Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Quận 7 là điểm khởi đầu giai đoạn bình thường mới
Quận 7, TP.HCM, đã đưa ra năm đề xuất để quận khôi phục kinh tế, chăm lo của người dân trong thời gian tới.
Sáng 5-9, quận 7 (TP.HCM) đã tổ chức buổi báo cáo tình hình kiểm soát dịch trên địa bàn quận. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã đến dự sự kiện này.
Phát biểu tại đây, Bí thư Thành uỷ TP.HCM đánh giá cao báo cáo tình hình chống dịch của quận 7. Theo ông Nên, việc quận 7 cơ bản kiểm soát được dịch là một tín hiệu đáng mừng. Điều này báo cho TP biết rằng đã có những địa phương đầu tiên như quận 7, huyện Củ Chi phòng, chống dịch phát huy hiệu quả sớm hơn dự tính.
Đây là những điểm khởi đầu để TP bước vào quá trình đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới.
Trước đó, tại buổi làm việc với huyện Củ Chi, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết TP đang tính toán để có thể bổ sung thay đổi chiến lược trong giai đoạn tới.
Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh và đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM chọn huyện Củ Chi và quận 7 là hai mũi đột phá, thí điểm cho kịch bản bình thường mới của TPHCM sau ngày 15-9.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại buổi báo cáo tình hình kiểm soát dịch quận 7, sáng 5-9. Ảnh: ĐỖ THIỆN
Phần lớn địa bàn quận đã chuyển thành vùng xanh
Báo cáo về tình hình dịch, Chủ tịch UBND quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh, cho biết khi dịch bùng phát tại Khu chế xuất Tân Thuận vào tháng 7, quận ngay lập tức đánh giá tình tình hình và sớm áp dụng Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội với một số phường có nguy cơ rất cao. Mục tiêu quan trọng nhất của quận là tập trung bảo vệ sinh mạng của người dân, bảo đảm hệ thống y tế hoạt động hiệu quả.
Quận đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ cải tiến và nâng cấp hệ thống y tế, chăm sóc sức khoẻ cho người dân và ngăn ngừa tử vong; triển khai các hoạt động chăm sóc an sinh cho người dân, nhất là giai đoạn giãn cách xã hội; đánh giá tình hình để nghiên cứu và triển khai kế hoạch quay lại cuộc sống bình thường mới cho người dân.
Theo thống kê tình hình dịch, có thể thấy quận 7 hiện bước vào giai đoạn cơ bản kiểm soát dịch. Gần nhất, ngày 4-9, quận triển khai xét nghiệm 2.600 mẫu ngoài cộng đồng và không có ca dương tính. Trong ngày quận có 25 ca dương tính đều được tầm soát và phát hiện tại bệnh viện.
Quận 7 cũng đã tiêm hơn 248.200 mũi vaccine, trong đó hầu hết dân số quận và đặc biệt là nhóm người cao tuổi, có bệnh lý nền đã được tiêm mũi số 1 (tỉ lệ hơn 99%) đang triển khai mũi tiêm số 2 (tỉ lệ hơn 9,5%).
Hiện quận 7 đã giải tỏa 10 điểm phong toả còn lại Đến nay, quận không còn các điểm phong tỏa y tế. Tỉ lệ vùng xanh tăng lên với số hộ dân là 42.474 và số nhân khẩu là 134.599.
Về công tác quản lý F0, tính đến ngày 4-9, quận có tổng cộng 2.461 trường hợp F0 đang được chăm sóc tại nhà. Số trường hợp F0 tại các khu cách ly tập trung của quận là 2.716 người.
Về hạ tầng y tế chăm sóc F0, quận đã tổ chức 21 khu cách ly tập trung, quy mô 3.400 giường. Đây là khu vực dành cho các F0 không có điều kiện tự cách ly tại nhà hoặc F0 có triệu chứng nhẹ, có một số bệnh nền được theo dõi kịp thời. Để ngừa tình trạng F0 trở nặng nhanh do biến chủng Delta, các khu cách ly có trang bị oxy, thuốc điều trị COVID-19. Hiện quận đang tổ chức cách ly tập trung cho 643 người.
