Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi xin lỗi dân
Sáng 28/10, Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi đã trực tiếp về xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) để gặp gỡ người dân.
Mở đầu buổi đối thoại, ông Võ Văn Thưởng thẳng thắn nhìn nhận, để xảy ra sự việc dẫn đến bà con bức xúc và có hành vi kéo lên chặn xe trên Quốc lộ 1 là lỗi của lãnh đạo các cấp chính quyền.
Các phương tiện cơ giới khẩn trương nạo vét thông luồng cửa sông Phú Thọ trong ngày 28/10.
"Thay mặt các cấp lãnh đạo tỉnh, tôi xin lỗi người dân và hứa sẽ khẩn trương nghiên cứu các phương án khắc phục tình trạng sạt lở, bồi lấp tại cửa Đại theo yêu cầu chính đáng của nhân dân” - Bí thư Tỉnh ủy, nói.
Tại buổi đối thoại, ông Trần Đình Lợi (80 tuổi), nguyên Bí thư xã Nghĩa An, khẳng định người dân chỉ đề nghị thông luồng cửa sông Đại để tàu thuyền ra vào an toàn chứ không cho hút cát đi bán.
Bà Võ Thị Anh Đào (60 tuổi), thì: “Yêu cầu chính quyền khẩn trương khơi thông cửa sông Phú Thọ để tàu cá ra vào đánh bắt và khẩn trương xây bờ kè để chống sạt lở ở khu vực cửa Đại. Đồng thời có chính sách hỗ trợ ngư dân không thể ra khơi và những hộ bị hư hỏng nhà cửa, hồ nuôi tôm do sạt lở bờ biển gây ra”, bà Đào nói.
Coi trọng quyền lợi của dân
Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng khẳng định, những bức xúc của người dân là rất chính đáng. “Tôi hứa với bà con, trong vài ngày tới cửa sông Phú Thọ sẽ được khơi thông để tàu thuyền ra khơi làm ăn. Về lâu dài, tỉnh sẽ mời chuyên gia và cả người dân có kinh nghiệm về sông nước ở đây để tìm phương án tối ưu mở lại cửa sông cho tàu thuyền ra vào”.
Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng lắng nghe ý kiến người dân.
Còn biện pháp khắc phục sạt lở bờ biển, trước mắt, dùng phương pháp dùng cọc sắt dài từ 12 - 14 m đóng xuống để làm kè chắn sóng (tương tự phương án cừ vây khi khai quật con tàu cổ ở Bình Châu- NV). Về lâu dài, cần phải tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng về địa chất, thủy văn, dòng chảy, độ sâu và cả nguồn vốn… mới có thể thực hiện được.
Đối với vấn đề hỗ trợ cho những chủ tàu bị ảnh hưởng do cửa sông bị bồi không ra khơi được, sẽ chia ra 3 mức, gồm: 10-15 và 20 triệu đồng, tương ứng với các loại tàu dưới 90 CV, từ 90-200 CV và trên 200 CV. Mức hỗ trợ này cần có sự đồng thuận của người dân. Với những hộ bị thiệt hại do sạt lở bờ biển thì chính quyền địa phương lập danh sách và thực hiện hỗ trợ theo quy định của Nhà nước.
“Để xảy ra sự việc trên thì bản thân Chủ tịch UBND tỉnh xin chịu trách nhiệm chứ không đổ lỗi cho ai. Vấn đề cấp bách hiện nay là bàn cách khắc phục tình trạng sạt lở và bồi lấp cửa sông Phú Thọ”, ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh nói.
Ngay sau khi buổi đối thoại kết thúc, tỉnh đã chỉ đạo nạo vét thông luồng cửa sông Phú Thọ trước sự chứng kiến của người dân địa phương.
Sansg 27/10, đông đảo người dân xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi đã kéo lên trung tâm TP Quảng Ngãi (cách Nghĩa An khoảng 10 km) để phản đối việc khai thác cát của dự án thông luồng, nạo vét tận thu cát nhiễm mặn ở cửa biển Cửa Đại của sông Trà Khúc. Theo người dân, việc khai thác cát đã gây sạt lở nặng cửa biển trong khi tàu bè vẫn chưa được thông luồng ra vào. |