biển, phát triển du lịch, khai thác tài nguyên khoáng sản”, Hoa nói.
Thí sinh Trịnh Hà Trung, huyện Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, đề thi nằm trong kiến thức cơ bản, không có nhiều kiến thức nâng cao. Đề thi đề cập nhiều vấn đề đang được xã hội quan tâm như khai thác than, khai thác dầu khí, phát triển kinh tế biển đảo và phát triển đất nước. Trung làm được 80% bài thi.
Tại cụm thi Đại học Bách Khoa Hà Nội, kết thúc 2/3 thời gian làm bài môn Địa lý, rất nhiều thí sinh đã ra khỏi phòng thi.
Hầu hết các thí sinh cho rằng đề thi môn Địa dễ thở, sử dụng Atlat là có thể làm tốt bài thi. Nội dung đề thi tập trung về biển đảo, bảo vệ biên giới cũng đã được thầy cô ở trường phổ thông ôn thi kỹ càng.
Vừa kết thúc 2/3 thời gia làm bài thi, thí sinh Bùi Thùy Linh (Nam Định) vui vẻ cho biết: "Đề địa năm nay ra đúng những gì em đã ôn, hầu như không phải học thuộc bài máy móc, những câu hỏi sát với thực tế tình hình biển đảo của nước ta hiện nay."
Theo Thùy Linh, đề thi môn Địa lý chính thức còn dễ hơn so với đề thi minh họa.
Thí sinh dự thi tại điểm thi trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
Thí sinh Nguyễn Văn Phong thi tại điểm thi trường Đại học Sư phạm Hà Nội thấy đề thi năm nay khá dài, nhưng không khó hơn mọi năm. Câu hỏi 4 nói về hiểu biết và bảo vệ biển đảo là phần hầu hết các bạn trong phòng thi chú ý nhất.
“Đây là phần nội dung khá nổi cộm trong mấy năm gần đây, và khi đưa vào đề thi đã tạo được sự quan tâm và tự bản thân em cũng ý thức cần học tốt để có thể xây dựng đất nước. Đây là điều em thích nhất trong bài thi.”, Phong chia sẻ. Theo Phong, đề năm nay hợp với sức học của các thí sinh học trung bình như mình để đạt được 5 điểm.
Thí sinh TP.HCM: Đề dễ thở
Ghi nhận tại điểm thi 14 - Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Q.5, TP.HCM) do Trường ĐH Y Dược TP.HCM chủ trì, rất nhiều thí sinh đã bước ra khi vừa hết 2/3 thời gian. Những thí sinh này cho biết, hoàn thành bài thi chỉ trong khoảng 1 giờ đồng hồ, thời gian còn lại kiểm tra lại bài làm.
Các thí sinh tranh thủ trao đổi bài làm ngay khi vừa gặp nhau trong sân trường.
Thí sinh Nguyễn Trần Bảo Uyên (Trường THPT Tây Sơn, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) cho biết, đề gồm 4 câu, tất cả có 8 ý. Theo Uyên, chỉ có 1 câu trong đề là đóng, còn lại đều là những câu hỏi mở.
“Câu hỏi đóng hỏi về đặc điểm sông ngòi và đặc điểm nguồn lao động của nước ta thì em làm chắc chắn 100%, do câu hỏi này đã nằm trong chương trình ôn tập và em đã học kỹ. Trong các câu hỏi mở thì câu cuối có hỏi về vấn đề kinh tế biển đảo và bảo vệ chủ quyền biển đảo, em rất thích câu hỏi này”, Uyên chia sẻ.
Các bạn cùng trường với Uyên cũng có chung nhận định là đề dễ, tuy nhiên khi tự đánh giá điểm số của mình thì thí sinh Nguyễn Hồng Nhật chỉ đưa ra con số từ 6-7 điểm, thí sinh Nguyễn Xuân Thắng tự tin từ 8-9 điểm. Riêng thí sinh Lê Hồng Quân nói: “Nếu không sai sót gì, có thể em sẽ được trọn điểm”.
Thí sinh Nguyễn Trần Bảo Uyên cho biết, em rất thích câu hỏi về biển đảo.
“Câu hỏi về biển đảo rất thích hợp với tình hình hiện nay khi mà vấn đề Biển Đông đang “nóng” lên. Trong bài, em có nhắc đến chi tiết khai thác kinh tế biển đảo giúp làm giảm chênh lệch kinh tế giữa đất liền và biển đảo, bảo vệ môi trường,… cũng như việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam”, Quân nói thêm.
Thí sinh Huỳnh Thị Mỹ Duyên (Trường THPT Huỳnh Văn Nghệ, tỉnh Bình Dương) thì cho biết: “Nhìn chung đề dễ, em làm chỉ hơn 1 tiếng, còn thời gian em xem lại bài. Theo em đề thi này đòi hỏi thí sinh phải biết vận dụng kiến thức đã học, chứ không chỉ học thuộc lòng”. Được biết, Duyên sẽ ứng tuyển vào Học viện Hành chính Quốc gia, chuyên ngành Quản lý nhà nước.
