Bị tình báo Mỹ "chơi xấu", Đức quyết tâm trả đũa

Đức sẽ siết chặt hoạt động giám sát chống gián điệp để trả đũa vụ bị tình báo Mỹ "chơi xấu".

Ngày 7/7, chính phủ Đức tuyên bố họ đang xem xét hủy bỏ thỏa thuận không do thám lẫn nhau ký với Anh và Mỹ từ năm 1945 nhằm trả đũa vụ bê bối tình báo mà một điệp viên hai mang của Đức làm việc cho Mỹ gây ra.

Việc thay đổi chưa từng có tiền lệ trong chính sách chống gián điệp này của Đức được Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere thông báo, và ông này nhấn mạnh rằng Berlin muốn “giám sát 360 độ” đối với toàn bộ các hoạt động thu thập thông tin tình báo ở Đức.

Trước đây, các hoạt động ngoại giao và thu thập thông tin của các đồng minh như Mỹ, Anh và Pháp đều không bị cơ quan tình báo Đức Bundesnachrichtendienst (BND) giám sát vì các nước này được coi là “hữu nghị” với Đức.

Bị tình báo Mỹ "chơi xấu", Đức quyết tâm trả đũa - 1

Đức rất tức giận với Mỹ sau vụ bê bối gián điệp hai mang (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, Bộ trưởng Maiziere cho biết giờ đây Đức không loại trừ khả năng giám sát chống gián điệp đối với các hoạt động tình báo của Mỹ, Anh và Pháp.

Những động thái này được đưa ra sau khi Đức bắt giữ một điệp viên hai mang của BND nhưng lại bán các tài liệu tuyệt mật của Đức cho cơ quan tình báo Mỹ (trong đó có thể có cả sự liên quan của CIA) với giá 10.000 euro mỗi tài liệu.

Các chính trị gia Đức đã rất sốc trước vụ việc này, vì họ không ngờ rằng đồng minh của mình là người Mỹ khi phát hiện một gián điệp hai mang lại không báo cho Đức mà đi tuyển mộ điệp viên đó để mua tài liệu.

Một số nghị sĩ Đức đã tức giận đòi trục xuất ngay lập tức những nhân viên tình báo Mỹ đã tuyển mộ điệp viên hai mang trên.

Được biết điệp viên này đã gửi email đến đại sứ quán Mỹ ở Berlin và hỏi các quan chức Mỹ có quan tâm đến việc “hợp tác” hay không. Sau đó, người này đã chép ít nhất 300 tài liệu mật của Đức vào một chiếc USB rồi giao cho các điệp viên Mỹ tại một địa điểm bí mật ở Áo.

Bị tình báo Mỹ "chơi xấu", Đức quyết tâm trả đũa - 2

Đại sứ quán Mỹ tại Berlin

Chỉ đến khi người này tiếp tục đề nghị bán các tài liệu trên cho đại sứ quán Nga tại Berlin, các nhân viên phản gián Đức mới phát hiện ra vụ việc. Người Đức từng coi việc một điệp viên của họ làm việc cho người Mỹ là “điều không thể”.

Sau vụ bê bối này, gần như chắc chắn tình báo Đức sẽ giám sát chặt chẽ các “điểm nghe trộm” mà Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và cơ quan tình báo Anh GCHQ bố trí trên mái các đại sứ quán ở Berlin.

Sự tồn tại của các “điểm nghe trộm” này bị phanh phui từ năm ngoái, sau khi những tài liệu mà cựu nhà thầu NSA Edward Snowden công bố cho thấy NSA đã tìm cách nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Hoạt động nghe lén của tình báo Mỹ được thực hiện từ một “điểm nghe trộm” trên mái đại sứ quán Mỹ ở Berlin, chỉ cách tòa nhà chính phủ Đức vài mét. Tình báo Anh cũng có một điểm nghe trộm tương tự trên mái tòa nhà đại sứ quán của họ ở Berlin.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo Independent) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN