Bia không độc bằng rượu, mặc nhiên uống thỏa thích?
Nhiều bệnh nhân cho rằng "tôi chỉ uống bia, đâu có uống rượu, sao lại có thể bị xơ gan được", đó là nhầm lẫn của rất nhiều người Việt hiện nay.
Một bệnh nhân nghiện bia rượu phải nhập viện do xơ gan
Ngày Tết là nơi gia đình sum họp, gặp mặt nhau, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp. Bên cạnh đó, cũng không thể thiếu được chén rượu, lon bia,… uống gặp mặt đầu xuân.
Hiện nay, có rất nhiều người quan niệm bia kém độc và nhẹ độ hơn so với rượu nên nhiều người mặc nhiên uống bia thỏa thích.
Lý giải về điều này, Phó Trưởng Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, TS. Vũ Trường Khanh nói: “Mỗi lần uống đều ít nhất 2-3 lít, lượng cồn vào máu không thua kém loại rượu nào. Bất cứ loại bia rượu kể cả bia rượu ngoại, bia rượu nhà máy hay bia rượu nấu thủ công cũng đều nguy hiểm vì chứa ethanol. Khi vào cơ thể, chúng sẽ chuyển hóa thành aldehyde, một chất rất có hại cho cơ thể”.
Tại Khoa Tiêu hoá, các bác sĩ ngày nào cũng tiếp nhận từ 5-7 trường hợp bệnh nhân xơ gan dù ban đầu họ chỉ bị gan nhiễm mỡ do uống quá nhiều rượu bia. Trong đó, không ít bệnh nhân bất ngờ khi bác sĩ đọc kết quả bệnh.
“Nhiều bệnh nhân cho rằng "tôi chỉ uống bia, đâu có uống rượu, sao lại có thể bị xơ gan được", đó là nhầm lẫn của rất nhiều người Việt hiện nay”, TS Khanh cho hay.
Chuyên gia khuyến cáo, quan niệm uống bia hoặc rượu vang thay cho rượu vì nghĩ nồng độ cồn thấp ít ảnh hưởng đến sức khoẻ hơn là một sai lầm.
Theo TS Khanh, thay vì uống khoảng 200ml rượu mạnh 40-50 độ, nhiều người chuyển sang uống hết chai vang khoảng 600ml. Nhưng với độ cồn là 12 thì họ đã nạp vào cơ thể gần tương đương với lượng cồn trong rượu mạnh. Tương tự, nhiều người bỏ rượu chuyển sang uống bia vì nồng độ cồn thấp (khoảng 5%). Tuy nhiên, nếu chúng ta uống 2-3 lít bia trong một bữa nhậu thì lượng cồn cũng tương đương họ uống 200ml rượu mạnh 50 độ.
BS Vũ Tường Khanh, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai
Là người trực tiếp điều trị cho những bệnh nhân uống rượu bia nhập viện, TS.BS Vũ Trường Khanh, cho biết, cảnh bệnh nhân chửi bới, đập phá, mê sảng xảy ra liên tục tại phòng cấp cứu.
Hầu hết bệnh nhân cấp cứu do xơ gan kèm theo hội chứng cai, trong đó nặng nhất là sảng rượu. Vài năm trở lại đây, số bệnh nhân bị xơ gan do bia rượu phải nhập viện điều trị rất nhiều.
Theo tiến sĩ Khanh, nhiều bệnh nhân còn xuất hiện triệu chứng co giật toàn thân, trong ngày có thể 4-5 cơn. Hội chứng này sẽ tiếp tục tái diễn nghiêm trọng hơn khiến bệnh nhân bị hoang tưởng, ảo giác nặng dẫn tới chi phối hành vi. Do đó, các bác sĩ không còn cách nào ngoài việc tạm thời trói bệnh nhân lại để tránh việc bệnh nhân quá khích gây tổn thương cho người khác và chính mình.
Bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế cho biết, Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng ngành rượu bia, với khoảng 3 tỷ USD/năm chi cho bia và khoảng 16.000 tỷ đồng/năm (tính theo mức giá rẻ nhất) cho rượu nhà máy.
Trong khi đó, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế Giới, Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia uống bia, tức là mức độ tiêu thụ bia vượt xa so với các loại rượu và đồ uống có cồn khác.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cảnh báo, ở Việt Nam có đến 77,3% nam giới sử dụng rượu bia. Đây là con số tiêu thụ rượu bia cao nhất thế giới nếu tính riêng nam giới. Vì thế, nếu không có biện pháp mạnh tay để hạn chế tình trạng sử dụng rượu bia thì Việt Nam sẽ là quốc gia đứng đầu về sử dụng rượu bia chứ không phải là thứ 29 trên thế giới như hiện nay.