Thí sinh Huỳnh Thị Mỹ Duyên chỉ cần hơn 1 giờ đồng hồ trong tổng thời gian 3 giờ để hoàn thành bài thi.
Tại điểm thi tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, thí sinh Huỳnh Nguyễn Yến Như (Quận Bình Thạnh) cho biết: “Đề thi có 8 câu, chia thành 4 phần. Trong đó, phần lớn là lý thuyết, chỉ cần học bài là có thể làm được. Hai câu về vẽ biểu đồ và nhận xét thì có khó hơn một chút, nếu bạn nào không chắc kiến thức thì dễ gây ra nhầm lẫn. Với đề thi này, đạt được điểm 6, 7 không phải là khó”.
Thí sinh thảo luận bài làm sau khi thi xong môn Địa lý
Trong khi đó, bạn Hoàng Thị Thảo (quận 4) chia sẻ: “Đề thi năm nay khá dài nhưng không khó. Trong phòng thi của em, nhiều bạn chỉ cần 2/3 thời gian là đã làm xong bài và ra ngoài. Nhưng em dự thi vào khối C nên cũng cần có sự đầu tư kỹ lưỡng hơn. Với đề thi này, đạt điểm 5, 6 để xét tốt nghiệp khó, nhưng để có được điểm cao để xét vào ĐH, cũng cần phải học thuộc lý thuyết và nắm vững cách thức đọc Atlat, vẽ biểu đồ cũng như vận dụng những kiến thức xã hội vào bài làm thì mới đạt được kết quả tốt”.
Đà Nẵng: Nhiều thí sinh ra sớm
Tại Đà Nẵng, ngày thi thứ 3 với môn Địa lý, nhiều thí sinh cho rằng đề dễ và nộp bài về sớm.
Thí sinh Nguyễn Đình An, học trường THPT Ngô Quyền (Đà Nẵng) chia sẻ, đề Địa năm nay dễ, em làm hết tất cả đề chỉ mất gần 2 giờ thi. Tương tự, thí sinh Phạm Thị Huyền, tại hội đồng thi trường Phan Chu Trinh (Đà Nẵng) cũng cho rằng đề thi năm nay khá dễ, chủ yếu ra trong năm học 12, em làm bài đạt 80%.
Các thí sinh ra về sớm tại cụm thi Đà Nẵng
Tuy nhiên, cũng có thí sinh cho rằng đề khó ở câu khai thác thế mạnh biển đảo để giữ chủ quyền. Em Phạm Thị Diệu My (học trường THPT Trần Cao Vân, Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết, đề thi ra 4 câu, mỗi câu chia hai phần, phần bài tập chiếm 30%. "Nhưng khó ở câu phân tích thế mạnh biển vào giữ chủ quyền, em không hoàn thành được câu này, chỉ làm bài đạt 50%", My nói.
Theo ghi nhận tại Đà Nẵng, môn địa hầu như các thí sinh đều ra trước giờ nộp bài gần 1 tiếng.
Thông tin từ trường Đại học Đà Nẵng, Cụm thi 27 do ĐH Đà Nẵng chủ trì, trong môn thi Địa lý, tại Cụm thi 27 có 7.769 thí sinh dự thi so với 7.976 đăng ký dự thi, vắng 207 thí sinh, đạt tỉ lệ 97,40%. Trong đó, có 5 thí sinh bị phát hiện mang tại liệu vào phòng thi, đã bị đình chỉ ngay.
Trước đó, ngày 2.7, đã có 6 thí sinh bi đình chỉ do mang tài liệu vào phòng thi. Ngày 1.7, Đà Nẵng có 6 thí sinh bị đình chỉ do mang điện thoai vào phòng thi, 3 trường hợp ở môn Toán và 3 trường hợp môn Anh.
Ở môn thi Địa, Đà Nẵng có 18 điểm thi “trắng” không có thí sinh dự thi.
Khánh Hòa: Thí sinh thích thú với chủ đề biển đảo
Tại cụm thi số 32 Nha Trang, có rất nhiều thí sinh hoàn thành bài thi sớm, theo các thí sinh, đề thi mở rất ý nghĩa với đời sống con người, đặc biệt khi đề cập đến vấn đề biển, đảo.
Thí sinh vừa hoàn thành môn Địa lý
Em Trần Nguyễn Mai Uyên (trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, Nha Trang) cho biết, đề thi chia làm 4 câu, các câu hỏi không quá lắt léo, em rất thích câu số 1 vì nói về đặc điểm sông ngòi và nguồn lao động của Việt Nam, đây là những vấn đề thực tiễn mà mọi người đang quan tâm. Em làm dư thời gian, em thi khối C, trong đó có môn Địa lý nên đây là môn sở trường và em rất thích, em tính nhẩm thi được khoảng 7 điểm".
Để nhận ngay ĐÁP ÁN ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT QG năm 2015, soạn tin: |