Với các F0 có triệu chứng trung bình, nặng và hồi sức cấp cứu ban đầu, quận đã tổ chức ba cơ sở điều trị, gồm: Bệnh viện quận 7, bệnh viện Đa khoa Tân Hưng và bệnh viện Dã chiến quận 7 số 1. Sức chứa tổng thể là 690 giường, hiện đang điều trị cho 491 người.
Hiện tại, quận 7 đã thành lập 44 Trạm Y tế tại 10 phường (trong đó có 34 Trạm Y tế lưu động), với tổng số 83 bác sĩ, 11 dược sĩ, 22 điều dưỡng, 239 tình nguyện viên. Tất cả đảm nhiệm việc điều trị, chăm sóc ban đầu với các bệnh lý thông thường và thực hiện một số nhiệm vụ y tế khác.
Đến nay, lực lượng này đã thăm khám trực tiếp cho 1.062 người, tư vấn online 3.327 trường hợp và chuyển 40 trường hợp có dấu hiệu trở nặng đến khu cách ly/bệnh viện để điều trị.
Đồng thời, quận cũng có quy chế phối hợp liên kết giữa các cơ sở điều trị COVID-19 với các bệnh viện đa khoa tư nhân trên địa bàn như Bệnh viện FV, Bệnh viện Tâm Đức và các Bệnh viện dã chiến của TP như Bệnh viện dã chiến số 16, Trung tâm hồi sức tích cực do Bệnh viện Bạch Mai vận hành,… để hỗ trợ phối hợp điều trị F0 khi các cơ sở quận 7 không còn đủ khả năng chữa trị hay không còn sức chứa.
Về công tác đảm bảo an sinh, quận đã thực hiện nhiều giải pháp, sử dụng nhiều nguồn lực để đảm bảo tất cả người dân khó khăn, bị dịch ảnh hưởng đều được quan tâm, chăm lo, hỗ trợ.
Tính đến ngày 4-9, quận 7 đã trích gần 114 tỉ đồng từ ngân sách để hỗ trợ cho 74.425 lượt người. Ngoài ra, quận cũng đã vận động được 115 tỉ đồng tiền hỗ trợ từ nhiều hình thức khác nhau, trong đó hỗ trợ từ cấp quận là hơn 77 tỉ đồng; cấp phường hơn 38 tỉ đồng).
Quận cũng vận động chủ nhà trọ giảm giá cho hàng chục ngàn hộ dân, với tổng số tiền đạt được trên 16,4 tỉ đồng. Quận còn tổ chức phát 120 tấn gạo cho tất cả 10 phường, và kế hoạch phát gạo sẽ lên tới 1.230 tấn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, quận triển khai “đi chợ hộ” giúp hàng chục ngàn hộ gia đình mua được thực phẩm và hàng hóa thiết yếu kịp thời trong những ngày TP siết chặt giãn cách.
Lộ trình bình thường mới
Một trong những bước đi rất quan trọng của quận 7 làm đà cho bình thường mới chính là việc từ giữa tháng 8, quận đã thành lập Trung tâm nghiên cứu dữ liệu, lên phương án hoạt động sau khi dịch được kiểm soát, đưa cuộc sống người dân trên địa bàn quận trở lại giai đoạn bình thường mới.
Trung tâm này có nhiệm vụ đánh giá tình hình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của quận, từ đó tham mưu cho lãnh đạo quận thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch vừa phát triển kinh tế để có thể đạt được ở mức cao nhất các chỉ tiêu mà kế hoạch của quận đặt ra.
Trung tâm này cũng nghiên cứu và đề xuất thời gian, lộ trình mở cửa hoạt động trở lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hàng hóa, khách sạn, siêu thị, chợ, trường học… Quận cũng đã đánh giá tình hình hoạt động với các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, các khu công nghiệp và chế xuất… Từ đó quận đặt ra mục tiêu, điều kiện và lộ trình mở cửa trở lại đối với từng nhóm đơn vị.
Như vậy, từ người lao động đến doanh nghiệp; từ chợ đến các loại hình dịch vụ; từ đơn vị mới thành lập đến đã hoạt động lâu dài… đều sẽ được bình thường mới với giải pháp, lộ trình, yêu cầu và mục tiêu cụ thể do quận đề ra.
Hôm 1-9, quận 7 đã triển khai kế hoạch về các phương án phục hồi, ổn định, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn sau khi kiểm soát được dịch. Trong đó, quận xây dựng nền tảng hệ thống dữ liệu số hóa phục vụ công tác quản lý, chăm lo an sinh xã hội đến từng tổ dân phố; điều chỉnh phương thức, mô hình hoạt động của các ngành nghề nhằm thích ứng virus SARS-CoV-2; điều chỉnh phương thức điều hành quản lý của chính quyền, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để phục vụ giai đoạn bình thường mới.
Song song đó, quận sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các ngành nghề sản xuất; khôi phục hoạt động bình thường của BV quận 7; cải thiện hoạt động các khu chế xuất… Bằng tất cả kế hoạch này, quận kỳ vọng có thể sớm đạt “mục tiêu kép”.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng việc quận 7 cơ bản kiểm soát được dịch là một tín hiệu đáng mừng, là điểm khởi đầu quá trình đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới. Ảnh: ĐỖ THIỆN
5 đề xuất của quận 7
Tại cuộc họp này, lãnh đạo quận 7 cũng đã đưa ra năm đề xuất cụ thể để quận khôi phục kinh tế, chăm lo của người dân. Cụ thể:
Một là, thống nhất chủ trương cho các doanh nghiệp tạm sử dụng (thời gian 1-2 năm, kể từ thời điểm bàn giao đất) các khu đất công do Nhà nước quản lý để đầu tư xây dựng các khu lưu trú tạm (quy mô 1 tầng, với kết cấu tạm và mật độ xây dựng 60%) cho công nhân đối với các doanh nghiệp sản xuất có đông công nhân.
Việc này được thực hiện theo các phương thức như: Nhà nước cho mượn đất, doanh nghiệp sản xuất tự đầu tư cho công nhân ở; Nhà nước sẽ kêu gọi nhà đầu tư khác đầu tư xây dựng và doanh nghiệp ký hợp đồng thuê lại để bố trí chỗ ở cho công nhân hoặc công nhân thuê còn doanh nghiệp và Nhà nước sẽ hỗ trợ công nhân 1 phần tiền thuê,...
Hai là, xem xét miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong năm 2021 và giảm trong quý I-2022 để giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ba là, tiếp tục có các gói hỗ trợ về an sinh cho lực lượng công nhân và người lao động và hỗ trợ các bộ kit test nhanh cho hộ kinh doanh khi khôi phục hoạt động trong một tháng đầu.
Bốn là, bổ sung kịp thời vaccine COVID-19 để quận 7 tổ chức tiêm cho người nước ngoài, công nhân, người tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và những trường hợp đã đủ thời gian khoảng cách giữa hai mũi vaccine theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Cụ thể, vaccine AstraZeneca là 133.000 liều (trong đó có hơn 13.000 liều dành cho người nước ngoài chưa tiêm mũi 1; 120.000 liều dành cho công nhân tiêm mũi 2); Vaccine Pfizer là 45.200 liều (trong đó 24.200 liều dành cho người tiêm mũi 2 Pfizer, 21.000 liều thay thế cho người cần tiêm mũi 2 Moderna).
Năm là, bổ sung thuốc điều trị, chăm sóc chu đáo cho bệnh nhân F0; nhân lực có chuyên môn về y tế, máy móc, vật tư, trang thiết bị để vận hành có hiệu quả Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 quận 7 số 1 giai đoạn 2 dự kiến 600 giường.
Đến nay, tỉnh Bình Dương đã tiêm 1.134.176 liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân, với 1.088.096 người tiêm mũi 1 và 46.080...
Nguồn: [Link nguồn]